Cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con trai cố Tổng thống Mỹ John Kennedy

12:16 | 12/10/2013

6,939 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã có nhiều người Mỹ tới Việt Nam để tìm câu trả lời cho nỗi băn khoăn “Vì sao một nước Mỹ hùng mạnh đã sa lầy và thất bại ở Việt Nam?”. Họ là những đại diện của quá khứ, thế hệ những người Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.McNamara. Họ là những người Mỹ của thế hệ trưởng thành sau chiến tranh, muốn khám phá sự kỳ bí của Việt Nam trên tinh thần xây dựng như John John Kennedy – con trai cố Tổng thống John Fitzgerald Kenedy (JFK). Và họ đã tìm được câu trả lời khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị đại tướng của nhân dân Việt Nam.

>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của hòa bình

>> Hình ảnh người Việt tiếc thương Đại tướng trên báo nước ngoài

>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của hòa bình

>> Thế giới xúc động trước sự tôn kính Đại tướng của người Việt Nam

>> Dòng người rơi lệ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

>> Đại tướng sẽ luôn ở trong trái tim nhân dân Cuba

>> Ngoại trưởng Pháp: Tướng Giáp là “một người yêu nước vĩ đại”

>> Báo chí thế giới tiếc thương và ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vào giữa tháng 8 năm 1998, John Kennedy trở lại thăm Việt Nam lần thứ 2, lên tận hang Pác Bó, ở lại trong hang một đêm, đi thuyền xuôi sông Bằng Giàng đến gần thị xã Cao Bằng, rồi đi thăm vịnh Hạ Long. Về Hà Nội, ông chủ báo George Magazine, người con trai duy nhất của cố Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kenedy - người chủ trương xem Việt Nam như một chiến trường trọng điểm để tiêu diệt phong trào giải phóng dân tộc và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tràn xuống các nước khác thuộc Đông Nam Á, theo thuyết Domino, mong mỏi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam – vị tướng khai quốc công thần với những chiến công “truyền quốc sử”, chấn động hoàn cầu của Việt Nam với hy vọng hiểu biết thêm về nhiều vấn đề.

Và vị tướng huyền thoại của Việt Nam, tài năng quân sự lỗi lạc tên tuổi vang lừng thế giới đã trò chuyện, giải đáp như một người thầy dạy sử cho John và để lại trong anh ấn tượng sâu sắc về một “Trí tuệ bậc thầy”, như tựa đề bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Geogre tháng 11, năm 1998.

J.J. Kennedy: Điều gì đã khiến một người vốn là thầy giáo dạy sử như ngài trở thành một chỉ huy quân sự tối cao của Việt Nam?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bởi vì như mọi người dân Việt Nam, tôi muốn độc lập. Tại đất nước chúng tôi có một câu nói: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Vì vậy, khi được hỏi “Ai là vị tướng Việt Nam giỏi nhất?”, tôi đã trả lời: “Đó là nhân dân Việt Nam”.

J.J. Kennedy: Sự khác biệt giữa 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam là gì thưa Đại tướng?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người Pháp nghĩ rằng họ đã đô hộ Việt Nam trong gần một trăm năm là họ có thể hiểu rõ được tình hình và quyết thắng. Nhưng chính xác, tại thời điểm người Pháp đã tập hợp được lực lượng quân sự mạnh nhất của họ và tưởng nắm chắc phần thắng, họ đã thất bại, tại trận địa Điện Biên Phủ năm 1954. Nhiều tướng lĩnh, quan chức cấp cao Pháp và cả một số tướng lĩnh Mỹ đã đến Điện Biên Phủ trước đó và tự tin rằng: Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm. Nhưng sau đó nó vẫn sụp đổ.

J.J. Kennedy: Nước Mỹ và Việt Nam lẽ ra đã không phải là kẻ thù của nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ trong các bài phát biểu của mình và và người Mỹ cũng đã giúp đỡ Việt Nam về mặt kỹ thuật trong cuộc chiến chống phát xít Nhật trong Thế chiến thứ II. Ông có bao giờ nghĩ mình sẽ tiến hành một cuộc tấn công chống lại nước Mỹ?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lịch sử quan hệ giữa hai nước chúng ta không chỉ có chiến tranh. Vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, là người Mỹ đầu tiên tiếp xúc với người Việt Nam, khi còn là công sứ Mỹ ở Pháp, ông mong tìm được những giống lúa của xứ sở “Cochinchine” để nhập vào nước Mỹ. Rồi năm 1832, đã có những cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa phái đoàn ngoại giao Mỹ, do Tổng thống Andrew Jackson cử đi, với triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, một nhóm người Mỹ do Thiếu tá OSS Allison Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống vùng chiến sự và hợp tác với chúng tôi khi chúng tôi đang đánh Nhật. Giá như sự hợp tác đó được duy trì thì đã không có chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.

Khi đến Phnôm Pênh năm 1963, tướng Pháp De Gaulle đã nói: “Chúng tôi đã thua trận và vì thế người Mỹ không nên tham gia làm gì”. Thế nhưng người Mỹ đã trả lời: “Pháp là một chuyện, Mỹ lại là một chuyện khác. Mỹ có sức mạnh khổng lồ và bởi vậy chúng tôi sẽ giành chiến thắng”. Và đúng vào lúc Mỹ có sức mạnh lớn nhất, khi họ chắc thắng nhất, thì họ lại thua đau.

Khi cha anh là Tổng thống Mỹ, tôi là Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, tôi đã phải nghiên cứu rất cẩn thận tư tưởng và chính sách của ông ta. Ban đầu, tôi tin rằng kế hoạch của ông ta là sử dụng sức mạnh quân sự để giúp chính quyền Sài Gòn ngăn chặn phong trào cộng sản. Nhưng bây giờ, qua các tài liệu lịch sử, tôi biết được rằng một thời gian sau, Tổng thống Kennedy đã xem xét lại điều này và không muốn hỗ trợ chế độ Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn nữa. Ông muốn Hoa Kỳ tham gia vào cuộc chiến Việt Nam chỉ đến một mức độ nhất định. Nếu điều không may đó – cái chết của cha anh – không xảy ra, mọi việc có thể đã khác, chứ không phải như những gì đã xảy ra dưới thời hai vị tổng thống kế nhiệm sau đó, Johnson và Nixon.

J.J. Kennedy: Ông nói rằng cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ là một cuộc chiến tranh chính trị nhiều hơn là một cuộc chiến quân sự. Ý của ông là gì vậy, thưa Đại tướng?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi từng nói, không bao giờ có một chiến lược chỉ thuần túy quân sự. Vì vậy, chiến lược của chúng tôi bao gồm tất cả mọi lĩnh vực – chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao. Và đó cũng không phải là một cuộc chiến tranh chỉ bằng quân sự mà là cuộc chiến đấu của toàn dân. Đây là một điểm mà các tướng lĩnh và chính trị gia Mỹ đã không hiểu.

J.J. Kennedy: Trong suốt thời gian ở Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng có rất ít sự hận thù đối với người Mỹ? Vì sao vậy?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Gần đây, một cựu chiến binh Mỹ đã đến thăm tôi và tôi đã tiếp đón anh ta rất nồng nhiệt. Ông ta nói: “Tôi không hiểu vì sao trước đây tôi lại đến đánh Việt Nam và cũng không hiểu tại sao tôi lại được ngài đón tiếp như vậy”. Và tôi trả lời: “Trước đây, lính Mỹ đến Việt Nam mang theo súng Thompson nên chúng tôi tiếp họ với tư cách những kẻ mang súng. Bây giờ, anh đến đây với tư cách khách du lịch và chúng tôi tiếp anh với truyền thống mến khách của người Việt Nam”. Và rồi, người đàn ông đó đã khóc.

Tôi cũng đã tiếp Đô đốc Zumwalt, người chỉ huy đã ra lệnh rải chất độc da cam xuống đất nước Việt Nam. Ông ta nói với tôi rằng, chính con trai ông ta đã phải hứng chịu hậu quả của loại hóa chất đó. “Tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình”, viên Đô đốc nói. Và tôi đáp lại: “Tôi hiểu”. Bởi vậy, câu hỏi bây giờ là làm sao có thể mang nhân dân hai nước, mang hai dân tộc chúng ta, những người đều yêu chuộng hòa bình, đến gần nhau hơn.

J.J. Kennedy: Vậy làm thế nào để sự hòa giải có thể đạt được ở mức cao nhất?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Mỗi công dân Mỹ, những người có thiện chí nên làm gì đó để cải thiện mối quan hệ. Chúng ta phải hiểu nhau hơn, nhất là thế hệ trẻ. Còn một điểm nữa tôi muốn nói. Có lẽ là di sản đau thương nhất của cuộc chiến là những tác động của chất độc da cam. Là những người theo chủ nghĩa nhân đạo, chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm để giúp các nạn nhân Việt Nam vượt qua những khó khăn này.

Linh Linh