Lừa đảo sim số đẹp

07:40 | 08/03/2016

915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sở hữu một chiếc sim điện thoại số đẹp hiện đang là sở thích của nhiều người. Không chỉ nhằm để cho dễ nhớ, dễ thuộc, sim số đẹp theo quan niệm của một số người còn là “bùa hộ mệnh” cho sức khỏe, cho sự may mắn trong làm ăn, cầu tài, cầu lộc… 

Bởi vậy, thị trường sim số đẹp hiện đang phát triển rất mạnh, chủ yếu là qua Internet và các trò lừa đảo xảy ra ở thị trường này cũng khá nhiều…

Thị trường sim số đẹp hiện nay chủ yếu là giao dịch qua mạng. Nếu seach trên Google, có thể tìm thấy hàng loạt các web bán sim, sim số đẹp. Thôi thì đủ giá, đủ loại.

Nào là sim tam hoa hay còn có cách gọi khác là sim tam quý. Đây là những sim có 3 số cuối trùng nhau tạo thành một cặp. Các cặp này có thể là các số từ 1 tới 9 như: 111, 333, 999... Chính bởi nó biểu trưng cho sự vững chãi nên sim tam hoa luôn là loại sim số đẹp được nhiều người lựa chọn, ngoài các sim thần tài và sim lộc phát. Sim tam hoa có 2 loại chính: sim tam hoa đơn và sim tam hoa kép.

Sim tam hoa đơn là sim có đuôi chỉ chứa một cặp tam hoa như: xxx111, xxx222...

Sim tam hoa kép là loại sim có chứa 2 cặp tam hoa trong đuôi của mình như: xxx111111, xxx999999...

Với mỗi cặp tam hoa khác nhau thì khoản tiền phải bỏ ra để sở hữu được chúng cũng không giống nhau. Ví dụ cặp tam hoa 888 được bán với giá rất cao nhưng nhiều người vẫn bỏ tiền mua, nhưng sim có cặp tam hoa 444 thì lại ngược lại, giá khá rẻ mà người mua vẫn ít.

Bởi cặp tam hoa 888 có nghĩa là tam phát, còn cặp 444 được hiểu là tứ tử nên giá của nó rẻ hơn nhiều so với sim tam hoa 888.

lua dao sim so dep

Sim thần tài là những sim số đẹp có đuôi là 39 hoặc 79. Theo quan niệm của nhiều người sử dụng sim thần tài sẽ may mắn, bình an và tài lộc hơn.

Sim lộc phát, phát lộc là những sim có đuôi 68, 86 với ý nghĩa mang lại tài lộc và sự may mắn cho chủ nhân (số 6 - lộc, số 8 - phát -> 68 - lộc phát, 86 - phát lộc).

Ngoài ra còn sim trùng với năm sinh của chủ nhân. Rồi còn nữa: sim tứ quý, sim ngũ quý, sim số kép, sim số lặp…

Với mỗi loại sim, giá tiền được rao bán trên mạng sẽ khác nhau. Cũng là sim số đẹp nhưng có loại giá chỉ 500 nghìn đồng, có loại lên tới 50 triệu đồng. Trên thị trường sim số đẹp hiện nay, sim thần tài, sim lộc phát là hai loại sim số đẹp có giá cao nhất và thường là ưu tiên lựa chọn của những người làm kinh doanh.

Anh T ở Mỹ Đình, Hà Nội, người chuyên rao bán sim trên mạng cho biết, giao dịch mua bán sim số đẹp chủ yếu là qua mạng, người mua và người bán cũng chỉ biết nhau qua các nick ở trên mạng chứ hiếm khi biết nhau ngoài đời thực. Thường thì người mua sau khi đã chọn được số sim vừa ý sẽ phải chuyển khoản trước tiền cho người bán.

Sau đó người bán mới tiến hành sang tên sim và giao hàng. Bởi vậy mà người mua trong các giao dịch này thường không có lợi thế khi xảy ra tranh chấp và nếu gặp phải người bán gian dối thì sẽ cầm chắc phần mất tiền. Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã từng bắt giữ đối tượng Trần Xuân Chiển, một đối tượng chuyên lừa đảo bán sim số đẹp trên mạng.

Chiển khai nhận, trong quá trình quản lý một cửa hàng Internet tại quận Lê Chân, Hải Phòng, phát hiện thấy việc mua bán sim điện thoại giao dịch giữa người mua và bán phần lớn là chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, trong khi việc đăng ký tài khoản chỉ cần chứng minh thư (không cần chính chủ).

Vì vậy, Trần Xuân Chiển đã dùng một chứng thư nhặt được mang tên Đặng Văn Tới (ở Thái Bình) để mở tài khoản ngân hàng, rồi đăng ký các tài khoản “Tungsodep”; “Namsovip”; “Hoangsovip” trên các website: muaban.com.vn; raovat.com; raovat.vn… để quảng cáo bán sim số đẹp đuôi tứ quý, tam hoa, lộc phát, phát lộc, sim năm sinh (999; 888; 6688, 6868; 0000; 1111; 5555).

Sau khi người mua chuyển tiền qua tài khoản, Chiển lập tức tháo sim rác vứt bỏ, cắt đứt liên lạc. Khi bị nhiều người phát hiện, tố cáo trên mạng, Chiển lại đem một chứng minh thư khác đến ngân hàng khác để mở tài khoản phục vụ mục đích lừa đảo.

lua dao sim so dep
Nguyễn Xuân Ngọc tại CQĐT

Mới đây, Công an TP Hà Nội bắt giữ đối tượng Nguyễn Xuân Ngọc (SN 1984), ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngọc khai nhận cuối năm 2013 làm nghề kinh doanh sim số đẹp bằng hình thức đi mua lại sim số đẹp của các đại lý bán sim rồi bán lại cho khách hàng để lấy tiền chênh lệch.

Ngọc  sử dụng 2 tài khoản “Ngọc sim Quảng Bình” và “Ngọc sim Đồng Hới” để quảng cáo, bán sim số đẹp trên mạng xã hội Facebook.

Đầu năm 2015, Ngọc bị mất 2 tài khoản Facebook trên nên lập tài khoản “Nhật Đăng Dũng QB” để tiếp tục bán sim số đẹp. Trong thời gian này, do nợ nần nên Ngọc nảy sinh ý định chiếm  đoạt tiền của những người mua sim.

Khi khách hàng liên hệ với Ngọc qua tài khoản “Nhật Đăng Dũng QB” hoặc số điện thoại 0901652999 của Ngọc, mặc dù không có sim nhưng Ngọc vẫn thỏa thuận bán sim theo yêu cầu của khách hàng, sau đó yêu cầu người mua chuyển trước tiền vào tài khoản ngân hàng mang tên Ngọc mở tại chi nhánh Đồng Hới, Quảng Bình để chiếm đoạt.

Bước đầu tại Cơ quan Công an, Nguyễn Xuân Ngọc  khai nhận từ tháng 2 đến tháng 11-2015 đã lừa đảo bán sim số đẹp cho 7 cá nhân với số tiền chiếm đoạt là hơn 41 triệu đồng.

Tinh vi hơn, đối tượng Nguyễn Khôi Nguyên ở thị xã Thái Hòa, Nghệ An còn lên mạng lập tài khoản giả danh là người của nhà mạng bán sim số đẹp. Để đối phó với việc người mua có thể kiểm tra địa chỉ giao dịch, số tài khoản trước khi chuyển tiền, Nguyên đã nghĩ ra một chiêu thức rất quái. Đó là Nguyên ra các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động lớn, vờ mua hàng và xin số tài khoản của cửa hàng để chuyển tiền mua hàng bằng tài khoản.

Sau khi có số tài khoản của các cửa hàng này, Nguyên lừa những khách hàng mua sim số đẹp của Nguyên chuyển tiền vào đây. Khách hàng, kể cả những người cẩn thận nhất, khi kiểm tra tài khoản cũng rất tin cậy vì đây đúng là tài khoản của cửa hàng kinh doanh điện thoại di động lớn. Do vậy, họ yên tâm chuyển khoản.

Về phần Nguyên, sau khi khách hàng báo đã chuyển khoản, Nguyên lập tức đến cửa hàng kinh doanh đó, nại ra các lý do để từ chối mua hàng và yêu cầu họ chuyển trả lại tiền cho Nguyên (thực chất đây chính là tiền của các khách hàng bị lừa mua sim số đẹp của Nguyên trên mạng).

Nhưng không chỉ bị lừa tiền, khách hàng mua sim số đẹp trên mạng còn bị gặp một chiêu lừa khác, phổ biến hơn, đó là mua phải sim trắng. Anh Ngọc ở Cầu Giấy, một nạn nhân của trò lừa đảo này, ấm ức kể. Do có nhu cầu mua một chiếc sim tam hoa, anh đã tìm trên mạng và thấy với giá khá hời.

Anh đặt mua, chuyển tiền và đúng đến giờ hẹn giao hàng, có người đem đến tận nhà giao cho anh một bộ sim còn nguyên, sim chưa bóc. Tin tưởng là sim mới, anh vô tư dùng. Nhưng chỉ độ một tuần sau thì sim bị vô hiệu, không thể sử dụng được. Dùng số điện thoại khác gọi vào số sim này thì thấy một giọng đàn ông nghe máy.

Người này cho biết, anh ta vừa mới mua lại số sim này. Tìm hiểu thêm, anh Ngọc mới vỡ lẽ, thì ra sim chưa bóc chưa chắc đã phải là sim mới. Người bán sim mà có ý định lừa đảo sẽ có một thiết bị kích hoạt sim để kích hoạt cả thẻ sim mới tinh vẫn nằm trên thẻ nhựa, sau đó thực hiện các cuộc gọi đi - đến rồi bán lại cho khách hàng.

Nhận tiền rồi họ chỉ cần ra đại lý các mạng di động khai báo mất sim, kê khai 5-10 số gọi đi gọi đến do chính họ thực hiện trước khi giao sim cho khách hàng, vậy là họ được cấp lại sim mới. Đồng nghĩa với việc chiếc sim số khách vừa mua trở thành sim trắng, vô giá trị sử dụng. Chiếc sim được cấp lại, họ lại rao bán cho người khác.

“Bất cẩn của tôi là khi mua đã không kiểm tra tên người đăng ký”, anh Ngọc ngao ngán nói và bài học cho cú bất cẩn này là số tiền 5 triệu đồng.

“Có đi thuê sim cũng chả đắt đến thế, tính ra mỗi ngày sử dụng mất gần 1 triệu đồng”.

 

Sông Thi

Năng lượng Mới 503