Chiến thuật tâm lý của người thương thuyết giải cứu con tin

08:14 | 07/02/2019

537 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người thương thuyết thường kéo dài thời gian bằng cách viện lý do “cần xin ý kiến cấp trên”.

Tại hiện trường vụ giữ con tin, hai người có vai trò quan trọng nhất là người chỉ huy và người thương thuyết. Người chỉ huy có thẩm quyền quyết định về nhân sự và mọi vấn đề khác tại hiện trường. Còn người thương thuyết phụ trách trao đổi trực tiếp với kẻ giữ con tin.

Hiếm khi nào một người lại kiêm nhiệm cả hai vị trí vì người thương thuyết cần có cái nhìn khách quan và luôn bình tĩnh. Ngoài ra, chiến thuật hữu dụng bậc nhất khi thương thuyết là viện lý do "phải xin ý kiến cấp trên" để kéo dài thời gian. Nếu người thương thuyết lại nắm quyền hạn cao nhất, chiến thuật này hiển nhiên thất bại.

Khi mới tới hiện trường, ưu tiên đầu tiên của người thương thuyết là thu thập thông tin. Họ sẽ tìm hiểu danh tính, động cơ, yêu cầu và kẻ cầm đầu của nhóm giữ con tin. Đồng thời, người thương thuyết còn phải chú ý tới thái độ và hành xử để đoán biết phản ứng của kẻ giữ con tin.

Yêu cầu ban đầu của kẻ giữ con tin thường rất vô lý (như đòi khoản tiền chuộc khổng lồ hoặc đòi thả toàn bộ chiến hữu khủng bố trong tù). Người thương thuyết dĩ nhiên không thể đáp ứng lập tức. Nếu tội phạm đòi gì được nấy, các vụ khống chế con tin sẽ xảy ra liên miên.

Thay vào đó, người thương thuyết có thể nhượng bộ ở những phương diện nhỏ, như cung cấp thức ăn nước uống, hứa hẹn phương tiện tẩu thoát và cho đối phương xuất hiện trên truyền thông. Đổi lại, kẻ giữ con tin có thể thả một số nạn nhân hoặc đồng ý giảm yêu cầu. Cứ thế, cảnh sát có thể dần dần làm suy yếu vị trí của đối phương.

chien thuat tam ly cua nguoi thuong thuyet giai cuu con tin
Người thương thuyết sẽ nhượng bộ ở những thứ nhỏ nhặt.

Trong quá trình thương thuyết, người nhận nhiệm vụ sẽ thực hiện một số mục tiêu chính để giải cứu con tin như:

Kéo dài tình hình: Nếu thời gian giữ con tin càng kéo dài, khả năng sự việc kết thúc êm đẹp càng cao. Người thương thuyết sẽ sử dụng một số chiến thuật như xin ý kiến cấp trên, xin lùi hạn chót, hướng sự tập trung của kẻ giữ con tin vào chi tiết vụn vặt (như cần phương tiện loại gì, màu nào, hãng gì,...), đặt câu hỏi mở vì dạng có/không.

Bảo đảm sự an toàn của con tin: Người thương thuyết sẽ cố thuyết phục đối phương thả những người bị bệnh tật hoặc bị thương, phải chú ý tới nhu cầu thực phẩm của con tin. Càng có nhiều con tin ra ngoài, tình thế càng trở nên đơn giản nếu phải đột kích. Ngoài ra, con tin được trả tự do còn là nguồn thông tin tình báo quý giá.

Không làm căng thẳng tình hình: Trong những giờ đầu, kẻ giữ con tin thường giận dữ trước những điều chúng coi là bất công, dễ bị kích động và rất khó đoán biết. Người thương thuyết không tranh luận với kẻ giữ con tin, không thẳng thừng cự tuyệt mà sẽ câu giờ hoặc chủ động đặt ngược yêu cầu.

Vun đắp quan hệ giữa các bên: Người thương thuyết sẽ cho kẻ giữ con tin thấy sự đáng tin, tỏ ra thấu hiểu nguyên nhân đằng sau hành động của chúng, nhưng vẫn giữ được lập trường, không quá dễ dãi.

Bên cạnh đó, người thương thuyết sẽ cố thúc đẩy những hoạt động tạo ra sự hợp tác giữa kẻ giữ con tin và nạn nhân, ví dụ như cho thức ăn vào túi chung, thay vì để riêng. Khi kẻ giữ con tin chuẩn bị từng phần thức ăn và tiếp xúc với nạn nhân, chúng sẽ thấy rằng họ vẫn là con người, từ đó khó xuống tay giết hại hơn.

Tại Anh vào năm 1980 có sáu người đàn ông có vũ trang xông vào khống chế 26 con tin, yêu cầu trả tự do cho một tù nhân. Họ còn muốn được an toàn rời khỏi Anh. Người thương thuyết trong vụ việc này đã gợi chuyện "câu giờ", duy trì liên lạc với tên cầm đầu trong ba ngày, cho hắn được xuất hiện trên truyền hình để đổi lại sự tự do của hai con tin bị bệnh. Cảnh sát chiếm được lòng tin của tên cầm đầu, khiến hắn dời lại nhiều hạn chót. Kẻ giữ con tin còn bị đánh lạc hướng, phải tập trung vào những chi tiết vụn vặt như loại xe buýt để tẩu thoát, muốn ăn cái gì...

Trong suốt quá trình ấy, cảnh sát không ngừng thu thập tình báo về tình hình bên trong tòa nhà. Thông tin tới từ con tin được thả, từ người đưa thức ăn, và camera do bên ngoài ngầm đưa vào qua đường ống khói hoặc kẽ tường. Đáng tiếc, kẻ khủng bố cuối cùng xử bắn một con tin (do tranh luận với chúng về tôn giáo) và buộc cảnh sát phải hành động. Người thương thuyết gọi cho tên thủ lĩnh để đánh lạc hướng, trong khi lực lượng tấn công tiến hành đột kích.

Theo Howstuffworks, cuộc đột kích tương đối thành công. Bọn khủng bố giết hại thêm một người vô tội khi phát hiện kế hoạch của cảnh sát, nhưng nhà chức trách đã tiêu diệt năm tên khủng bố và bắt sống tên thứ sáu.

Theo VnExpress.net

chien thuat tam ly cua nguoi thuong thuyet giai cuu con tin Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 4)
chien thuat tam ly cua nguoi thuong thuyet giai cuu con tin Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 3)
chien thuat tam ly cua nguoi thuong thuyet giai cuu con tin Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 2)
chien thuat tam ly cua nguoi thuong thuyet giai cuu con tin Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 1)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc