Iran – kẻ phá hoại nỗ lực của Ả Rập Xê-út và Nga

17:00 | 08/09/2023

27,934 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo khảo sát mới nhất của Platts bởi S&P Global Commodity Insights, sản lượng dầu thô của OPEC+ đã tăng 120.000 thùng/ngày trong tháng 8 do sự gia tăng đến từ Iran, Iraq và Nigeria bù đắp cho sự cắt giảm của Ả Rập Xê-út và Nga.
OPEC: Thế giới thiếu hụt 2 triệu thùng dầu/ngày sau khi Ả Rập Xê-út cắt giảm sản lượngOPEC: Thế giới thiếu hụt 2 triệu thùng dầu/ngày sau khi Ả Rập Xê-út cắt giảm sản lượng
Điều gì sẽ xảy ra nếu OPEC+ kéo dài chính sách cắt giảm sản lượng sang năm sau?Điều gì sẽ xảy ra nếu OPEC+ kéo dài chính sách cắt giảm sản lượng sang năm sau?
Iran – kẻ phá hoại nỗ lực của Ả Rập Xê-út và Nga
Ảnh minh họa

Trong khi Ả Rập Xê-út và Nga, 2 quốc gia có sản lượng dầu khí cao nhất OPEC+, đang nỗ lực cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu, một số quốc gia khác, dẫn đầu là Iran, đã tăng mạnh hoạt động khai thác của mình.

Cụ thể, cuộc khảo sát cho thấy sản lượng dầu thô của Ả Rập Xê-út là 8,95 triệu thùng/ngày trong tháng 8, giảm 100.000 thùng/ngày so với tháng trước và ở mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2021. Từ tháng 7, quốc gia này đã thực hiện cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Nga, đã giảm sản lượng 20.000 thùng/ngày xuống còn 9,4 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Vào tháng 7, Nga đã cam kết cắt giảm nguồn cung 500.000 thùng/ngày, nhưng chỉ rõ rằng điều này liên quan đến xuất khẩu chứ không phải khai thác. Sau đó, họ cho biết sẽ giảm bớt mức cắt giảm xuống 300.000 thùng/ngày kể từ tháng 9.

Ở chiều ngược lại, sản lượng tăng ở Iran, Iraq và Nigeria đang giảm thiểu tác động của việc cắt giảm sản lượng lớn của Ả Rập Xê-út.

Theo khảo sát, sản lượng 2,95 triệu thùng/ngày của Iran trong tháng 8 là mức cao nhất của quốc gia này kể từ tháng 11 năm 2018, do xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc vẫn mạnh. Áp lực trừng phạt đối với Iran cũng giảm bớt đáng kể khi các nước phương Tây tập trung vào các biện pháp chống lại Nga, cho phép khách hàng mua thêm dầu thô của Iran mà không sợ bị trừng phạt. Cùng với đó, Iran được miễn hạn ngạch khai thác theo thỏa thuận OPEC+.

Sản lượng tại Iraq cũng tăng 110.000 thùng/ngày do mức tiêu thụ nội địa tăng, trong khi sản lượng của Nigeria tăng 60.000 thùng/ngày do hoạt động tại kho Forcados quay trở lại, sau khi một vụ rò rỉ dưới nước làm gián đoạn việc bốc hàng trong một tháng.

Sản lượng của OPEC+ đạt trung bình 40,52 triệu thùng/ngày trong tháng, thấp hơn nhiều so với mức đầu mùa hè này. Theo cuộc khảo sát, liên minh OPEC + tiếp tục khai thác dưới mức hạn ngạch đáng kể, với tổng mức thiếu hụt là 1,1 triệu thùng/ngày trong tháng 8.

Trong khi 13 thành viên của OPEC tăng sẳn lượng lên 190.000 thùng/ngày so với tháng trước, sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC trong liên minh đã giảm 70.000 thùng/ngày.

Sự kiềm chế của Ả Rập Xê-út, cùng với các đợt cắt giảm nhỏ hơn do các thành viên OPEC+ khác thực hiện kể từ tháng 5, phần lớn được cho là nguyên nhân khiến giá dầu thô tăng gần đây lên mức cao nhất trong 10 tháng.

Ả Rập Xê-út và Nga vào ngày 5/9 đã thông báo rằng họ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2023. Điều này khiến các nhà phân tích tại S&P Global ước tính mức thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay là 1,8 triệu thùng/ngày.

Đỗ Khánh

S&P Global