Diễn đàn Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam:

Cần coi nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm

15:19 | 09/05/2019

213 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - "Cần coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế", ông Nguyễn Thế Tân - Phó tổng giám đốc Công ty VCCorp cho biết.

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang diễn ra, nhiều ý kiến của đại diện các doanh nghiệp được đánh giá đầy tâm huyết mang khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường, đúng như chủ đề của diễn đàn hướng tới.

Báo điện tử PetroTimes trích đăng những ý kiến của đại diện các doanh nghiệp xoay quanh vấn đề này.

Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty Be Group: Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chất xám

dien dan doanh nghiep cong nghe viet nam can coi noi dung so la nganh kinh te trong diem
Ông Trần Thanh Hải phát biểu tại diễn đàn

Be Group ra đời theo đuổi tư duy bền vững nhằm xây dựng hệ sinh thái số. Là công ty sở hữu ứng dụng vận tải, sau 5 tháng triển khai kế hoạch, công ty đã đạt được nhiều thành quả như hoàn thành 10 triệu chuyến xe...

Môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng những bất cập. Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ.

Giải pháp cho bài toán này là các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Ví dụ điển hình là mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ nội dung số mà chúng ta sử dụng hoàn toàn là của nước ngoài, dữ liệu lưu trữ ở nước ngoài. Trong khi đó, ở thời đại 4.0, dữ liệu là tài nguyên quốc gia. Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chất xám, xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt.

Để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống. Be Group cũng cam kết đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp khác trong tiến trình xây dựng và làm chủ hệ sinh thái công nghệ Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC: Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ

dien dan doanh nghiep cong nghe viet nam can coi noi dung so la nganh kinh te trong diem
Ông Nguyễn Trung Chính phát biểu tại diễn đàn

Hiện tại, Internet đang tác động đến mọi khía cạnh của đời sống. Xu thế của công nghệ 4.0 là hệ thống nền tảng và kinh doanh nền tảng ra đời. Thách thức của doanh nghiệp là năng suất, trí tuệ, tốc độ, kết nối và cung cấp công nghệ mọi lúc mọi nơi. Với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc kết nối là yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên số. Các quốc gia như Hàn Quốc thành công vì đã chiếm lĩnh được công nghệ.

Sau 3 năm nghiên cứu, CMC cung cấp C.OPE2N là nền tảng công nghệ mở để giải quyết nhu cầu chuyển đổi số của Việt Nam và nhu cầu ứng dụng các công nghệ mới như Big Data, IoT, BlockChain, Security... Đây là một nỗ lực của CMC nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế số Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mọi doanh nghiệp đều có thể tiếp cận nền tảng mở này để kết nối với nền kinh tế số. Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế World Class, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu.

Ông Lữ Thành Long - Chủ tịch Công ty MISA: Doanh nghiệp phần mềm Việt hoàn toàn đủ năng lực giải các bài toán lớn

dien dan doanh nghiep cong nghe viet nam can coi noi dung so la nganh kinh te trong diem
Ông Lữ Thành Long phát biểu tại diễn đàn

Cách đây 25 năm, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có công tác kế toán bằng phần mềm, tuy nhiên, từ khi MISA thành lập đến nay, công ty đã triển khai thành công ứng dụng kế toán cho 75% đơn vị hành chính sự nghiệp, 47% doanh nghiệp và vừa ra mắt sổ thu chi miễn phí cho hàng triệu khách hàng cá nhân.

MISA cũng đã tham gia vào bài toán chuyển đổi hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử, tiết kiệm tới 10.000 tỷ. Công ty cũng triển khai ứng dụng meInvoice - giải pháp hóa đơn điện tử đầu tiên ứng dụng thành công Blockchain để đảm bảo tính tin cậy và minh bạch; giải pháp điện toán đám mây giúp việc triển khai chỉ trong vài phút. Đây cũng là hệ thống có tính mở cao: cho phép tích với hệ thống thanh toán của ngân hàng, hệ thống bán hàng, hệ thống tài chính kế toán khác.

Để giải quyết bài toán nhân lực kế toán cho doanh nghiệp, công ty sẽ ứng dụng công nghệ AI và Machine Learning giúp tự động nhập liệu và hạch toán kế toán, làm tăng năng suất gấp 10 lần; sử dụng công nghệ điện toán đám mây để giải quyết bài toán cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp; tạo một hệ thống mở để kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, thuế và các đơn vị khác.

Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn đặc thù cho Việt Nam mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể làm được. Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và ứng dụng thành công các công nghệ mới nhất như Blockchain, AI, Machine Learning... vào các sản phẩm.

Xây dựng một ứng dụng thuần Việt và triển khai tại Việt Nam không phải là điều dễ dàng nhưng MISA đã làm được. Bản thân MISA không chỉ làm ra sản phẩm sử dụng tốt tại Việt Nam mà còn có thể bán được ra nước ngoài, ví dụ như sản phẩm CUKCUK đã có mặt tại 10 quốc gia như Đức, Myanmar, Mỹ, Nhật...

Ông Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright: Việt Nam đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp khởi nghiệp

dien dan doanh nghiep cong nghe viet nam can coi noi dung so la nganh kinh te trong diem
Ông Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại diễn đàn

Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh trong 20 năm qua, tuy nhiên về "chất lượng phát triển" lại chưa làm được như Hàn Quốc. Chặng đường này có thể kéo dài thêm từ 30-50 năm nữa nhưng nhờ doanh nghiệp công nghệ, Việt Nam có thể làm được.

Một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ chỉ đi trước Việt Nam một thời gian ngắn nhưng đã sớm trở thành cường quốc về công nghệ của thế giới. Ngoài Singapore, Indonesia thì Việt Nam cũng là đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp khởi nghiệp nhờ chính sách ưu tiên của Chính phủ.

Trong vòng 10 năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam về giá trị đã chiếm trên 15% GDP và gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế.

Các doanh nghiệp công nghệ có thể giúp các nước gia tăng đáng kể tốc độ phát triển kinh tế. Ngoài hiệu quả kinh tế, nền công nghiệp công nghệ có thể tăng đáng kể năng suất lao động nhưng cùng lúc đó, số lượng nhân lực làm việc trong các ngành nghề sẽ giảm mạnh.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có giá trị trên một tỷ đô la Mỹ ở châu Á mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều nay đặt ra yêu cầu cho các quốc gia là cần có chính sách phù hợp hơn. Cần hội tụ những doanh nghiệp ở các ngành nghề nòng cốt, tập trung ở cùng vị trí địa lý và hoạt động dưới cơ chế chung. Vài trò của Nhà nước là hỗ trợ cho những "cụm doanh nghiệp" này.

Các nhân tố cần cải thiện hơn để thúc đẩy đổi doanh nghiệp phát triển là nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ mới, thị trường, bối cảnh, môi trường cạnh tranh và khung pháp lý hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thế Tân - Phó tổng giám đốc Công ty VCCorp: Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới

dien dan doanh nghiep cong nghe viet nam can coi noi dung so la nganh kinh te trong diem
Ông Nguyễn Thế Tân phát biểu tại diễn đàn

Những công ty hàng đầu thế giới cũng là các công ty công nghệ như Google, Facebook... Họ đứng đầu cả về số người sử dụng, doanh số, tầm ảnh hưởng, giá trị thị trường. Các doanh nghiệp này được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là Google, Facebook... làm ra những sản phẩm dịch vụ hoàn toàn toàn mới, giải quyết vấn đề mới. Nhóm thứ hai là giải quyết các nhu cầu cũ bằng xây dựng mô hình kinh doanh mới, phương pháp mới, dựa trên các công nghệ của họ.

Những doanh nghiệp toàn cầu này còn tạo ra công nghệ cho thế giới học theo về trí tuệ, máy móc... Câu hỏi đặt ra là làm thế nào tạo điều kiện cho các sản phẩm sáng tạo dựa trên công nghệ phát triển.

Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Tiêu biểu như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G... Trong mảng nội dung số có VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ, hệ thống phân phối nội dung và hàng chục công ty khác.

Việt Nam có tiềm năng bởi sở hữu hàng trăm công ty khác trong nhiều lĩnh vực cùng đội ngũ hàng trăm nghìn lập trình viên. Trong khi các nước có nhiều chính sách phát triển ưu đãi về thuế, các chính sách, quy định của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nhiều công ty muốn làm nhưng không dám làm.

Cần coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế.

Minh Lê (t/h)

dien dan doanh nghiep cong nghe viet nam can coi noi dung so la nganh kinh te trong diemNhân lực công nghệ thông tin: Lượng thiếu, chất yếu
dien dan doanh nghiep cong nghe viet nam can coi noi dung so la nganh kinh te trong diemLần đầu tổ chức “Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”
dien dan doanh nghiep cong nghe viet nam can coi noi dung so la nganh kinh te trong diemLo hình sự hóa doanh nghiệp công nghệ thông tin “chùn bước”