Đổ tội cho cái vô tri...?

06:33 | 20/06/2014

762 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên tiếp xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch DN1500, gây nhiều thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng tới cuộc sống người dân thủ đô. Đáng ngại nhất là việc vỡ đường ống đã được cảnh báo từ lâu, nhưng người có trách nhiệm vẫn phớt lờ. Khi cơ quan chức năng vào cuộc tìm nguyên nhân thì đổ cho đường ống, bỏ qua yếu tố con người liên quan...

Vỡ do lỗi của ống…?

Từ khi đi vào khai thác đến nay, đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội xảy ra 7 lần vỡ đường ống và riêng trong tháng 4/2014 xảy ra hai lần. Lần gần đây nhất xảy ra vào tối ngày 17/6 (tại km25 Đại lộ Thăng Long, thuộc huyện Thạch Thất - Hà Nội. Sự cố không chỉ gây nhiều thiệt hại lớn về tài sản, nó còn ảnh hưởng tới cuộc sống người dân thủ đô. Đáng ngại nhất là việc vỡ đường ống đã được cảnh báo từ lâu, nhưng chủ đầu tư vẫn không có giải pháp căn cơ để xử lý có trách nhiệm vẫn phớt lờ.

Sự lần xảy ra cố vào ngày 26/4, Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã lập đoàn kiểm tra toàn diện đường ống dẫn nước để có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ đạo các Bộ, ban ngành liên quan vào cuộc tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục triệt để. Để xác định nguyên nhân sự cố, Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc làm rõ nguyên nhân sự cố.

Đơn vị quản lý đường ống đang khắc phục sự cố.

Sau hơn 2 tháng đi tìm nguyên nhân dẫn đến việc liên tiếp vỡ đường ống dẫn nước DN1500, trên cơ sở kết quả kiểm tra, quan trắc, đo đạc, thí nghiệm, phân tích, tính toán của đơn vị kiểm định, nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến DN1500 được xác định do chất lượng của ống không đồng đều. Tại một số vị trí ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp và một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống theo tiêu chuẩn áp dụng.

Bên cạnh đó, một số khu vực có hầm chui dân sinh không có các tấm đan bảo vệ ống dẫn đến giảm khả năng chịu tải của tuyến ống trước tác động của tải trọng bên ngoài. Đường ống DN1500 chịu ảnh hưởng của việc thi công xây dựng tuyến Đại lộ Thăng Long, đường ngang dân sinh sau khi đường ống đã được thi công lắp đặt. Đồng thời, tải trọng do các phương tiện giao thông trên Đại lộ Thăng Long, đường ngang, đường dân sinh tác động lên ống.

Kết luận chưa thỏa đáng

Liên quan đến kết luận này, ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) khẳng định, kết luận của Bộ Xây dựng về sự cố vỡ ống nước DN1500 là chưa thỏa đáng.

Ông Nguyễn Sỹ Trung nhận xét, kết luận chưa đề cập tới nền đất yếu mà Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải đã từng cảnh báo từ những ngày đầu mới triển khai dự án đường ống dẫn nước DN1500. Và thực tế cho thấy, 4/7 điểm xảy ra sự cố nằm ở khu vực nền đất yếu đã được cảnh báo. Các sự cố xảy ra không chỉ có lỗi của chất lượng đường ống, mà lỗi thuộc về chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn giám sát và thi công.

Hình ảnh một đoạn đường ống DN1500.

Phản bác lại kết luận cho rằng đường ống DN1500 chịu tác động do các phương tiện giao thông trên Đại lộ Thăng Long, đường ngang, đường dân sinh tác động lên ống. Ông Nguyễn Sỹ Trung khẳng định, đổ lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long là không chính xác. Tuyến đường này có chiều dài gần 30km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau. Đặc biệt, có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m. Khi làm đường, chúng tôi đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian bằng công nghệ cọc cát, giếng cát, thay đất… khi nền ổn định mới xây dựng công trình. Đến bây giờ có thể khẳng định, tuyến đường rất ổn định.

Trong khi đó, đường ống nước sông Đà được đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc 12,5m, độ sâu từ 4-6m so với mặt đất tự nhiên, không nằm trong phạm vi xử lý nền đường. Đường ống không nằm trong nền đường cao tốc, do đó cũng không thể nói nền đường Đại lộ Thăng Long gây sụt lún dẫn đến vỡ ống. Hơn nữa, độ rung từ mặt đường cao tốc do ô tô đi lại gây ảnh hưởng đến đường ống về mặt định lượng gần như bằng không.

Nói về nguyên nhân dẫn đến các sự cố của đường ống dẫn nước DN1500, ông Nguyễn Sỹ Trung nhận định, do đơn vị thiết kế và nhà thầu thi công không xử lý móng của tuyến ống, để ống chạy trên nền đất yếu. Vật liệu của ống lại là composite, là vật liệu mới được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy khi móng của đường ống không đều, tuyến ống sẽ vỡ.

Như vậy, trong quá trình xây dựng đường ống dẫn nước DN1500, đã có sự cẩu thả và vô trách nhiệm. Nhà thầu làm cho xong, còn chủ đầu tư, đơn vị nghiệm thu cũng nhắm mắt cho qua. Không được đặt đường ống trên tất cả các địa hình đã được cảnh báo mà không xử lý nền đất yếu. Chỉ tính riêng trên toàn bộ Đại lộ Thăng Long, có tới 5,4km là đất yếu, dù không thể xử lý đường ống toàn tuyến chí ít cũng phải ưu tiên xử lý đoạn đường có nền đất quá yếu này. Và sau một thời gian đưa vào khai thác, đường ống xuống cấp nên bộc lộ rõ về sự cẩu thả, vô trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu qua 7 lần vỡ.

Ông Nguyễn Sỹ Trung cảnh báo đường ống dẫn nước sạch DN1500 sẽ còn vỡ tiếp. Sự việc xem như đã rồi, giờ tìm được nguyên nhân thì nên khắc phục theo hướng “sống chung với lũ”. Một là đơn vị quản lý, khai thác có thể xây dựng một bể chứa dự phòng phía gần nội đô, khi có sự cố xảy ra sẽ lấy nước từ đây bơm về; hai là làm một đường ống nước thứ 2 có quy mô tương tự. Còn đối với khách hàng đang sử dụng nước sinh hoạt từ đường ống này, cũng nên tự trang bị cho mình đồ chứa nước đủ dùng trong vài ngày. Nếu không, đường ống dẫn nước này còn xảy ra nhiều lần vỡ tiếp và người dân vẫn phải gánh chịu cảnh mất nước sinh hoạt.

Thiên Minh - Thanh Ngọc