Điện ảnh Việt: 7 năm phấn đấu cho... mơ hồ

18:54 | 28/06/2013

522 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Về phấn đấu đưa điện ảnh Việt lên hàng đầu Đông Nam Á, "chúng ta rất khó định vị được kết quả vì mục tiêu không cụ thể", GS.TS Trần Luân Kim nói.

Mục tiêu mơ hồ

Tham vọng nói trên cũng là điểm được bàn luận nhiều nhất trong buổi góp ý cho bản dự thảo "Chiến lược phát triển điện ảnh Việt đến năm 2020" tại TP.HCM, nơi có thị trường điện ảnh sôi động và lớn nhất nước. Đây là buổi góp ý thứ hai sau Hà Nội, diễn ra sáng ngày 28/6 do Bộ VHTT&DL - cơ quan dự thảo đứng ra tổ chức. Buổi họp có mặt chừng 100 người là các quan chức văn hóa của nhiều địa phương phía Nam, các nhà làm phim lão thành, các đạo diễn và đại diện một số doanh nghiệp đang tham gia thị trường.

Tổng doanh thu phòng vé tại VN trong năm 2013 dự đoán sẽ đạt 57 triệu USD, theo Megastar

Trong phát biểu tóm tắt dự thảo, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục điện ảnh nêu quan điểm rằng: "Để đưa ra việc như thế, chúng tôi không nói là đứng đầu, mà là hàng đầu. Mà Đông Nam Á chỉ có 10 nước thôi. Điều này là có niềm tin và cơ sở".

Tuy nhiên, như ý kiến của cựu Chủ tịch Hội điện ảnh VN Trần Luân Kim, nhiều người tỏ ra lo ngại mục tiêu bao trùm nói trên là rất mơ hồ. Để khi về đích, kết quả thực thi có thể được diễn giải theo ý chí chủ quan, sao cho cả làng điện ảnh đều cảm thấy vui mừng vì chiến lược đã... thành công tốt đẹp.

Dù các ý kiến còn khác nhau tùy theo góc độ quan tâm, sự tác động tới các chủ thể và lợi ích riêng tư, nhưng ai quan tâm đều cho thấy sự kỳ vọng vào những thay đổi tích cực, đến từ gói giải pháp và kế hoạch hành động mà bản chiến lược dự thảo (lần thứ ba kể từ bản đầu tiên không thành vào năm 1995) đề ra cho điện ảnh Việt, sau những năm phát triển gần như tự phát dưới vòng xoáy có tên "xã hội hóa".

Vấn đề của chúng ta hiện nay là ở khâu kiểm duyệt

Điển hình như kế hoạch xây dựng thông tư hướng dẫn phân loại phim phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện, hoàn cảnh của VN. Theo bà Ngô Phương Lan, hệ thống này có thể sẽ sớm được ra đời trong năm 2014 với các mức phân loại theo độ tuổi khán giả dự kiến như trên 13, trên 16 và trên 21. Dù muộn, nhưng ít ra điện ảnh Việt tương lai sẽ không còn những bộ phim "chết" trong phòng hội đồng duyệt vì lý do phim "không phù hợp".

Dưới góc độ một doanh nghiệp phát hành phim và chiếu bóng, ông Vĩnh Long - Phó tổng giám đốc Megastar chia sẻ hệ thống phân loại sẽ giúp nhà phát hành phim tránh được rủi ro phim không được phép phổ biến, trong lúc khán giả mong đợi được xem. "Về mặt chính sách, chúng tôi nghĩ nên mang tính chất khuyến khích, nhất quán và minh bạch", ông nói.

"Bụi đời chợ Lớn", phim Việt gần đây nhất bị cấm chiếu, sau "Bẫy cấp ba", "Thủ tướng"....

Cần tạo ra môi trường tự do sáng tạo cho nhà làm phim, đó cũng là quan điểm được nhiều ý kiến lưu tâm. GS.TS Trần Luân Kim cho rằng dự thảo còn chung chung và chưa cụ thể ở điểm này. "Người ta hiểu tự do sáng tạo là không cấm đoán, vấn đề của chúng ta hiện nay là ở khâu kiểm duyệt", ông nói.

Bản dự thảo có nêu ra nhóm giải pháp về nguồn nhân lực cho điện ảnh và khâu phát hiện tài năng thông qua các hình thức truyền thống như đào tạo và trại sáng tác. Nhưng với môi trường sáng tạo gây tâm lý ức chế hoặc dè chừng với nhà kiểm duyệt, không ai dám chắc tài năng sẽ xuất hiện để làm ra những bộ phim gây tiếng vang thế giới, dù đây chính là thước đo cụ thể nhất để xem xét một nền điện ảnh có "hàng đầu" hay không.

 Chưa có lời giải

Mặt khác, vào lúc bản chiến lược 7 năm và tầm nhìn 17 năm được viết ra, điện ảnh Việt gần như đang bùng nổ bởi các yếu tố ngoại. Tại cuộc họp, đại diện Megastar đưa ra con số dự đoán doanh thu thị trường chiếu bóng VN sẽ đạt khoảng 57 triệu USD trong năm 2013, so với 47 triệu USD (theo Hollywood Reporter là 42 triệu USD) của năm 2012. Phần lớn thành công này là nhờ nỗ lực của các tập đoàn nước ngoài đang sở hữu các hệ thống rạp lớn nhất tại VN, cùng như nhờ phim ngoại nhập, với tỷ lệ người xem chiếm 70%.

Sự thành công của thị trường chiếu bóng mang lại gì cho điện ảnh Việt đang là câu hỏi bỏ ngỏ chưa có lời giải đáp. Trước câu hỏi trực tiếp và thẳng thắn của Thứ trưởng Vương Duy Biên - người chủ trì cuộc họp, vị đại diện của hệ thống rạp do tập đoàn CJ (Hàn Quốc) sở hữu không bày tỏ có ủng hộ hay không đối với giải pháp trích phần trăm doanh thu phòng vé góp vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh VN (cũng là một giải pháp khác có trong dự thảo).

Theo Vietnamnet