Không để phát sinh chi phí ghi nhãn “hàng Việt Nam” cho doanh nghiệp
Dự thảo về Thông tư “Quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam” hay thường được gọi là thông tư quy định hàng Việt Nam đang được Bộ Công Thương khẩn trương lấy ý kiến của các doanh nghiệp, giới truyền thông và người dân nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp đã bắt đầu nảy sinh tâm lý lo ngại về việc tự xác định và ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" không biết có đảm bảo chính xác hay không và tiếp đến Bộ Công Thương có tính đến khả năng Nhà nước có cơ quan đứng ra đánh giá và cấp giấy công nhận...
Cho đến nay vụ việc cáo buộc gian lận xuất xứ sản phẩm điện tử Asanzo vẫn chưa có kết luận cuối cùng |
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng Ban soạn thảo thông tư quy định hàng Việt Nam đã khẳng định: “Ban soạn thảo chưa bao giờ tính đến khả năng này bởi cơ chế "đánh giá - công nhận" sẽ thực sự là gánh nặng cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Thông tư này, nếu được ban hành, sẽ do doanh nghiệp tự giác thực hiện. Nhà nước chỉ sử dụng Thông tư để phân xử đúng - sai khi xuất hiện tình huống đòi hỏi phải có sự phân xử đúng - sai, cụ thể như vụ Khaisilk trước đây”.
Nói rõ thêm về việc này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lý giải, ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.
Với thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã xảy ra trong thời gian qua.
Như vậy, nguyên tắc ghi nhãn mác xác định xuất xứ hàng hóa là quy định có tính “tự nguyện” đối với doanh nghiệp. Đây là việc cần thiết để doanh nghiệp khẳng định uy tín cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm của mình làm ra; là căn cứ để sản phẩm hàng hóa được pháp luật bảo hộ; đồng thời chống lại các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây mất uy tín, thiệt hại tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền thể hiện hoặc không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa. Trường hợp thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có “nghĩa vụ” tuân thủ Thông tư “hàng Việt Nam” và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin do mình cung cấp.
Có thể thấy rằng, việc soạn thảo Thông tư “Quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam” là việc cần thiết và đáng hoan nghênh khi xác định ngay từ đầu việc không để phát sinh chi phí, gây ra thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước.
Thành Công
-
Agribank tổ chức các đoàn công tác nắm bắt tình hình, khắc phục thiệt hại cơn bão số 3
-
VietinBank tiên phong và trách nhiệm trên con đường phát triển bền vững
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 10/9: Giá dầu duy trì đà tăng
-
Thu ngân sách từ doanh nghiệp xăng dầu tăng 13%
-
Tin tức kinh tế ngày 9/9: Ô tô nhập khẩu “quay đầu” sụt giảm