Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. |
Thay mặt cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, mục tiêu trọng tâm của dự án Luật là tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn, minh bạch và hiện đại.
Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính cấp thiết, kịp thời, đầy đủ và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, dự án Luật cũng nhằm bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền. Theo đó, các quy định sửa đổi, bổ sung tiếp tục kế thừa nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong dự thảo lần này là việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, dự thảo đề xuất sử dụng định danh cá nhân thay thế toàn bộ giấy tờ truyền thống trong thủ tục thành lập doanh nghiệp, qua đó bãi bỏ hai loại giấy tờ và giản lược nhiều thông tin cần kê khai. Việc xác thực định danh cá nhân thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ giúp kiểm soát nhân thân, tư cách pháp lý của người sáng lập doanh nghiệp ngay từ đầu mà còn không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, mặc dù Luật Doanh nghiệp hiện hành đã trải qua nhiều lần sửa đổi, tiếp cận với các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp, song thực tiễn vẫn phát sinh những bất cập, vướng mắc. Để xử lý các vấn đề này, dự thảo Luật lần này đã đề xuất sửa đổi 16 nội dung và bổ sung 7 nội dung mới, tập trung vào nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. |
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi khẳng định sự đồng thuận về tính cần thiết và tính khả thi của việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp. Ủy ban đánh giá dự án Luật có đủ cơ sở chính trị và thực tiễn, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, đề nghị trình Quốc hội xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với các quy định liên quan đến “chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp - một nội dung liên quan chặt chẽ đến công tác phòng, chống rửa tiền - dự thảo Luật đã bước đầu đưa ra định nghĩa và nguyên tắc chung, giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí xác định. Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề xuất tiếp tục rà soát quy định để rõ ràng, dễ thực hiện hơn, đồng thời ứng dụng dữ liệu và chuyển đổi số nhằm giảm chi phí tuân thủ, tránh gây gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành đồng bộ với Luật; đảm bảo quy định hợp lý, khả thi; tránh chồng chéo với Luật Phòng, chống rửa tiền và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện quyền tự do kinh doanh. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp cần được nâng cấp toàn diện, đảm bảo tính kết nối, liên thông, chuẩn hóa và cập nhật thường xuyên.
Về đối tượng được thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp là viên chức, Ủy ban đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 17 theo hướng rõ ràng, loại trừ những trường hợp đã có quy định khác trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng như Luật Viên chức. Đây là yêu cầu cần thiết để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp lần này không chỉ là bước đi cần thiết trong bối cảnh hiện tại mà còn thể hiện quyết tâm chính trị trong việc cải cách thể chế, xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại và hiệu quả - qua đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Huy Tùng
-
Đại biểu Quốc hội đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
-
Chủ tịch nước Lương Cường: Cải cách tư pháp phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân
-
Tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển, quản lý hóa chất: Hướng tới phát triển bền vững và chuyển đổi xanh
-
Đề xuất tổ chức hệ thống Tòa án theo mô hình ba cấp, chấm dứt hoạt động Tòa án cấp cao và cấp huyện
-
Nhà băng và doanh nghiệp tạo động lực cho nông nghiệp bền vững
-
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư
-
Giá vàng hôm nay (9/5): Thị trường thế giới giảm mạnh
-
Nhà băng và doanh nghiệp tạo động lực cho nông nghiệp bền vững
-
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới hàng chục triệu đồng, NHNN nói gì?
-
Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-13%