Liệt sĩ: Gian nan đường về quê hương (Kỳ 2)

11:07 | 02/07/2012

815 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giải mã phiên hiệu trong giấy báo tử là một việc làm vô cùng quan trọng trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Phương pháp xác định danh tính thực sự cho liệt sĩ cũng đang đặt ra cho các cơ quan chức năng rất nhiều dấu hỏi. Trong rất nhiều những giải pháp tìm kiếm, xác minh thì giải pháp nào là giải pháp tối ưu?

>> Liệt sĩ: Gian nan đường về quê hương (Kỳ 1)

Bài 2: Đi tìm giải pháp tối ưu

Giải mã phiên hiệu

Có một thực tế là, hiện nay hàng trăm nghìn thân nhân liệt sĩ không biết liệt sĩ đã chiến đấu thuộc đơn vị nào, hy sinh và mai táng ở đâu, trong khi giấy báo tử chỉ vẻn vẹn tên đơn vị được ghi những ký hiệu, mật danh.

Nơi hy sinh đều ghi chung là mặt trận phía Nam và an táng tại nghĩa trang mặt trận. Những thông tin về liệt sĩ mong manh như vậy gây khó khăn, tốn kém cho thân nhân liệt sĩ trong quá trình đi tìm phần mộ. Đã có một con trai của liệt sĩ giải mã được một phần phiên hiệu, mật danh và tìm được mộ cha và chú. Đó là anh Nguyễn Phú Dũng – trú tại 337 Trần Phú, thị xã Kon Tum.

Hơn 10 năm đi tìm mộ cha và chú, anh Dũng bắt đầu cuộc hành trình từ tỉnh Quảng Trị. Nơi anh tìm đến là các nghĩa trang liệt sĩ, Sở LĐ-TB&XH, Bộ Chỉ huy Quân sự các địa phương nhưng không tìm thấy thông tin về cha và chú mình. Tình cờ gặp người đồng hương công tác ở Quân đoàn 3, phiên hiệu của đơn vị cha anh là KB đã được giải mã. Đó là Quân khu 7. Phòng Chính sách của quân khu đang lưu giữ hồ sơ có tên cha anh.

Phải dùng phương pháp gì để xác định danh tính cho những hài cốt liệt sĩ này?

Ngần ấy năm đi tìm mộ cha và chú, những phiên hiệu mật như KB,KH,KN,KT,NB đã được anh ghi cẩn thận trong cuốn sổ nhỏ và điều bí ẩn đối với các gia đình liệt sĩ đã được giải mã.

Một trường hợp khác của chị Nguyễn Thị Hòa, em gái liệt sĩ Nguyễn Văn Vân quê ở thôn Nguyễn Huệ (Mỹ Tiến, Mỹ Lộc, Nam Định). Suốt hơn 20 năm qua, gia đình chi Hòa đã đến tất cả các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Bình Định để tìm mộ anh, bởi giấy báo tử chỉ ghi đơn vị là KN. Trong lá thư cuối cùng gửi về, liệt sĩ Nguyễn Văn Vân cũng viết là đang chiến đấu ở Bình Định.

Cũng nhờ anh Nguyễn Phú Dũng giải mã được phiên hiệu KN là Quân khu 5, chị Hòa đã gửi thư đến Phòng Chính sách Quân khu 5 thì nhận được trả lời là anh trai hy sinh ở Hòn Sỏng (Bình Thành, Bình Khê, Bình Định).

Câu hỏi được đặt ra, các quân khu đều biết các ký hiệu như KB là Quân khu 7, KN là Quân khu 5, KH là Quân khu 4, KT là Quân đoàn 3, NB là Quân khu 9, tại sao không thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin cho các gia đình liệt sĩ biết, để không phải tìm mộ người thân trong vô vọng, mịt mờ thông tin.

Thực ra, việc này cũng không phải quá khó hiểu. Thông tin từ Bộ Quốc phòng cho biết, trong chiến tranh, do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu nên chỉ huy các quân khu có thẩm quyền thành lập, điều chuyển và giải thể các đơn vị thuộc quyền. Chỉ huy cũng có quyền quy định phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư đơn vị riêng để giữ bí mật.

Mặt khác, địa bàn hoạt động của các đơn vị lại thường xuyên thay đổi theo nhiệm vụ, các thông tin về phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư đơn vị quân đội chưa được thống kê, đăng ký hoặc có đăng ký nhưng chưa đầy đủ nên có trường hợp bị thất lạc.

Gần đây nhất, vào ngày 28/3/2012, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH đã có một hoạt động vô cùng ý nghĩa trong công tác quy tập mộ liệt sĩ. Đó là tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh. Đây có thể được coi là kênh thông tin quan trọng để các đơn vị quân đội có thêm nhiều thông tin chính xác, tin cậy trong quá trình thu thập, tra cứu thông tin về ký hiệu, phiên hiệu đơn vị nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định danh tính liệt sĩ đang được triển khai.

Tuy nhiên, nói về sự kiện này, chị Hằng cho biết: “Đương nhiên, mục đích cuối cùng của giải mã phiên hiệu đơn vị là để biết liệt sĩ đó thuộc đơn vị chiến đấu nào, hy sinh ở đâu và hy sinh trong trường hợp nào. Nhưng, việc giải mã này liệu có cần thiết không khi mà toàn bộ danh sách liệt sĩ có nơi hy sinh và trường hợp hy sinh lại do chính Bộ Quốc phòng quản lý. Hơn nữa có rất nhiều tờ giấy báo tử không chính xác thì phiên hiệu đơn vị ghi trong giấy báo tử đó làm gì có mà giải mã. Thật sự là tôi rất tiếc tiền và nhân lực mà dự án sẽ đổ ra để thực hiện công việc giải mã trong khi Trung tâm Marin đã giải mã được các phiên hiệu này từ năm 2008”.

Theo chị Hằng, hiện tại thay vì tập trung vào giải mã phiên hiệu thì nên lập kế hoạch đẩy nhanh việc cung cấp thông tin về nơi hy sinh và trường hợp hy sinh của liệt sĩ đến tận tay gia đình thì sẽ thiết thực và đáng quý hơn rất nhiều. Và nếu được, Bộ Quốc phòng nên có một tổng đài số giống như 118 để ai có thông tin về nơi có hài cốt liệt sĩ thì tổng đài này có thế tiếp nhận, cho kiểm tra thông tin và tiến hành quy tập ngay. Nếu làm tốt điều này sẽ tránh được tình trạng gia đình liệt sĩ phải tự tổ chức đào bới vừa tốn tiến, vừa nguy hiểm.

Phương pháp xác định danh tính liệt sĩ

Trở lại với đề án “Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” của Bộ LĐ-TB&XH, từ khi công bố dự án này đã tạo được dư luận tương đối tốt. Nhiều gia đình hy vọng với sự hỗ trợ từ đề án này, họ có để đưa được hài cốt liệt sĩ bị thất lạc về với quê hương.

Theo nội dung đề án thì đối tượng của đề án là những hài cốt còn thiếu thông tin; mục đích của đề án là xác định tên cho liệt sĩ. Như vậy, về đối tượng thì có thể hiểu là cả liệt sĩ đã quy tập mà thiếu thông tin (chưa rõ tên hoàn toàn, hoặc thiếu một phần thông tin) có bia mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ và liệt sĩ chưa được quy tập.

Theo Bộ LĐ-TBXH, đến nay cả nước có 1.146.250 liệt sĩ được xác nhận; có 3.077 nghĩa trang liệt sĩ với 780.000 ngôi mộ. Đến nay đã có 80% số hài cốt liệt sĩ đã được quy tập. Vẫn còn 303.000 liệt sĩ đã tìm thấy hài cốt, an táng ở các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, trong đó số hoàn toàn thiếu thông tin chiếm 70%.

Ngôi mộ liệt sĩ được tìm thấy

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, 4 nhóm giải pháp xác định danh tính mà Đề án “Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” đưa ra thì giải pháp về cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất. Theo ông Lạng thì chúng ta cần xây dựng trung tâm giám định AND thuộc Bộ LĐ-TB&XH với quy mô xứng tầm và cần thiết phải xã hội hóa công tác giám định gen. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp để thống nhất các mã sinh phẩm cần giám định vì hiện có nhiều trung tâm có thể giám định gen, gia đình có thể mang đi giám định ở nhiều nơi dẫn đến trùng lặp và số lượng ảo, tránh để tình trạng lộn xộn, không đảm bảo yêu cầu chất lượng. Với hài cốt liệt sĩ, ưu tiên giám định các hài cốt mới quy tập vì số cũ còn hơn 300 nghìn ngôi mộ chưa biết tên đã được quy tập vào các nghĩa trang rất khó để lấy mẫu.

Nói về đề án này, chị Hằng cho rằng: “Nếu có thể, tôi rất mong muốn tại thời điểm này – thời điểm dự án đang lấy ý kiến của nhiều đơn vị trước khi Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ phê duyệt thì nên công khai rộng rãi hơn nữa tới thân nhân liệt sĩ để họ có thể đóng góp ý kiến cho dự án tốt hơn. Nếu Bộ LĐ-TB&XH cần lấy ý kiến của thân nhân liệt sĩ cho đề án tốt hơn, tôi sẵn sàng hợp tác làm việc này thông qua hệ thống tình nguyện viên của chúng tôi tại địa phương và thông qua chính các thân nhân liệt sĩ trên cả nước mà trong suốt 8 năm qua họ đã song hành cùng chúng tôi”.

Một trong những phương pháp khả dĩ nhất để xác định danh tính liệt sĩ là phương pháp xét nghiệm AND. Chúng tôi đặt giả dụ rằng, nếu Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành khai quật các phần mộ chưa rõ tên lên để tiến hành xét nghiệm AND. Tuy nhiên, vấn đề sẽ gặp phải là không ai có thể chắc chắn phần mộ dưới đó đã được gia đình cất bốc chưa? Trong một văn bản của Bộ LĐ-B&XH đã quy định rất rõ về việc xây mộ và lập mộ cho liệt sĩ. Văn bản nêu rõ là nếu mộ đã di chuyển thì cần ghi rõ thông tin lên bia mộ. Nhưng xem ra, ít cán bộ chính sách nào nhớ ghi trên bia mộ điều này.

Hơn nữa chiến trường Việt Nam là một trong những chiến trường khốc liệt nhất mà Mỹ từng tham chiến. Hàng triệu tấn bom đã được sử dụng – những loại vũ khí tối tân hiện đại này có sức công phá và hủy diệt khủng khiếp. Có quá nhiều liệt sĩ của chúng ta hy sinh không toàn thân xác nên công tác tử sĩ cũng không thể trọn vẹn và không tránh khỏi sự nhầm lẫn.

Một vấn đề đặt ra nữa là chất lượng xương răng có đủ để tiến hành xét nghiệm hay không? Việc cất bốc những ngôi mộ này lên để tiến hành xét nghiệm AND còn ảnh hưởng tới yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ là cản trở tương đối lớn trong quá trình triển khai dự án trên mà Bộ LĐ-TB&XH phải tính tới.

Ở khía cạnh khác, hiện tại, theo phản ánh của thân nhân liệt sĩ khi tới làm việc tại Trung tâm Marin, khi họ tới làm việc tại Bộ Quốc phòng, thì đơn vị này đã có thông báo sẽ không cung cấp thông tin tại số 14A Lý Nam Đế, Hà Nội như trước đây mà thông tin về liệt sĩ sẽ được chuyển về các địa phương từ ngày 1/8/2011. Nguồn thông tin vốn được coi là bí mật này đã được công bố thì nên chăng Bộ LĐ-TB&XH cũng cần tập trung nhân lực và kinh phí vào việc triển khai cung cấp thông tin về các liệt sĩ đã được quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ. Có lẽ, đây là việc quan trọng nhất mà Bộ LĐ-TB&XH nên làm ngay cho liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.

Tri ân cần hành động

Nếu chỉ dựa vào những tờ giấy báo tử như thế này sẽ rất khó để tìm mộ liệt sĩ

Việc trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ đã xả thân cho hòa bình dân tộc là việc nên làm của cả xã hội chứ không hẳn là trách nhiệm của một ai đó. Có thể đó chỉ là một kỷ vật bỏ quên đâu đó, có thể là chút hoài niệm xưa cũ về chiến trường năm xưa… của người đồng đội mà những liệt sĩ ở tận cùng Tổ quốc tìm được về quê hương. Qua hơn 3 năm hoạt động, Trung tâm Marin do chị Ngô Thị Thúy Hằng là Giám đốc, thông qua trang web nhantimdongdoi.org và đường dây nóng 1900571242 đã là chiếc cầu nối cung cấp thông tin để tìm được hàng ngàn hài cốt liệt sĩ bị thất lạc. Đây là một trung tâm hoàn toàn phi lợi nhuận, chưa có tư cách pháp nhân nhưng đã làm được những việc rất đáng được trân trọng.

Chị Ngô Thị Thúy Hằng cho biết: “Với mong muốn chia sẻ phần nào nỗi đau chiến tranh với gia đình và thân nhân các liệt sĩ, các thành viên và tình nguyện viên của Trung tâm Mrin trao đổi thông tin, tư vấn với thân nhân các liệt sĩ để tìm hiểu về phương pháp tìm mộ liệt sĩ, giải mã các phiên hiệu đơn vị, chiến trường, mặt trận để có được nguồn thông tin đa dạng hơn trong việc tìm lại mộ chí cho các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc”.

Hiện tại, trên trang web nhantimdongdoi.org có chính xác nơi hy sinh, trường hợp hy sinh của gần 800.000 liệt sĩ, chiếm khoảng 70% trong khoảng 1,1 triệu liệt sĩ trên cả nước; hệ thống được 300.000 tên liệt sĩ được quy tập tại hàng ngàn nghĩa trang trên cả nước. Mới đây, bằng phương pháp khớp nối thông tin theo nhiều nguồn khác nhau, Marin đã tìm ra mộ và trả lại đầy đủ họ tên, nguyên quán chính xác cho 179 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn 440 và 445 bộ đội địa phương hy sinh ngày 18/8/1966 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Như vậy, chắc chắn còn quá nhiều việc phải làm chúng ta mới có thể hoàn tất công việc trả lại tên cho các liệt sĩ. Việc nhanh chóng tìm thấy họ, đưa họ về quê hương không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa tình và đạo lý cao cả của dân tộc.

Phóng sự của Vũ Minh Tiến

Năng lượng Mới số 133, ra thứ Sáu ngày 29/6/2012