Bà giáo già tận tụy với những mảnh đời bất hạnh

10:10 | 16/11/2012

881 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Mặc kệ những lời dèm pha, cản trở từ phía phụ huynh hay xóm giềng, 15 năm qua, bà giáo già Hồ Hương Nam vẫn kiên trì mang con chữ và tình thương yêu vô hạn tới những học sinh đặc biệt của mình.

“Có người bảo tôi bị hâm, khùng”

Lớp học đặc biệt của bà Hồ Hương Nam nằm trong khuôn viên trường THCS An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) với vỏn vẹn 15 học sinh và một chiếc đài nhỏ. Mỗi sáng, người ta lại thấy một bà cụ dáng người nhỏ bé nhưng bước chân vững vàng, nhanh nhẹn, đầu đội nón, tay cầm đài đến với những đứa học sinh tật nguyền của mình.

Vào lớp, bà giáo cầm tay cậu học trò tô theo những nét bút chì viết sẵn trong vở. Sau đó bà giáo lại sang kiểm tra bài tập viết của hai em gái khác bị down và chấm điểm bài tập làm toán của một cậu bé bị tự kỷ. Đang học, đột nhiên một học sinh từ từ tụt người xuống ghế, bà lại tất tả ra đỡ, xốc cậu ngồi ngay ngắn và dỗ dành để cậu không chán nản, mệt mỏi.

Bà Hồ Hương Nam đang chỉnh nét chữ cho học sinh

Các buổi học của bà bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc lúc 10h30, từ thứ 2 đến thứ 6. Trong hơn 2h đồng hồ, bà vừa là giáo viên dạy chữ, sửa bài cho học sinh, vừa là người bà nhân hậu dỗ dành, giảng giải cho những đứa cháu bạc phận.

Trong suốt thời gian học, lớp học đặc biệt diễn ra trong tiếng nhạc du dương, tiếng ú ớ, ngọng nghịu, những ký hiệu và cả giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm của cô giáo người Huế 80 tuổi. Suốt 15 năm qua, bà giáo Hồ Hương Nam đã cần mẫn “gieo chữ” cho những học sinh khuyết tật một cách thầm lặng như thế.

Năm 1957, bà theo chồng từ Quảng Bình ra Hà Nội dạy học. Nghỉ hưu năm 1979, bà tham gia cộng tác viên dân số tại phường, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Lúc này, bà đã gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le do tật nguyền mà không thể đến lớp. Điều này khiến bà rất trăn trở và có tâm nguyện mang cái chữ tới cho những trẻ khuyết tật.

Năm 1997, bà Nam bắt đầu đi vận động một số gia đình có con khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hoặc tự kỷ đến lớp của bà.Những ngày đầu đi vận động, thuyết phục, bà giáo già đã gặp rất nhiều khó khăn, cản trở từ phía những gia đình có con khuyết tật.

Bà chia sẻ: “Tôi cứ đi đi lại lại hàng tháng trời. Có nhà thấy tôi đến nhiều quá còn không tiếp hoặc lấy cớ để không phải ngồi nói chuyện. Thực ra họ mặc cảm vì đang yên lành có người động đến nỗi đau của họ. Con cái như vậy, họ đau lắm”.

Em Đỗ Kim Thúy (23 tuổi) - học sinh trong lớp bà Nam

Không những không tiếp, nhiều người còn dèm pha, bè bỉu bà “bị khùng”. Bà Nam nhớ lại: “Mỗi lần nghe nói vậy tôi lại đau lòng, cũng tủi thân lắm, nhưng cái Tâm tôi sáng, thương các cháu thiệt phận nên tôi lại cố gắng. Các cháu biết được cái chữ, tâm trí cũng sáng hơn, bớt tự ti hơn”.

Kiên trì thuyết phục, bà Nam xin các gia đình cho cháu ra học một tháng, nếu không tiến triển sẽ trả về. Cuối cùng hai gia đình đầu tiên đã đồng ý đưa con đến để bà dạy bảo.

Đó là những ngày tháng khó khăn, vất vả, trường lớp không có, tôi phải xin nhờ trụ sở tuần tra để làm chỗ dạy cho các cháu, sau này nhờ được lớp trong nhà trẻ thì không lâu sau cũng bị đuổi đi.

Cực chẳng đã, bà lên Phòng Giáo dục quận Tây Hồ đề đạt nguyện vọng. Bà cho biết: “Tôi vừa nói vừa khóc với các đồng chí ấy, thương các cháu mà lực bất tòng tâm. Các đồng chí ấy cũng hiểu và gọi điện xuống trường THCS An Dương. Cô hiệu trưởng Trần Thị Vân đã dành cho các cháu một lớp học nhỏ để ổn định học tập”.

Vừa dạy, vừa dỗ

Lớp học của bà giáo Hồ Hương Nam rất đặc biệt, từ cô giáo đến học sinh. Bản thân bà đã bước sang tuổi 80, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng sức khỏe của bà vẫn rất tốt và vẫn minh mẫn. Các học sinh đặc biệt của bà đều là trẻ khuyết tật với những bệnh lý và hoàn cảnh khác nhau, chủ yếu là trẻ thiểu năng, down, câm điếc bẩm sinh và tự kỷ.

Bà Nam chia sẻ: “Dạy cho trẻ tật nguyền rất khó, bởi chúng tiếp thu chậm hơn các em bình thường. Nhiều em còn mặc cảm, tự ti vì bản thân nên thường trốn tránh, sợ hãi. Tôi chỉ dạy một chữ O thôi, nhưng cũng mất đến 3 tháng. Phải cầm tay viết từng nét, nhận được mặt chữ, còn phải viết đúng nữa”.

Hiện tại, lớp của bà Nam có 15 em, nhỏ nhất là 8 tuổi và lớn nhất đã hơn 30. Trong số học sinh bám lớp từ đầu, có em giờ đã lập gia đình, có em đã mất. Không chỉ học sinh ở phường Yên Phụ, nhiều gia đình trong thành phố cũng gửi con tới lớp của bà. Một số em có hoàn cảnh đáng thương, như em Phương Anh (7 tuổi) ở phường Phúc Xá, vừa câm vừa điếc, bố nhiễm HIV, mẹ lấy chồng khác, hiện ở với bà ngoại. Đỗ Kim Thúy (23 tuổi) ở phường Yên Phụ, mồ côi mẹ từ nhỏ, liệt nửa người bên trái. Lưu Hồng Dương (32 tuổi) ở cụm 8, phường Yên Phụ, bị liệt tứ chi, chân tay co quắp... 

Với những học trò đặc biệt, bà Nam vừa dạy vừa dỗ và phải luôn nhẹ nhàng. Bà cho biết: "Thấy mình nói hơi to, các em cho đó là quát mắng. Vì thế, lần nào giận lắm nói câu “hư vừa thôi”, thấy mặt mấy đứa sầm lại là tôi phải ghìm ngay và động viên “tuần này cháu ngoan, có mỗi hôm nay hư thôi, mai phải ngoan nhé”. Thế là các em ngồi im luôn".

"Càng yêu nghề bao nhiêu thì càng yêu người bấy nhiêu"

Để động viên học trò, cuối tuần bà bỏ tiền túi ra mua bim bim và phát cho mỗi em một gói. Có lần, bà không phát bim bim cho hai học sinh chửi bậy trong lớp. Tủi thân, hai em này buồn và khóc toáng lên. Sau lần ấy, bà rút kinh nghiệm, em nào cũng được nhận quà.

Bà giáo Nam chia sẻ thêm, bản thân luôn phải lựa khi thấy có em đang học bỗng lăn ra ngủ hoặc hét toáng vì nếu lớn tiếng, học sinh sẽ bỏ học hết. 

Nhắc đến những khó khăn, vất vả, bà giáo già cười hiền: “15 năm qua, tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ lớp, bỏ học sinh. Có những lúc buồn chán, có lúc khóc thầm nhưng dứt khoát không bỏ. Bởi tôi luôn tâm niệm lời Bác Hồ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”.

Suốt 15 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, bà Nam có nhiều kỷ niệm cảm động. Ngày 20/11 năm ngoái, thấy mọi người mua hoa mà bà không có ai tặng, học trò bảo nhau mỗi em mua một bông hồng rồi mang đến tặng cô Nam. Khi được hỏi lấy tiền đâu, đám học sinh thành thật "khai" tiết kiệm tiền quà sáng. Hay một lần bà đến lớp, thấy học sinh cười toe, chạy ra ôm bà và khen: “Bà đẹp quá bà ơi”, chỉ vì hôm ấy bà mặc chiếc áo mới.

Là một trong số học sinh lâu năm nhất, em Đỗ Kim Thúy, 22 tuổi, đã biết đọc thành thạo, chữ viết đẹp và thuộc bảng cửu chương. Bị liệt nửa người, Thúy vẫn thích đến lớp bà Nam. Hàng ngày, Thúy đi bộ đi học và được giao làm lớp trưởng. "Bà kiên trì cầm tay hướng dẫn em những nét chữ đầu tiên. Học sinh nào bà cũng kiên nhẫn như vậy. Bố thấy em đọc được báo và chữ trên tivi thì vui lắm", cô gái có dáng người đậm tâm sự.

Từ trước tới giờ, bà tự bỏ tiền túi mua vở, bút chì cho học sinh mà không cần phụ huynh phải đóng góp. Số tiền lương hưu ít ỏi cộng với con cháu biếu, bà dành để lo cho những đứa trẻ tàn tật. Bà kể, có một phụ huynh nằn nì xin “góp tiền” với bà, bà từ chối rồi nói: “Nếu chị có nhiều tiền thì đưa con đi lớp khác. Tôi dạy các cháu không phải vì tiền”.

Nhìn những học sinh của mình từ chỗ thu mình, tự ti, đến bây giờ biết đọc biết viết, biết tính toán và chào hỏi như người bình thường, bà Nam cảm thấy ấm lòng. Thế nhưng mỗi ngày tuổi bà một cao, bà lại lo không còn sức theo chân dạy dỗ các cháu.

Bà chia sẻ: “Tôi chỉ mong các thầy cô giáo hãy cố gắng “kéo” các cháu tật nguyền ra khỏi mặc cảm với cái “Tâm” trong sáng, bởi các cháu cũng là những con người thiệt thòi. Càng yêu nghề bao nhiêu thì càng yêu người bấy nhiêu”.

Vương Tâm