Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng:

Bài 2: Hệ thống truyền tải điện vươn xa với công nghệ hiện đại

06:00 | 20/04/2024

355 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt nhất của EVNNPT là đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy EVNNPT, Tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và xây dựng hệ thống truyền tải điện hiện đại với công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.

Hệ thống truyền tải điện vươn xa

Hệ thống lưới điện truyền tải của Việt Nam hiện có quy mô đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong những năm qua, hệ thống truyền tải điện quốc gia không ngừng phát triển cả về quy mô và công nghệ, trở thành “xương sống” của hệ thống điện Việt Nam, góp phần quan trọng đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống truyền tải điện quốc gia được xây dựng và phát triển với tốc độ nhanh chóng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu điện của đất nước. Tổng chiều dài đường dây 220kV, 500kV tăng 2,45 lần lên 29.797 km; tổng số trạm biến áp là 187 trạm, tăng 2,7 lần, tổng dung lượng máy biến áp là 116.625MVA, tăng 4,7 lần so với năm 2008.

Bài 2: Hệ thống truyền tải điện vươn xa với công nghệ hiện đại
Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước và liên kết với các nước trong khu vực

Trong những năm qua, EVNNPT đã tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành hàng trăm công trình truyền tải điện 500kV và 220kV, tạo nên một hệ thống truyền tải điện quốc gia rộng khắp và hoàn chỉnh trên phạm vi cả nước; góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

EVNNPT đã hoàn thành đóng điện nhiều công trình trạm và đường dây 500kV, tạo thành hệ thống lưới điện 500kV đấu nối các nhà máy/trung tâm điện lực lớn như Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Vũng Áng, Ô Môn, Nhơn Trạch, Duyên Hải, Vĩnh Tân, Vân Phong… vào hệ thống điện quốc gia, hình thành các mạch vòng 500kV ở phía Bắc và phía Nam, đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn, các khu vực trọng điểm kinh tế.

Cùng với phát triển lưới điện 500kV, EVNNPT tập trung đầu tư xây dựng lưới điện 220kV, đưa vào vận hành phục vụ cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã lưới điện truyền tải đảm bảo tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hệ thống truyền tải điện quốc gia kết nối với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hệ thống truyền tải điện 500kV phát triển nhanh chóng và thực sự đóng vai trò là hệ thống năng lượng huyết mạch với các đường dây truyền tải công suất từ các trung tâm điện lực, các nhà máy điện lớn, các mạch vòng tại các khu vực miền Bắc và miền Nam. Bốn mạch đường dây 500kV Bắc - Nam tạo mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, góp phần vận hành linh hoạt, tin cậy và giảm chi phí vận hành toàn hệ thống điện.

Trong quản lý vận hành, EVNNPT đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, tính tuân thủ và nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định công tác kiểm tra định kỳ, vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thí nghiệm định kỳ thiết bị để đảm bảo thiết bị vận hành an toàn; thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình vận hành để xử lý kịp thời các khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện; trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ làm việc cho người lao động; thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới truyền tải điện; phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng công an và chính quyền địa phương các cấp để bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia. Sau 15 năm hoạt động, EVNNPT đã truyền tải tổng sản lượng điện hơn 2.200 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,74%/năm, qua đó đã góp phần quan trọng cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Bài 2: Hệ thống truyền tải điện vươn xa với công nghệ hiện đại
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng và Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc EVNNPT – Phạm Lê Phú kiểm tra ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Đánh giá về những đóng góp của EVNNPT đối với sự phát triển của địa phương, đồng chí Nguyễn Khắc Thận – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Trong thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của EVN nói chung và EVNNPT nói riêng, tỉnh Thái Bình đã có nhiều dự án lưới điện được hoàn thành để đáp ứng nhu cầu điện với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Xác định điện phải đi trước một bước, thời gian qua, tỉnh Thái Bình luôn chủ động phối hợp, tạo điều kiện trong việc phát triển các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh để đáp ứng an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Điện là “mạch máu” của nền kinh tế và trân trọng cảm ơn EVN, EVNNPT và các đơn vị đã quan tâm đầu tư hạ tầng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa là địa phương tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng hàng đầu khu vực miền Bắc, đồng nghĩa với việc nhu cầu về điện cũng tăng trưởng tương ứng nhưng ngành Điện đã đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh. Trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, vì vậy EVN và các đơn vị đang đầu tư một loạt các công trình đường dây và trạm biến áp. Tỉnh Thanh Hóa xác định rõ việc đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ của tỉnh và sẽ vào cuộc quyết liệt nhất để tháo gỡ những vướng mắc.

Hiện đại, hội nhập

Đồng chí Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết: Trong quá trình phát triển, EVNNPT xác định rõ ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số là cơ hội vô giá để lĩnh vực truyền tải điện phát triển dựa trên những đột phá về công nghệ số. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, EVNNPT sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa. Ngược lại, nếu tận dụng cơ hội này EVNNPT sẽ theo kịp các tổ chức truyền tải điện tiên tiến trên thế giới.

Chính vì vậy, ngày 26/4/2016, Đảng ủy EVNNPT đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/ĐU, về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin trong EVNNPT giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, ngày 9/7/2021, Đảng ủy EVNNPT đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ/ĐU về việc tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn này, EVNNPT đã triển khai ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại vào xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng, triển khai đề án lưới điện thông minh,… đảm bảo xây dựng hệ thống truyền tải điện Việt Nam ngày càng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Do yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành lưới điện truyền tải trên địa bàn rộng lớn và địa hình phức tạp; EVNNPT đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại trong khảo sát, thiết kế, quản lý vận hành như công nghệ “không ảnh”, tái tạo không gian 3D, mô hình thông tin công trình (BIM), ứng dụng GIS. Với những công nghệ kể trên, công tác khảo sát, thiết kế các dự án lưới điện đã có một bức tranh rõ ràng về không gian, địa hình, độ cao,… Từ đó cung cấp những thông tin tương đối đầy đủ, chính xác và cần thiết, giúp cho công tác thẩm tra, thẩm định và quyết định lựa chọn giải pháp, phương án kỹ thuật phù hợp. Khả năng tự động và linh hoạt của những công cụ này giúp công tác quản lý và vận hành lưới điện truyền tải ở vùng địa hình khó khăn, nguy hiểm và khó tiếp cận trở nên dễ dàng hơn nhiều so với quản lý vận hành trước đây.

Bài 2: Hệ thống truyền tải điện vươn xa với công nghệ hiện đại
Công nhân EVNNPT sửa chữa hệ thống điện nhằm đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định

Trong lĩnh vực trạm biến áp, 80% các trạm biến áp được ứng dụng hệ thống điều khiển máy tính, các hệ thống điều khiển bảo về đều ứng dụng kỹ thuật số; ứng dụng giám sát dầu online cho toàn bộ các máy biến áp và kháng điện 500kV; hệ thống điện truyền tải được ứng dụng hệ thống SCADA trong thu thập dữ liệu, giám sát, điều khiển, điều độ.

Công nghệ trạm GIS đã được thực hiện tại trạm biến áp GIS 220kV Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh) và trạm biến áp Thành Công (Hà Nội). EVNNPT sẽ tiếp tục thực hiện triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ GIS hoặc COMPACT ngoài trời, trạm biến áp ngầm…

Trong lĩnh vực đường dây đã và đang ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong đầu tư xây dựng như hệ thống định vị sự cố, ứng dụng công nghệ và vật liệu mới như dây dẫn siêu nhiệt, dây dẫn tổn thất thấp, sơn phủ cách điện đường dây, cáp ngầm, đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp để tiết kiệm đất hành lang tuyến. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng mới các đường dây đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho các dự án, được các cấp, ngành và đối tác đánh giá cao.

Khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thấm sâu và tỏa rộng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước, EVNNPT thực hiện các biện pháp, giải pháp áp dụng công nghệ 4.0. Hiện nay EVNNPT đang vận hành 160 trạm biến áp 500-220kV điều khiển tích hợp bằng máy tính (đạt tỷ lệ 86%) trong đó có 01 trạm biến áp 220kV tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) là trạm biến áp số 220kV đầu tiên của Việt Nam. Các trạm biến áp này cho phép giám sát chặt chẽ tình trạng vận hành của thiết bị; thu thập, lưu trữ đầy đủ các dữ liệu vận hành của thiết bị, phục vụ cho công tác đánh giá, quyết định sửa chữa, bảo dưỡng đồng thời cho phép áp dụng các giải pháp tự động hóa trạm biến áp. EVNNPT đã chuyển 118 trạm biến áp 220kV sang thao tác xa từ các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền đạt tỉ lệ 79%, nhờ đó tiết giảm gần 600 lao động so với trạm biến áp có người trực thao tác tại chỗ.

Bài 2: Hệ thống truyền tải điện vươn xa với công nghệ hiện đại
Nhân viên EVNNPT soi phát nhiệt thiết bị tại trạm biến áp

Lĩnh vực quản lý vận hành, sửa chữa trạm biếp áp, EVNNPT đã và đang triển khai ứng dụng rộng rãi vệ sinh cách điện online để giảm thời gian cắt điện, các giải pháp về công nghệ thông tin, điều khiển hệ thống điện nhằm mục tiêu an toàn, hiệu quả, tin cậy, linh hoạt. Các ứng dụng mới trong công tác giám sát trực tuyến tình trạng máy biến áp tại các trạm 500kV Phú Lâm, Pleiku 2, Đà Nẵng, Hiệp Hòa, giám sát trực tuyến tình trạng máy cắt, biến điện áp, chống sét van được thực hiện tại trạm biến áp 500kV Pleiku 2.

Trong lĩnh vực quản lý vận hành và sửa chữa đường dây, EVNNPT đã và đang triển khai ứng dụng rộng rãi vệ sinh cách điện online để giảm thời gian cắt điện, ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái UAV, camera, trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiểm tra, giám sát và phân tích đánh giá hình ảnh phục vụ cho công tác quản lý vận hành giúp làm tăng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, tăng năng suất lao động.

Trong lĩnh vực quản trị, cùng với tiến trình chuyển đổi số quốc gia; bên cạnh việc ứng dụng các phần mềm chung của EVN như: Quản lý đầu tư xây dựng IMIS, Quản lý kỹ thuật PMIS, Quản lý nhân sự HRMS, Quản lý tài chính vật tư EPR, Văn phòng điện tử D-Office,… EVNNPT đã tập trung nghiên cứu xây dựng các phần mềm Quản lý trạm biến áp, Quản lý đường dây trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Quản lý thí nghiệm, phần mềm sửa chữa bảo dưỡng thiết bị theo điều kiện vận hành (CBM), phần mềm Quản lý sửa chữa lớn, qua đó đã cơ bản hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số cho giai đoạn 2021-2023; đây là một bước tiến nổi bật trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong EVNNPT.

Đánh giá về những bước phát triển của EVNNPT trong thời gian qua, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Trong 15 năm qua, EVNNPT đã thể hiện năng lực xuất sắc thông qua việc vận hành gần 30.000 km đường dây và mạng lưới truyền tải với hiệu suất và hiệu quả cao. WB tự hào là đối tác của EVNNPT, để góp phần xây dựng đường dây và mạng lưới truyền tải, nâng cao đáng kể khả năng hoạt động của hạ tầng truyền tải điện tại Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với EVNNPT. Ngân hàng Thế giới đã phát triển một loạt dự án có tên REACH, các dự án này sẽ góp phần cho việc phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện, cho phép sử dụng tối ưu các nguồn năng lượng tái tạo.

“Một trong những kết quả của việc hợp tác này là việc EVNNPT nhận được xếp hạng BB từ Fitch Ratings, thể hiện nền tảng tài chính vững chắc. Chúng tôi ước tính rằng từ nay đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần khoảng 80 tỷ USD đầu tư vào các hạng mục truyền tải điện. Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ EVNNPT trong các hoạt động sắp tới”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Bài 2: Hệ thống truyền tải điện vươn xa với công nghệ hiện đại
Thanh niên EVNNPT tự đào tạo để nâng cao kiến thức sử dụng UAV phục vụ sản xuất

Nỗ lực trong giai đoạn tiếp theo

Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.

Đồng thời, phương án phát triển lưới điện 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nêu rõ trong Quy hoạch Điện VIII được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Cụ thể, Quy hoạch Điện VIII yêu cầu phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.

Cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, EVNNPT luôn xác định trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, lưới điện truyền tải cung cấp điện ổn định là mục tiêu hàng đầu, cao nhất, quan trọng nhất của EVNNPT. Bên cạnh đó, các mục tiêu quan trọng khác về nâng cao độ tin cậy lưới điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải cũng phải được triển khai thực hiện.

Trong khi đó, dự báo công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Lưới điện luôn truyền tải công suất cao, đặc biệt là cung đoạn liên kết Trung - Bắc và lưới điện khu vực đấu nối nhiều nguồn năng lượng tái tạo; tình trạng vận hành đầy và quá tải thiết bị chưa được cải thiện nhiều do tiến độ các dự án đầu tư xây dựng bị ảnh hưởng bởi khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thiết bị đã vận hành nhiều năm, chất lượng suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ sự cố; dòng ngắn mạch hệ thống tăng cao tại nhiều khu vực, nhiều thiết bị không đáp ứng về khả năng chịu dòng ngắn mạch tại thời điểm hiện tại.

Bài 2: Hệ thống truyền tải điện vươn xa với công nghệ hiện đại
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành được EVNNPT đặc biệt quan tâm

Vì vậy, để vượt qua thách thức trên, EVNNPT triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 đã được phê duyệt tại Quyết định số 338/ QĐ-EVNNPT ngày 06/3/2018, Chiến lược ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 đã được phê duyệt tại Quyết định số 197/QĐ-EVNNPT ngày 02/12/2019. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ triển khai ứng dụng các hệ thống giám sát thời gian thực cho thiết bị, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, các nhiệm vụ trong kế hoạch chuyển đổi số, các đề án giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng, đề án lưới điện thông minh, thực hiện sửa chữa bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy, ứng dụng toàn diện UAV, ứng dụng camera AI.

EVNNPT xác định trong giai đoạn tới công nghệ là phương tiện còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. Nhận thức rõ điều đó, ngoài hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, EVNNPT đặc biệt quan tâm đến nguồn “nhân lực số”, cùng với việc hình thành nên thói quen, thay đổi nhận thức của người lao động để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số.

Bài 2: Hệ thống truyền tải điện vươn xa với công nghệ hiện đại

Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong vận hành hệ thống truyền tải điện tại Phú Thọ, tháng 7/2023

Người lao động của EVNNPT đã quen với môi trường thực trong nhiều năm, việc chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen, đây là việc khó, là việc lâu dài. Tuy nhiên văn hoá của người Việt Nam nói chung cũng như CBCNV của EVNNPT nói riêng là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới nên Tổng công ty tin tưởng vào việc thay đổi nhận thức, thói quen của người lao động.

“Trong những năm qua EVNNPT đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyển đổi nhận thức cũng như đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, đặc biệt là về an toàn an ninh thông tin, huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI). Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đào tạo nâng cao nhận thức cho người lao động về chuyển đổi số, EVNNPT khuyến khích người lao động không ngừng học hỏi, không ngừng nâng cao nhận thức, mỗi ngày mỗi người tự học cho mình những điều mới” – Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương:

Kể từ khi thành lập, EVNNPT đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu to lớn. Hệ thống truyền tải điện đã giữ vững vai trò trung tâm trong vận hành hệ thống điện, góp phần quan trọng để EVN thực sự là nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đem lại những lợi ích to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, khoa học – công nghệ, hợp tác quốc tế và an ninh quốc phòng của đất nước.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 20230 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện, EVNNPT phải nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn nữa. Những ghi nhận của Đảng và Nhà nước, sự tin tưởng của các bộ, ngành, EVN, các đối tác sẽ là nền tảng vững chắc để EVNNPT tiếp tục phát triển. Những năm tiếp theo sẽ còn nhiều thách thức, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của cán bộ công nhân viên EVNNPT trong thực hiện sứ mệnh của mình.

Bùi Xuân Tiến (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia)

Kỳ I: Phát súng hiệu cho cuộc chinh phục kỳ vĩKỳ I: Phát súng hiệu cho cuộc chinh phục kỳ vĩ
Kỳ II: Chuyện bây giờ mới kểKỳ II: Chuyện bây giờ mới kể
Kỳ III: Tự hào Kỳ III: Tự hào "lính truyền tải"
Bài 1: Xây dựng hệ thống truyền tải điện lớn mạnh để sánh vai với các cường quốc năm châuBài 1: Xây dựng hệ thống truyền tải điện lớn mạnh để sánh vai với các cường quốc năm châu