Đau đầu tư nhân trùng tu di tích tùy tiện

10:05 | 20/03/2012

634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Đóng góp" vào hành trình "tiêu diệt di sản cha ông", có một nguyên nhân cơ bản là xã hội hóa không chọn lọc, dẫn đến sự tham gia của các công ty tu bổ tư nhân thiếu chuyên môn, kém năng lực, đội ngũ thợ trùng tu tay nghề hạn chế…

Theo thời gian nhiều trăm năm tồn tại, di tích đình, chùa, đền… xuống cấp liên tiếp vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI kéo theo một tiến trình trùng tu, tôn tạo. Và khi nhận thấy nguồn lợi nhuận từ công tác này không nhỏ, trong xã hội dấy lên “phong trào” tu bổ với sự chuẩn bị còn nhiều thiết hụt.

Đền Hai Bà Trưng từng là "tâm điểm" về sự biến đổi sau khi trùng tu

Thực trạng “mới hóa di tích”, trùng tu “đầu cua tai nheo”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thực sự đã không còn xa lạ những năm qua. “Hàng trăm doanh nghiệp tư vấn và thi công đã thực hiện các gói thầu về tu bổ di tích. Trong đó phần đáng kể là các doanh nghiệp mới thành lập”. Đó là băn khoăn của KTS Đoàn Bá Cử – Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương. Theo ông Cử, số đơn vị đăng ký kinh doanh còn lớn hơn số tham gia. Và rõ ràng, sự tăng trưởng bột phát ấy không dễ gì tránh được sự pha loãng về chất lượng đội ngũ. Nhận xét về lực lượng trực tiếp tham gia trùng tu hiện nay, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, hiện ở ta đang rất thiếu những nghệ nhân bậc thầy trong các ngành nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động tu bổ di tích (nề, ngõa, mộc…)…

Còn Chủ tịch Hội – GS.TSKH Lưu Trần Tiêu thì vạch rõ: Nhân lực bảo tồn di tích phần lớn không được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn, tính chuyên nghiệp chưa cao, người được đào tạo, tập huấn bảo tồn di tích phần lớn không được sử dụng đúng chuyên môn, thậm chí thành người ngoài cuộc… Bởi thế mà đã xảy ra nhiều cảnh “dở khóc dở cười” như phê phán của GS.TS Hoàng Văn Khoán – ĐH Quốc gia Hà Nội: Nhiều nơi việc trùng tu tôn tạo không làm đúng các quy định hiện hành, vứt bỏ các hiện vật gốc, thay vào đó là các vật liệu và điêu khắc hiện đại làm biến dạng các di tích.

Đó quả thực là sự đe dọa và hơn thế, là thực tế và nguy cơ gặm nhấm, hủy hoại đối với 3.200 di tích đã được xếp hạng quốc gia cùng hàng vạn di tích cấp tỉnh đã và chưa được xếp hạng ở Việt Nam hiện nay.

Các nhà chuyên môn gọi di tích là một loại “tài nguyên” đặc biệt, một loại nguồn lực cho phát triển. Nhưng liệu rồi đây, dưới những đôi tay vụng về, những hiểu biết không đến nơi đến chốn của những đơn vị trùng tu đặt lợi nhuận cao hơn việc cứu di tích, thì những “tài nguyên” mất giá trị có thể giúp gì cho phát triển? Và hơn thế là sự tổn thất về văn hóa khi di sản sau trùng tu không còn là chính nó. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính từng nhắc nhở: “Có những người cho rằng, phải mang lại bản sắc dân tộc cho di tích trong trùng tu, trong khi đó bản thân di sản văn hóa đã chứa đựng bản sắc, phản ánh bản sắc. Hãy xây dựng những cái mới của thời đại mới có bản sắc. Giữ gìn lại cho di sản tính nguyên gốc, tức là đã góp hần duy trì bản sắc dân tộc rồi”.

Thời gian qua, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý tưởng, kiến nghị nhằm xây dựng ngành bảo tồn di tích ở bậc đại học. Mong muốn của nhiều người là có được những chương trình đào tạo, nâng cao cho các đối tượng: nhà quản lý; nhà tư vấn lập dự án, thiết kế, hướng dẫn, giám sát, điều hành thi công; những người thợ, công nhân trực tiếp tu bổ di tích. Có những ý kiến đề xuất xây dựng chương trình đào tạo riêng cho kiến trúc sư và công nhân. Đồng thời, đào tạo liên ngành xây dựng, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo tín ngưỡng…

Có ý kiến đặt vấn đề đào tạo quốc tế thông qua các trung tâm uy tín của quốc tế ở Politecnic, ICRROM (Italia), Melbourne (Australia), Toronto University (Canada), NLIRC (Lucknow, India)… để hình thành một đội ngũ hạt nhân trong hoạt động trùng tu. Với thực tế sát sườn hiện nay, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh: Nên ưu tiên bảo tồn và phát huy các nghề thủ công truyền thống liên quan đến hoạt động tu bổ di tích. Cùng với đó, hình thức chứng chỉ chính quy cũng được đặt ra như một sự đảm bảo về chất lượng và điều kiện bắt buộc cho việc hành nghề trùng tu, tu bổ di tích.

Xuyên Sơn

Trái đất kỳ diệu với góc nhìn từ trên cao

Trái đất kỳ diệu với góc nhìn từ trên cao

(PetroTimes) - Nếu thay đổi góc nhìn từ trên cao nhìn xuống, chúng ta sẽ vô cùng mãn nhãn và thích thú với một số khu vực trên Trái đất về vẻ đẹp độc lạ, hấp dẫn của chúng.