Khó hút lao động ở nước ngoài về làm công nhân với lương 8 triệu đồng

13:27 | 13/03/2023

24 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không ít người lao động về nước chọn phương án dùng tiền đã tích lũy để đầu tư, khởi nghiệp vì không chấp nhận làm công nhân với lương 8 triệu đồng/tháng ở Việt Nam.
Cải cách tiền lương: Cần thiết lắm rồi, người lao động đã mong chờ từ lâu!Cải cách tiền lương: Cần thiết lắm rồi, người lao động đã mong chờ từ lâu!
Người lao động về nước trước thời hạn được hỗ trợ tới 20 triệu đồngNgười lao động về nước trước thời hạn được hỗ trợ tới 20 triệu đồng
Tăng lương tối thiểu nhưng người lao động vẫn không đủ sống?Tăng lương tối thiểu nhưng người lao động vẫn không đủ sống?
Đại diện với Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai
Đại diện với Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai

Tại buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Nai về việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc và tạo cơ hội việc làm lao động trở về nước, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Trưởng Đại diện văn phòng Bộ tại TPHCM Phạm Anh Thắng cho hay, chính sách đưa lao động ra nước ngoài tại Đồng Nai vẫn còn thụ động.

Thực tế, tại các tỉnh, thành tại khu vực miền Đông Nam Bộ như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… thị trường lao động theo xu hướng cầu, không phải cung như khu vực miền Trung, miền Bắc.

Hơn hết, 70% người lao động đa phần nhập cư, không có vốn hoặc không có cơ sở mượn vốn để đầu tư phát triển ngôn ngữ, kỹ năng. Từ đó, họ càng không có khả năng tìm đến xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Người lao động đa phần muốn ổn định nhanh, rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện nhảy việc.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Hiền thừa nhận, một trong những khó khăn trong việc kết nối lao động Việt với các doanh nghiệp nước ngoài là do người lao động ngại học việc, muốn có việc làm tạo ra thu nhập ngay.

Cụ thể, để xuất khẩu lao động sang nước ngoài, người lao động cần học ngôn ngữ của đất nước đó. Tuy nhiên, lao động ở tỉnh Đồng Nai đa phần là lao động phổ thông, không có đủ khả năng học ngôn ngữ thứ 2.

Công tác thông tin tuyên truyền về các chế độ, chính sách và hỗ trợ vay vốn cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền nêu những khó khăn trong việc kết nối lao động Việt với các doanh nghiệp nước ngoài
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền nêu những khó khăn trong việc kết nối lao động Việt với các doanh nghiệp nước ngoài

"Việc vận động được người lao động đi nước ngoài còn khó khăn. Hiện nay các ngành may mặc, dệt may, giày da chiếm đến 70% thị trường lao động bởi tuyển rất dễ, không cần bỏ thời gian học chuyên sâu cũng làm được. Hiếm có lao động nào chịu bỏ thời gian, công sức để đi học ngôn ngữ, kỹ năng, họ chỉ muốn có việc làm thật nhanh để có lương đóng tiền trọ", bà Hiền nói.

Tỉ lệ đào tạo nghề tại tỉnh Đồng Nai rất thấp trong khi có đến 60 trường dạy nghề. Từ đó, dẫn đến chuyện lao động ứng tuyển vào các doanh nghiệp tuyển người liên tục, dễ nhận việc. Đến khi doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, người lao động thực sự "chưng hửng".

Từ đó, những tháng trước và sau Tết Nguyên đán 2023, doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất đã làm giảm 31.000 lao động, trùng với số người đến rút bảo hiểm xã hội. Tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận khoảng 4.000 người/tháng làm hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận xét, điều này tạo cơ hội cho địa phương tìm được nguồn lao động đang thật sự thất nghiệp, rồi lồng ghép các chương trình phi lợi nhuận để kết nối việc làm ở nước ngoài cho người lao động.

"Nhiều người thường nghĩ đi xuất khẩu lao động phải vay mượn nhiều tiền, nhưng lo sợ có lấy lại được "vốn" hay lại mang nợ. Tuy nhiên, đối với các hoạt động phi lợi nhuận về đưa lao động Việt ra nước ngoài do tỉnh tổ chức có thể giải quyết được khúc mắc này. Quan trọng là tuyên truyền, tư vấn thế nào để người lao động biết đến, hiểu rõ xuất khẩu lao động nước ngoài không mất tiền hoặc chỉ đóng khoản phí rất ít", bà Hiền trình bày.

Bên cạnh đó, địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ở trung ương để theo dõi tình hình lao động tại địa phương cư trú bất hợp pháp hoặc bỏ trốn khỏi nơi làm việc tại nước ngoài, để kịp thời tuyên truyền giải thích cho gia đình người lao động biết về những quy định của pháp luật.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH cũng quản lý tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tránh tình trạng người lao động bị doanh nghiệp lừa đảo, trước khi các doanh nghiệp thực hiện công tác giới thiệu, tuyển chọn lao động địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Sắp tới, tỉnh Đồng Nai còn phối hợp với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tổ chức cuộc thi tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc với 4 ngành nghề, sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp. Số lượng là 12.121 người.

Tại buổi làm việc, ngoài kích cầu lao động đi nước ngoài làm việc, bài toán đón 8.000 lao động đã hết hạn làm việc ở nước ngoài về Việt Nam mỗi năm cũng được thảo luận.

Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, ông Đặng Huy Hồng nêu rõ, mức lương tối thiểu cho lao động làm việc tại Hàn Quốc dao động từ 36 - 40 triệu đồng/tháng. Vì vậy, không ít người lao động về nước chọn dùng tiền tích lũy để đầu tư, khởi nghiệp hơn là tiếp tục làm công nhân với lương 8 triệu đồng ở Việt Nam. Còn đối với vị trí có mức lương 15 triệu đồng, lao động phải có nhiều kỹ năng.

Ông Đặng Huy Hồng chỉ ra những thuận lợi đối với việc tối ưu hóa nguồn cung lao động nước ngoài về Việt Nam
Ông Đặng Huy Hồng chỉ ra những thuận lợi đối với việc tối ưu hóa nguồn cung lao động nước ngoài về Việt Nam

"Người lao động từ nước ngoài về vốn đã có sẵn tài chính lẫn kinh nghiệm làm việc. Quan trọng là làm sao kết nối được nguồn lao động chất lượng này tới các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, lao động hết hạn làm việc đều được đăng ký trước nguyện vọng về lĩnh vực, vị trí, doanh nghiệp sẽ làm việc, vừa về đã có doanh nghiệp nhận vào làm ngay", ông Đặng Huy Hồng nói.

Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước đề xuất cần thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm, nhằm kết nối cho người lao động vừa về nước. Đối với lao động đã có sẵn kinh nghiệm, cần ứng tuyển vào các vị trí cao hơn như tổ trưởng, dây chuyền trưởng… địa phương cần đào tạo thêm các kỹ năng tin học, quản lý, ngôn ngữ cho người lao động.

Theo Nguyễn Vy/ Dân trí