Mở rộng quy mô đào tạo và nhân lực về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo

14:04 | 25/05/2025

7 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 24/5/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2045.

Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, trọng tâm là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ cao được ưu tiên; tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Mở rộng quy mô đào tạo và nhân lực về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030 là tăng nhanh quy mô đào tạo trình độ cao khối ngành STEM, nhất là các ngành khoa học cơ bản và các ngành liên quan tới công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

Đến năm 2030, tỷ lệ người theo học các ngành STEM dự kiến đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 18% thuộc các ngành liên quan đến công nghệ số và 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản. Mỗi năm, khoảng 80.000 người tốt nghiệp các chương trình đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông, ít nhất 10% đạt trình độ kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Riêng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, số lượng tốt nghiệp đạt khoảng 8.000 người/năm, trong đó 20% có bằng cấp sau đại học.

Giai đoạn 2030-2035, mục tiêu tiếp tục nâng quy mô, chất lượng đào tạo với khoảng 100.000 người tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và truyền thông/năm, trong đó ít nhất 15% có trình độ cao. Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hướng đến 15.000 người tốt nghiệp/năm. Dự kiến đến năm 2045, nhân lực STEM trình độ cao sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ chiến lược, đưa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vào nhóm dẫn đầu khu vực về đào tạo ngành STEM.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, Đề án đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường đầu tư cho giáo dục STEM, hỗ trợ tài chính người học; thu hút giảng viên giỏi trong và ngoài nước; phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; triển khai các chương trình đào tạo tài năng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; và huy động đa dạng nguồn lực đầu tư.

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo tài năng, đồng thời thiết lập các tiêu chí đánh giá, lựa chọn chương trình và cơ sở đào tạo tham gia. Bộ cũng có trách nhiệm hướng dẫn quy trình đăng ký, tổ chức xét chọn các cơ sở đào tạo và giao chỉ tiêu đào tạo tài năng; đồng thời hướng dẫn các cơ sở đào tạo đề xuất các dự án đầu tư phòng thí nghiệm và triển khai các chương trình đào tạo tài năng một cách bài bản, hiệu quả.

Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ hướng dẫn triển khai và ưu tiên bố trí các nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong những lĩnh vực công nghệ chiến lược, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chương trình đào tạo tài năng và đào tạo tiến sĩ trong các ngành STEM, từ đó góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.

Về nguồn lực tài chính, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan để rà soát, tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí ngân sách nhà nước nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Việc phân bổ và sử dụng ngân sách phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định có liên quan.

Đình Khương

  • bidv-14-4
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • banner-pvi-horizontal
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan