Chương trình FBI dồn nữ minh tinh đến đường cùng

05:46 | 04/12/2019

466 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi các nữ diễn viên thường nổi tiếng vì ngoại hình và tài năng, Jean Seberg được nhớ đến như một nạn nhân của chương trình COINTELPRO.

Chương trình COINTELPRO, diễn ra năm 1956-1971, là một loạt các chiến dịch bí mật và đôi khi bất hợp pháp do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thực hiện nhằm giám sát, xâm nhập, làm mất uy tín và phá vỡ các tổ chức chính trị trong nước.

COINTELPRO nhắm vào các nhóm và cá nhân mà FBI cho là đe dọa đến chính quyền, bao gồm các tổ chức nữ quyền, các nhà hoạt động phong trào dân quyền hoặc phong trào đòi quyền lợi cho người da màu, các tổ chức bảo vệ môi trường và quyền động vật. Chương trình cũng nhắm vào đảng theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng Ku Klux Klan năm 1964.

Chương trình FBI dồn nữ minh tinh đến đường cùng
Nữ diễn viên Jean Seberg. Ảnh: Times Republican.

Jean Seberg sinh ra ở Marshalltown, Iowa năm 1938 trong gia đình có bố mẹ làm dược sĩ và giáo viên. Sau khi tốt nghiệp trung học, Seberg vào Đại học Iowa chuyên ngành sân khấu điện ảnh. Năm 1956, hàng xóm của Saberg đăng ký tên bà vào nhóm 18.000 nữ diễn viên ứng tuyển cho phim của đạo diễn Otto Preminger. Bà được chọn và lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh rộng vào năm 1957.

Bà gây được tiếng vang khi đóng vai Patricia, bạn gái của một tên tội phạm Mỹ, trong bộ phim Pháp Breathless của đạo diễn Jean-Luc Godard. Bộ phim thành công trên toàn thế giới, một tạp chí điện ảnh ca ngợi bà là "nữ diễn viên giỏi nhất ở châu Âu". Seberg sau đó trở về Mỹ đóng phim nhưng không thành công bằng sự nghiệp ở Pháp.

Cuối thập niên 1960, Seberg được cho là đã ủng hộ đảng Báo đen 10.500 USD và giữ liên lạc với thủ lĩnh của tổ chức này. Đảng Báo đen hoạt động năm 1966-1982 với mục đích lập các nhóm dân thường mang vũ khí, theo dõi cảnh sát Oakland nhằm ngăn họ phân biệt đối xử với người da màu. Đảng này còn phát bữa sáng miễn phí cho trẻ em hay chăm sóc y tế cho người da màu.

Các thành viên đảng Báo đen tham gia nhiều vụ đấu súng gây chết người với cảnh sát. Năm 1969, FBI, dưới sự lãnh đạo của giám đốc J. Edgar Hoover, mô tả đảng này là "mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh nội địa của Mỹ". Các học giả mô tả đảng Báo đen là tổ chức người da màu có ảnh hưởng nhất vào cuối những năm 1960. Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng nhóm này giống như một tổ chức tội phạm hơn là hoạt động chính trị.

FBI tin rằng sự ủng hộ của Seberg với đảng Báo đen khiến bà trở thành mối đe dọa cho chính phủ và họ lập chiến dịch bôi nhọ bà. Seberg không phải là người nổi tiếng duy nhất trở thành mục tiêu. Nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr. từng là ưu tiên hàng đầu của COINTELPRO. FBI đã gửi cho vợ ông bản ghi âm của ông với những phụ nữ khác và gửi hàng loạt thư đe dọa ông.

Tháng 4/1970, khi Seberg mang thai với người chồng thứ hai Romain Gary, FBI cung cấp tin giả cho tờ Los Angeles Times rằng em bé trong bụng Seberg không phải là con của Gary mà là con một thành viên da màu cấp cao trong đảng Báo đen. Los Angeles Times không nhắc tên Seberg trong bản tin mà chỉ gọi là "cô A". Tuy nhiên, họ mô tả các dữ liệu khiến độc giả hiểu người họ ám chỉ là ai.

Tạp chí Newsweek sau đó đăng lại câu chuyện và nhắc thẳng tên Seberg. Nữ diễn viên bị chỉ trích là người lăng nhăng. FBI đạt được mục tiêu là bôi xấu hình ảnh của bà trước công chúng.

Tin đồn thất thiệt khiến Seberg bị suy sụp tinh thần và sinh non. Con gái bà, Nina Hart Gary, chết hai ngày sau khi chào đời. Tại tang lễ, bà cho mở quan tài để chứng minh con gái là người da trắng và mình không ngoại tình. Seberg và Gary sau đó kiện Newsweek vì tội phỉ báng và được bồi thường 20.000 USD, nhưng không gì có thể bù đắp được cho cái chết của con gái họ.

Seberg vẫn bị FBI theo dõi và quấy rối trong nhiều năm sau. Các hồ sơ FBI được giải mật cho thấy bà bị nghe trộm và thường bị bám đuôi khi ra nước ngoài, như ở Thụy Sĩ và Pháp.

Ngày 30/8/1979, Seberg, 40 tuổi, biến mất ở Pháp. Người chồng thứ tư của Seberg, Ahmed Hasni, nói với cảnh sát rằng họ đã đi xem phim vào tối hôm trước và khi ông thức dậy vào sáng hôm sau thì không thấy bà. Hasni cho biết Seberg từng nhiều lần định tự tử, như từng nhảy ra trước một chuyến tàu điện ngầm ở Paris tháng 7/1979.

Ngày 8/9/1979, thi thể Seberg được phát hiện ở ghế sau xe của bà tại gần căn hộ ở Paris. Cảnh sát tìm thấy một chai thuốc ức chế thần kinh trung ương Barbiturat (có thể giúp an thần nhưng gây tử vong nếu dùng quá nhiều), một chai nước khoáng rỗng và thư tuyệt mệnh viết bằng tiếng Pháp gửi cho con trai: "Hãy tha thứ cho mẹ. Mẹ không còn có thể sống với trạng thái thần kinh này nữa". Cảnh sát Paris xác định rằng bà có thể đã tự tử.

Vài ngày sau, Romain Gary, người chồng thứ hai của Seberg, tổ chức họp báo tố cáo FBI đã khiến sức khỏe tâm thần của Seberg ngày càng xấu đi. Gary nói rằng Seberg "trở nên loạn thần" sau tin đồn thất thiệt rằng bà ngoại tình năm 1970. Gary cho biết thêm Seberg nhiều lần cố tự tử vào ngày con gái qua đời 25/8.

6 ngày sau khi thi thể Seberg được phát hiện, FBI công bố tài liệu theo Luật Tự do Thông tin, thừa nhận họ đã thực hiện chiến dịch phỉ báng Saberg, tuy nhiên họ khẳng định các hoạt động dưới thời Hoover đã chấm dứt.

8 năm trước đó, một nhóm khoảng 10 người đã thành lập Ủy ban Công dân điều tra FBI. Họ đột nhập vào văn phòng FBI ở Pennsylvania và lấy trộm hàng trăm tài liệu, tiết lộ hành vi sai trái của COINTELPRO. Nhóm gửi các tài liệu này cho truyền thông, khiến chương trình bị đóng năm 1971, còn giám đốc FBI Hoover qua đời năm 1972.

Trong tự truyện của mình, Jim Bellows, biên tập viên Los Angeles Times, mô tả các sự kiện dẫn đến bài báo về Seberg và bày tỏ hối tiếc rằng ông đã không kiểm chứng thông tin cẩn thận.

"Los Angeles Times không muốn hại chết Seberg. Một thể chế mạnh mẽ đã đứng sau thao túng. Kết quả là một con người mong manh mất đi mạng sống", David Halberstam, nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer, viết.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc