Làm sao tháo 'vòng kim cô' của việc học 'nhồi nhét'?

18:00 | 11/05/2016

1,323 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thực trạng của nền giáo dục nước nhà, mới đây, cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, hiện đang giảng dạy tại một trường THPT ở TP.HCM viết một lá thư với 8 thỉnh cầu gửi đến tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Trong 8 thỉnh cầu đó, cô Hiền nhấn mạnh hiện “Suốt ngày các em bị giam trong cái “vòng kim cô” của việc học”.

Trong 8 thỉnh cầu của cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền thì có đến 4 thỉnh cầu liên quan đến việc chương trình học quá tải, nhiều kiến thức đã cũ rích không có giá trị sử dụng khi áp dụng thực tiễn, cũng như công tác thi cử thay đổi liên tục làm cho học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cả xã hội vô cùng mệt mỏi. Cũng như việc quá coi trọng nhồi nhét kiến thức mà lơ là việc giáo dục đạo đức, nhân cách trong nhà trường đang gây nhiều tranh luận.

“Thưa Bộ trưởng,

Thỉnh cầu thứ nhất: Xin Bộ trưởng hãy nhìn vào học sinh lớp 12 trong giờ học. Có được một kẽ hở thời gian nào là các em gục xuống bàn ngủ ngay bất cứ lúc nào. Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều.

Học ở trường, học thêm ở các trung tâm và thầy cô; học ở nhà; học từ sáng đến tối không kịp ăn, không được ngủ. Học như điên như khùng, để rồi khi thi xong thì chẳng nhớ gì. Ôm mớ kiến thức ôm đồm nhưng ra đời chẳng áp dụng được bao nhiêu.

Suốt ngày các em bị giam trong cái “vòng kim cô” của việc học, mà không biết những gì đang xảy ra xung quanh mình. Nếu có biết cũng chỉ lơ mơ vì không có thời gian. Nhận thức các vấn đề xã hội một cách ấu trĩ.

Để rồi khi ra đời các em lại thiếu những kỹ năng cần thiết nhất: kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, không biết cách bảo vệ mình; không biết bênh vực cái tốt. Và trước cái ác, cái xấu cũng không dám lên tiếng phản đối.

lam sao thao vong kim co cua viec hoc nhoi nhet kien thuc
Học sinh các cấp học ở nước ta hiện đang quá tải (ảnh minh hoạ)

Thỉnh cầu thứ hai: Xin Bộ trưởng chấm dứt nỗi lo sợ cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh nữa bởi sự thay đổi liên tục trong giáo dục, đặc biệt là trong thi cử. Hãy cho chúng tôi sự yên lòng. Đừng có năm nay thi kiểu này, năm sau thi kiểu khác.

Dạy học theo “Nghiên cứu bài học” chưa đâu vào đâu lại chuyển sang “Tích hợp liên môn”, rồi phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Liệu sau đó có còn phương pháp “nhào bột”, “làm bánh” nữa hay không?

Mà tất cả những thay đổi ấy, Bộ chỉ phán một cách chung chung về lý thuyết, còn nữa là giáo viên tự bơi, và mỗi nơi bơi một kiểu, có nơi bơi được có nơi bị chìm.

Thỉnh cầu thứ bảy: Thưa Bộ trưởng, một thực tế ai cũng thấy là chương trình đại học của chúng ta hiện nay có đến 30% môn học không cần thiết. Với cương vị Bộ trưởng, ông có dám mạnh dạn bỏ những bộ môn đó, thay bằng những bộ môn chuyên ngành hữu dụng? Để khi ra trường sinh viên không đến nỗi thất nghiệp nhiều như hiện nay, vì một phần rất lớn là do chất lượng đào tạo quá yếu kém.

Thỉnh cầu thứ tám: Trong mọi sự giáo dục thì giáo dục nhân cách con người vẫn là yếu tố hàng đầu. Việc quá thiên lệch về nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ giáo dục đạo đức của ngành giáo dục mấy chục năm nay đã thấy được hệ lụy của nó.

Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục của chúng ta phải giáo dục được cho học sinh lòng tự trọng. Bởi có tự trọng thì con người sẽ hạn chế làm điều ác, điều xấu, ra đời sẽ không tham ô, tham nhũng, không chạy chức chạy quyền bằng mọi giá, không vì quyền lợi của mình mà giẫm đạp lên người khác. Những hình ảnh xấu xí của người Việt hiện nay phần lớn cũng do thiếu tự trọng mà ra". (giáo viên Hoàng Thị Thu Hiền).

Xung quanh bức thư này, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ quan điểm.

Bạn trẻ Huỳnh Kiến Quốc - đang học thạc sỹ tại ĐH Công nghệ Helsinki (Phần Lan) cho rằng: “Hiện nền giáo dục Việt Nam đang tụt hậu rất xa nhiều nền giáo dục trong khu vực. Tại sao chúng ta không học hỏi, bắt chước cái hay của nhiều nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và châu lục. Nền giáo dục Hàn Quốc từng rất lạc hậu và tụt hậu rất xa, và họ đã mạnh dạn mượn và dịch nguyên bộ sách giáo khoa của Nhật Bản để dạy học sinh Hàn, để rồi sau một thời gian ngắn, giáo dục Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc thì xung quanh ta còn rất nhiều mô hình giáo dục, những bộ sách giáo khoa hay như Singapore... để ta học theo”.

Còn bạn trẻ Trâm Uyên ở TPHCM thì cho rằng: “Một thầy giáo của tôi bảo rằng, chỉ riêng môn vật lý nhiều chương trình học của ta đã lạc hậu so với thế giới đã gần 50-60 năm. Chưa kể, còn nhiều môn học khác trong sách giáo khoa của ta biên soạn cách đây rất lâu rồi, đến nay vẫn chưa cập nhật những lý thuyết mới, kiến thức mới. Và dường như nhiều giáo trình ở bậc ĐH, CĐ của ta cũng rất lạc hậu, tụt hậu xa so với sự phát triển của thế giới. Vậy làm sao chúng ta khắc phục đây, chẳng lẽ để giáo dục nước ta mãi tụt hậu, lạc hậu sao?

Bất chợt tôi nhớ đến phát biểu của Giáo sư Pierre Darriulat trong diễn từ nhận giải Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục tại Lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh 2016 vừa qua nói rằng: “Ngày nay, rất nhiều sinh viên đại học phải lãng phí 4 đến 5 năm quý giá nhất cuộc đời mình để nghe những bài giảng mà chất lượng của nó cách xa hàng dặm so với những gì mà họ đáng được học. Trong nhiều lớp vật lý hạt nhân, nhiều kiến thức lạc hậu mà tôi đã học cách đây 60 năm khi còn là sinh viên vẫn đang được giảng dạy. Trong hơn hai mươi năm qua, chúng ta vẫn chưa thể để đào tạo ra được một nhóm các kỹ sư, nhà khoa học những người có thể làm chủ được việc xây dựng, vận hành, khai thác và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân mà chúng ta sẽ xây dựng trong tương lai”.

Thực trạng nền giáo dục Việt Nam đang đặc trọng trách cải cách, đổi mới lên vai tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, và liệu một mình Bộ Giáo dục – Đào tạo có thể làm cuộc chấn hưng giáo dục thành công hay cần sự chung tay của nhiều Bộ ngành khác cũng như toàn xã hội.

T. Thanh