Cẩn trọng dịch bệnh lây lan dịp Tết Nguyên đán

06:55 | 21/01/2019

361 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Điều kiện khí hậu đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới là môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan
can trong dich benh lay lan dip tet nguyen danCách phòng chống 3 loại dịch bệnh mùa đông xuân
can trong dich benh lay lan dip tet nguyen danTriển khai chiến dịch phòng chống 3 loại dịch bệnh
can trong dich benh lay lan dip tet nguyen danBộ trưởng Y tế chỉ đạo phòng chống dịch bệnh lây nhiễm chéo

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội tới đây, điều kiện khí hậu đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), sởi, rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy…

can trong dich benh lay lan dip tet nguyen dan
Cẩn trọng dịch bệnh lây lan dịp Tết Nguyên đán

“Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em. Ngoài ra, sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội năm 2019 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa” - ông Phu cho biết.

Do vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập và bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống các bệnh hay gặp trong mùa lễ hội, xuân hè, thu đông, đông xuân (bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết, các bệnh đường tiêu hóa...).

Tăng cường phòng chống bệnh xâm nhập, bệnh lưu hành, phòng chống bệnh sởi, rà soát, đánh giá, xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét vắc xin phòng bệnh.

Tổ chức các Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Tại các cửa khẩu, ngành y tế cũng chú trọng các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng, mở rộng giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động tại những nơi có nguy cơ cao.

Tăng cường phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người; ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Để phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội 2019, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…

Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng... Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc...

Đối với bệnh sởi, các bậc phụ huynh chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch.

“Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ...”, ông Phu nói.

Nguyễn Anh