Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các DNNN tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, năm 2024, khối DNNN tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế với nhiều chỉ tiêu tài chính tăng trưởng ấn tượng, đóng góp gần 400.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, tổng tài sản của 671 DNNN trong năm 2024 đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023. Trong số này, có 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn. Vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng (tăng 61%), tổng doanh thu gần 3,3 triệu tỷ đồng (tăng 24%), lợi nhuận trước thuế đạt 227.500 tỷ đồng (tăng 8%) và số tiền nộp ngân sách Nhà nước xấp xỉ 400.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm: Khối DNNN tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế với nhiều chỉ tiêu tài chính tăng trưởng ấn tượng, đóng góp gần 400.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, một số DNNN đã cho thấy vai trò tiên phong rõ nét trong lĩnh vực chuyển đổi số, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin như VNPT, MobiFone và Viettel. Các doanh nghiệp này không chỉ xây dựng hạ tầng số cho Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp, còn phát triển nhiều sản phẩm số phục vụ khách hàng, góp phần hình thành nền tảng xã hội số.
Viettel nổi bật với định hướng trở thành Tập đoàn công nghệ toàn cầu, tiên phong trong chuyển đổi số và xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhóm “Big 4” gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã triển khai ngân hàng số hiện đại, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật và tăng cường trải nghiệm người dùng.
![]() |
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam |
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) hiện là Tập đoàn kinh tế có vị trí dẫn đầu trong khối doanh nghiệp nhà nước, các giải pháp về công nghệ số đã góp phần giúp Petrovietnam đảm bảo tốc độ tăng trưởng về doanh thu khoảng 16,7%/năm, tăng trưởng về nộp ngân sách khoảng 21,3%/năm trong giai đoạn 2021-2024.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, ngay từ năm 2022, Petrovietnam đã quyết liệt triển khai mạnh mẽ, bài bản công tác chuyển đổi số. Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng tầm nhìn về chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn, xác định lộ trình cũng như kế hoạch chuyển đổi số qua từng giai đoạn. Trong đó đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ có 32 sáng kiến số.
Để thực hiện mục tiêu này, Petrovietnam đã tích cực hợp tác với các tập đoàn công nghệ trong nước như Viettel, VNPT và FPT để triển khai các sáng kiến số. Cùng với đó, tập trung đào tạo, cập nhật kiến thức chuyển đổi số cho lãnh đạo và toàn thể người lao động trong Tập đoàn thông qua các nền tảng số, cũng như xây dựng và ban hành các giáo trình về chuyển đổi số, văn hóa số. Đặc biệt, tại Petrovietnam, trong các Đại hội Đảng, Tập đoàn cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xây dựng và trình bày báo cáo.
Đến nay, Petrovietnam đã và đang tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn cho các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn và toàn ngành, đặc biệt là cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác dữ liệu lớn (Big Data) trong lĩnh vực cốt lõi là tìm kiếm, thăm dò, khai thác.
Một điểm nổi bật khác, Petrovietnam đã triển khai và đưa vào vận hành các sản phẩm số, trong đó đã đưa vào hoạt động hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Một số sản phẩm số nổi bật của Petrovietnam như: bản sao số cho các bể trầm tích ở Biển Đông; hệ thống bảo trì tiên đoán; nhà máy thông minh... đã góp phần nâng công suất bình quân của các nhà máy lên trên 120%.
Tại Hội nghị bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực các doanh nghiệp đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều DNNN vẫn còn chậm trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Một số vấn đề nổi cộm bao gồm hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh và khoa học công nghệ còn hạn chế, khả năng làm chủ công nghệ lõi còn yếu, trong khi công cụ quản trị kinh doanh chưa được đổi mới kịp thời.
Để phát huy vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế số, Bộ Tài chính đã đề xuất loạt giải pháp trọng tâm. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách theo định hướng Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và hạ tầng thông minh.
Một định hướng quan trọng khác là tái cơ cấu ngành, lĩnh vực: DNNN trong lĩnh vực nông nghiệp cần chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chú trọng phát triển mô hình tuần hoàn, giảm phát thải. Các DNNN ngành dịch vụ cần ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao và tạo dựng các trung tâm du lịch có thương hiệu.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tài chính cũng được đề cập, như tạo điều kiện cho DNNN tiếp cận các Quỹ đầu tư công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm để triển khai thử nghiệm công nghệ mới. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế lương thưởng linh hoạt theo đặc thù công việc, tăng động lực đổi mới cho người lao động.
Một nhiệm vụ cấp bách là giao các doanh nghiệp công nghệ trong nước triển khai nội địa hóa các công nghệ nền tảng như Cloud, AI, BigData…, đồng thời hợp tác chặt chẽ với DNNN để bảo đảm chuyển đổi số đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, trong thời gian tới, DNNN cần bố trí nguồn vốn ưu tiên cho chuyển đổi số và hợp tác sâu hơn với doanh nghiệp công nghệ trong nước. Đồng thời, tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới như 5G, AI; củng cố hạ tầng mạng lưới, mở rộng hạ tầng sản xuất và công nghiệp công nghệ cao.
Về phía các cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cho biết sẽ sớm hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ bố trí ít nhất 15% ngân sách sự nghiệp khoa học để phục vụ nghiên cứu các công nghệ chiến lược.
Mục tiêu dài hạn là đến năm 2045, Việt Nam sẽ có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển, với ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ đạt tầm quốc tế.
Huy Tùng
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số
-
Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn việc sáp nhập, trình Trung ương trước tháng 5
-
Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc
-
Tên gọi dự kiến của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả cháy rừng tại Quảng Ninh