Cần điều chỉnh ngay trong bảo tồn Thành nhà Hồ

06:54 | 20/06/2012

932 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thành nhà Hồ vừa nhận bằng của UNESCO sau khi được công nhận di sản thế giới vào năm ngoái. Niềm vui nhen nhóm thêm lòng tự hào về văn hóa và ý chí dân tộc. Nhưng bên cạnh đó còn có những lo lắng khi cùng với việc đề ra những nguyện vọng dễ khiến đi sai đường trong bảo tồn di sản, là thực tế bảo tồn, ứng xử với di sản chưa được “lễ độ”.

Mơ ước thái quá!

Được biết, thực hiện kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 17/5/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư bên lề hội nghị tham vấn các Ủy ban quốc gia UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất danh mục dự án kêu gọi, hỗ trợ giúp đỡ tôn tạo và phát huy di sản văn hóa.

Có thể thấy một danh sách dài các dự án được đề ra với tổng kinh phí dự kiến lên đến hàng nghìn tỉ đồng, bao quát cả một quá trình dài lâu về sau trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới thành nhà Hồ. Đó là dự án bảo tồn và nghiên cứu công trường khai thác đá cổ núi An Tôn; dự án nghiên cứu và phục dựng chính điện (nền Vua) thuộc khu vực Thành nội; dự án nghiên cứu, phục dựng Môn lâu (trên 4 cổng thành Đông – Tây – Nam – Bắc); dự án nghiên cứu, sửa chữa, tu bổ, gia cố các đoạn tường đá thành nhà Hồ; dự án khai quật, nghiên cứu tổng thể con đường Hoàng gia (được xây dựng bằng đá) nối từ Thành nhà Hồ đến đàn Nam Giao; dự án nghiên cứu, khai quật tổng thể diện tích trong thành nội; dự án nghiên cứu, khai quật, tôn tạo hệ thống hào thành quanh thành nội.

Điểm khai quật ngoài cổng Nam Thành nhà Hồ

Cùng với các dự án này với mong muốn thực hiện trực tiếp tại khu vực Thành nhà Hồ là nhiều dự án khác nhằm phát huy di tích lịch sử Lam Kinh, danh thắng, di tích khác như các hạng mục đầu tư, tu bổ, tôn tạo 4 toà thái miếu 1, 2, 8, 9; dự án cảnh quan hồ Tây – sông Ngọc; dự án núi và đền Đồng Cổ giai đoạn II; dự án thái miếu nhà hậu Lê giai đoạn II; dự án bảo tồn và phát triển làng văn hoá Lương Ngọc; dự án phủ Trịnh – nghè Việt.

Có thể đặt ra và mong mỏi rất nhiều với mục tiêu giữ gìn và quảng bá, phát huy rộng rãi hình ảnh, vẻ đẹp, giá trị nhiều mặt của di sản Thành nhà Hồ. Song khi nhìn những dự án dự kiến đồ sộ này, điều gây băn khoăn, ngạc nhiên là chưa đầy một năm sau khi Thành nhà Hồ là di sản thế giới và trước thềm đón bằng của UNESCO, ngành văn hóa đã đề ra quá nhiều ước mơ phục dựng, phục hồi. Trong khi điều cần thiết với một di sản quốc gia, di sản thế giới như Thành nhà Hồ trong bối cảnh hiện tại có lẽ là bảo vệ nguyên trạng và tiếp tục nghiên cứu.

Hoạt động khai quật để tiếp tục phát lộ những giá trị của di sản có thể tiến hành từng phần, từng bước, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến di sản, song song là việc giữ gìn toàn bộ những gì đã có và sẽ tìm được thêm sau này. Không nên đưa ra các dự án như phục dựng chính điện, phục dựng Môn lâu, tôn tạo hệ thống hào thành… để dẫn đến việc xây những công trình mới của thời đại hôm nay theo phong cách cổ đặt lên di sản đã có 600 năm tuổi.

Thử tưởng tượng trên các cổng thành bỗng mọc lên những Môn lâu mới mẻ hay trong bốn đoạn tường thành bỗng hiện ra cung điện đồ sộ nhưng lại của người hôm nay xây dựng! Điều đó thực sự không phải phục dựng mà là ép buộc và xâm hại, làm biến dạng di sản. Có thể nghiên cứu phục dựng trên công nghệ 3D như một giả thiết về tầm vóc di sản xưa chứ không thể làm lại di sản.

Khi thực tế còn nhiều sạn

Đường bê tông sát chân Thành nhà Hồ

Cũng với tinh thần này, khi nhìn những gì xuất hiện phía ngoài cổng và tường thành phía Nam Thành nhà Hồ, thật bất ngờ với sự tác động gây ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian tọa lạc của di sản. Hai bên tường thành phía Đông và Tây của Thành nhà Hồ là khu vực làng mạc, thôn xóm, vốn có nhiều nhà dân xây dựng từ lâu. Đây là vấn đề lịch sử, xã hội vốn diễn ra và tồn tại từ lâu, việc giải quyết, quản lý cần thời gian lâu dài và nghiên cứu kỹ càng để không gây xáo trộn, giữ được vẻ đẹp tường thành trong không gian, đảm bảo tôn trọng đời sống và nhu cầu ở của người dân.

Nhưng ngay ở phía ngoài, gần với tường thành phía Nam là khu nhà làm việc của đơn vị quản lý, bảo tồn di sản thành nhà Hồ, nhà trưng bày di vật cùng những hạng mục khác như sân bãi, hàng rào, nhất là đường bê tông chạy sát tường thành. Di sản là công trình lớn, việc bảo vệ cần tính đến cả giữ gìn cảnh quan, không gian xung quanh để ngay đến tầm nhìn và sự chiêm ngưỡng di sản không quá bị ảnh hưởng. Khu nhà mới đặt ngay gần tường thành mặc dù để phục vụ công tác bảo tồn di sản nhưng lại trở nên lạc lõng, không ăn nhập. Còn tường thành lẽ ra cần một khoảng cách thì đường bê tông lại đi sát và ô tô có thể chạy qua.

Ngay cả điểm khai quật sát bên ngoài cổng Nam thành nhà Hồ với những khối đá, khối gạch và những mảnh vỡ cũng không được giữ gìn cẩn thận trong cảnh không có mái che, rêu phủ và những vũng nước đọng. Với di sản quý giá thì việc ứng xử thật không nên để đến mức như vậy! Những gì vẫn tồn tại trên mặt đất và đã được đào thấy, dù chỉ là những mảnh vỡ sót lại hay những khối vật liệu ngổn ngang, đã thiếu được tôn trọng thì mai kia, phát lộ thêm những khu vực, di vật khác nữa, liệu chúng có được bảo vệ thật an toàn, nghiêm túc hay không!

Một đoạn tường phía Nam Thành nhà Hồ

“Những điều trông thấy” và có “nguy cơ” phải tiếp tục thấy, cho thấy rõ hơn một điều là thành nhà Hồ đồ sộ, mặc dù làm bằng đá vững chắc và càng thiêng liêng khi đã qua 6 thế kỷ tồn tại, lại đã là di sản quốc gia, di sản thế giới, vẫn có thể bị đối xử thô bạo. Mà nguy cơ này không – thật bất ngờ – lại có thể đến từ những đơn vị, nhân sự làm công tác quản lý, bảo tồn di sản. Những tiền lệ xâm hại, phá hoại hoặc lợi dụng di tích, di sản như quán café trong lầu “Tứ phương vô sự” ở Huế, vụ phá hoại và xây cầu, xây lầu trên suối Giải Oan thuộc khu thắng tích Yên Tử… đã từng bị dư luận lên án mạnh mẽ.

Các cơ quan chức năng liên quan đến thành nhà Hồ, rất nên lưu ý rút kinh nghiệm để tránh đi lại những vết xe đổ. Khi đã lỡ xảy ra điều gì không hay thì việc sửa chữa và tẩy những tì vết thật khó biết chừng nào!

Xuyên Sơn

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...