Cô giáo bám trường, bám bản với ước mơ truyền cảm hứng cho học sinh

12:16 | 21/11/2020

146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở khắp đó đây, mọi miền của Tổ quốc luôn có những thầy giáo, cô giáo ngày đêm miệt mài dành cả tuổi thanh xuân dạy chữ cho học trò.

Gần chục năm gắn bó với nghề, cô giáo Đinh Thị Kem, người dân tộc H're, giáo viên Trường Tiểu học Hành Dũng, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, chưa bao giờ nản lòng mà càng ngày càng gắn bó yêu nghề và người dân nơi cô công tác. Đặc thù là một bản làng có dân tộc H're sinh sống, ở vùng sâu vùng xa, giao thông cách trở, hiểu biết còn nhiều hạn chế nên việc vận động con em đến trường học là một điều rất khó khăn.

Thế nhưng, là một người con của xã Hành Dũng, thấu hiểu những vất vả và những tâm tư nguyện vọng của con em dân tộc đã khiến cô Đinh Thị Kem tình nguyện cắm bản để gieo con chữ cho thế hệ học trò nơi mình sinh ra và lớn lên.

Cô giáo Đinh Thị Kem sinh ra ở làng quê nghèo nằm tách biệt, lưng tựa vào núi Kì Lân thuộc xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Những hộ dân ở đây hầu hết là người đồng bào dân tộc H’re. Gia cảnh nghèo khó, cha mẹ làm nông vất vả quanh năm nhưng vẫn cố gắng nuôi bốn chị em cô ăn học nên người.

Cô giáo bám trường, bám bản với ước mơ truyền cảm hứng cho học sinh
Cô giáo Đinh Thị Kem bên học trò.

Cô Kem kể rằng, với ước mơ kiếm được “cái chữ” và kiếm được “cái nghề”, cô nỗ lực học tập. Với suy nghĩ diệt “giặc dốt” mới đẩy lùi được “giặc đói”, cô Kem đã sớm nuôi ước mơ trở thành giáo viên, đem cái chữ về dạy cho các em trong làng để giúp đỡ phần nào cho cuộc sống người dân nơi đây khấm khá hơn.

Sau nhiều nỗ lực học tập, tốt nghiệp ra trường, cô may mắn được phân công về giảng dạy tại một điểm trường làng của Trường Tiểu học Hành Dũng, nơi cô sinh ra và lớn lên.

Điểm trường này chỉ có một lớp học với số lượng học sinh dao động từ 10-12 em, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Nhà quá xa trường chính nên các em lớp 3 ở đây buộc phải học ghép lớp ở điểm trường lẻ.

Cô Đinh Thị Kem cho hay người dân nơi đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số H're, không có điều kiện kinh tế, còn nghèo, chật vật trong cuộc sống mưu sinh hạn chế trong nhận thức, bố mẹ rất ít quan tâm đến việc học tập của học sinh, nhiều khi không cho con em đến tuổi đi học đến trường hoặc để con em bỏ học giữa chừng, ở nhà phụ giúp gia đình.

Vốn tiếng Việt của các em còn hạn chế, tiếp thu rất chậm nên hầu hết phụ huynh nơi đây “khoán trắng” việc dạy con em cho giáo viên. Chính vì vậy, cô Đinh Thị Kem và đồng nghiệp gặp không ít khó khăn khi đối mặt với việc học sinh đến tuổi không được đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Cô thường xuyên đến tuyên truyền cho các gia đình, đến từng nhà, một lần không được thì 2-3 lần để thuyết phục bằng được.

Cô Kem luôn là giáo viên dạy lớp 1, lớp khó khăn nhất để uốn nắn, dạy dỗ học sinh đang bỡ ngỡ với trường, với lớp. Cô chia sẻ câu chuyện vui khi các em còn trong độ tuổi ham chơi, nhiều em không chịu đi học, có em đến lớp lại chạy về, cô giáo còn phải đuổi theo về tận nhà để thuyết phục, an ủi để học trò nghe lời quay về trường học.

Các em cũng thường xuyên nghỉ học với lý do lên nương theo bố mẹ, cô cũng phải lên nương, trèo đèo lội suối đón các em về.

Cô Kem tâm sự rằng mình may mắn là người địa phương, cũng ở bản làng đó, nên cô hiểu được hoàn cảnh các em, cô hiểu được tâm lý các em. Vì thế, ngoài chương trình dạy học, cô thường xuyên dạy múa, dạy hát để các em phấn khởi hơn khi đến trường.

Tuy vậy, đối mặt với những khó khăn, mệt mỏi hằng ngày, “có đôi lúc về nhà, tôi không ăn nổi cơm, có lúc nhụt chí, nhưng sau tất cả, tôi lại cảm thấy rất buồn nếu không truyền tải được kiến thức cho các em, nên lại cố gắng”, cô Đinh Thị Kem tâm sự.

Đối mặt với những khó khăn cản trở ước mơ “gieo hạt tri thức”, cô Kem không từ bỏ mà nỗ lực tìm giải pháp. Cô luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, cố gắng truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhất để các em biết đọc, viết, biết tính toán và nhận biết những cái hay, cái đẹp của thế giới xung quanh qua từng bài học, tiết dạy. Với những em tiếp thu chậm, cô tranh thủ giờ ra chơi, kèm cặp, chỉ thêm.

Với những đóng góp của mình, cô Kem vinh dự đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” nhiều năm liền, giấy khen của Liên đoàn Lao động huyện Nghĩa Hành… Đặc biệt, dịp này, cô Kem là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc tổ chức vào dịp 20/11 này.

Cô Kem xúc động chia sẻ rằng, cô rất hạnh phúc được ra Thủ đô Hà Nội trong lễ tuyên dương ý nghĩa dành cho các giáo viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 2020, khi trở về với bản làng quê hương, cô sẽ kể mãi chuyến đi này để tạo cảm hứng, truyền động lực cho các em học sinh, để các em được giống như cô giáo của mình, biết được chữ, có kiến thức để vươn lên, vơi bớt khó khăn, có cuộc sống tốt hơn.

Ở khắp đó đây, mọi miền của Tổ quốc luôn có những thầy giáo, cô giáo ngày đêm miệt mài dành cả tuổi thanh xuân dạy chữ cho học trò. Với các thầy, cô giáo, niềm vui đơn giản bám trường, bám bản chỉ cần mỗi ngày được nghe tiếng đánh vần ê a của học sinh thì bao vất vả, mệt nhọc cũng chẳng là gì.

Theo baochinhphu.vn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.