Vì sao bằng lái xe quốc tế không dùng được ở Việt Nam?

07:15 | 08/03/2016

4,127 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để được cấp giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế, người dân không cần phải trải qua bất kỳ một cuộc thi sát hạch nào, vì nói nôm na, đây là bản dịch hợp pháp được chuyển đổi từ GPLX nội địa. Tuy nhiên, GPLX quốc tế lại không dùng được ở trong nước nhưng lại được chấp nhận như là một thẻ căn cước thay cho hộ chiếu.  

Sử dụng ở 85 quốc gia

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa thực hiện cấp giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế cho người dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam. Đây được đánh giá là một chủ trương tích cực trong thời kỳ hội nhập phát triển của đất nước.

tay gat ta lac
Ông Bùi Danh Liên

Sáng 1-3, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội triển khai việc cấp giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế cho các công dân là người việt Nam đã có GPLX quốc gia bằng vật liệu PET và các công dân là người nước ngoài có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam có GPLX quốc gia do Việt Nam cấp còn giá trị sử dụng.

GPLX quốc tế do Việt Nam cấp sẽ có hiệu lực ở 85 quốc gia trên thế giới theo Công ước Quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna), trong đó nội dung của giấy phép được dịch sang các thứ tiếng phổ biến như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Người có GPLX quốc tế khi điều khiển các phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ các nước đã tham gia công ước Vienna phải mang theo GPLX quốc tế và GPLX quốc gia sở tại hay nói cách khác GPLX quốc tế chỉ có giá trị khi được sử dụng kết hợp với bằng lái xe nội địa.

tay gat ta lac
Giấy phép lái xe quốc tế

Theo nội dung trong công ước Vienna, GPLX quốc tế là một bộ văn kiện chứng nhận cho phép người điều khiển các phương tiện giao thông lưu hành trên các lãnh thổ quốc gia khác nhau. Trên tinh thần của các hội nghị quốc tế về an toàn giao thông đường bộ được tổ chức các năm 1932, 1943, 1949 và 1968.

Để được cấp GPLX quốc tế, người dân không cần phải trải qua bất kỳ một cuộc thi sát hạnh nào, vì nói nôm na, đây là bản dịch hợp pháp được chuyển đổi từ GPLX nội địa. Hơn thế, GPLX quốc tế còn được chấp nhận như là một thẻ căn cước thay cho hộ chiếu.

Tính đến thời điểm này, ở Việt Nam có hai địa phương là Hà Nội và TP HCM  sẵn sàng cấp GPLX quốc tế cho người dân. Để hạn chế thời gian đi lại, mọi thủ tục, giấy tờ của các cá nhân sẽ được đăng ký và kiểm tra trực tuyến qua mạng.

Đối với TP Hà Nội, người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa (số 2 Phùng Hưng, quận Hà Đông và số 16 Cao Bá Quát, quận Ba Đình) hoặc đăng ký và kiểm tra trực tuyến qua trang www.dvctt.sogtvt.hanoi.gov.vn nếu là những người ngoại tỉnh. Để chuẩn bị cho công tác này, Sở GTVT Hà Nội đã đầu tư đầy đủ các trang thiết bị máy móc và phân công cán bộ thực hiện. Dự kiến hệ thống này, mỗi ngày sẽ đáp ứng được nhu cầu giải quyết cho khảng 250-300 lượt người đến làm GPLX quốc tế.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Năng lượng Mới tại điểm làm GPLX quốc tế (số 16 Cao Bá Quát, Ba Đình) thủ tục cấp GPLX quốc tế khá đơn giản, mọi việc diễn ra nhanh, gọn do số người đến làm thủ tục không nhiều. Cũng từ đó, việc người dân phải xếp hàng ngồi đợi hay chen lấn, xô đẩy không xảy ra. Mặt khác, theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu làm GPLX quốc tế không có “cò” mua hồ sơ, giấy tờ.

Để được làm GPLX quốc tế, người dân phải chuẩn bị các giấy tờ gồm: bản photo hộ chiếu, GPLX quốc gia và một mẫu đơn xin cấp GPLX quốc tế điền đầy đủ thông tin cá nhân. Sau đó, các cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra, xác minh hồ sơ hợp lệ, thu nhận chữ ký và cho công dân chụp ảnh ngay tại chỗ, tránh việc di chuyển nhiều gây khó khăn cho người làm thủ tục.

Là một trong số những người đến làm thủ tục cấp GPLX quốc tế, anh Nguyễn Mạnh Cường (26 tuổi, quê Nghệ An) cho biết: “Mình mới học xong và chuẩn bị sang Australia làm việc. Lý do mình muốn được cấp bằng lái xe quốc tế là khi sang bên đấy mình sẽ thuận tiện hơn trong việc đi lại. Trước khi đến đây mình nghĩ làm thủ tục hành chính sẽ rất phức tạp, nhưng khi đến làm GPLX thì chỉ mất 10-15 phút đã làm xong. Mình thấy khá dễ chịu, không như các lần đi làm GPLX xe máy hay ôtô”.

Cùng với tâm trạng thoải mái khi đi làm GPLX quốc tế, anh Kiều Thế Trung (Hà Nội) cho biết mình sắp đi làm ở Indonesia, việc làm GPLX quốc tế sẽ giúp anh không phải chuyển đổi từ GPLX Việt Nam sang GPLX nước sở tại. “Làm GPLX quốc tế thì tiện là khi đi ra nước ngoài tôi không phải lo chuyển GPLX từ nước mình sang GPLX của nước họ nữa, nhưng có GPLX quốc tế thì không cần GPLX của nước mình nữa sẽ hay hơn”.

Cũng về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện người lái (Sở GTVT Hà Nội) thì thủ tục cấp GPLX đã tối giản hóa thủ tục hành chính, điều này có được là do mọi thông tin của người dân đều đã có trên hệ thống dữ liệu, người dân có nhu cầu chỉ phải đến bộ phận “một cửa” để chụp ảnh và thu nhận chữ ký tại chỗ. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý rằng, GPLX quốc tế do Việt Nam cấp không được sử dụng tại Việt Nam mà chỉ được sử dụng ở các quốc gia tham gia Công ước Vienna.

Ngoài thủ tục hành chính đơn giản hóa, người xin cấp GPLX quốc tế cũng chỉ phải đóng mức phí với giá 135.000 đồng, mức này tương đương với việc cấp GPLX trong nước bằng chất liệu PET hiện nay.

Việc làm cần thiết

Theo quan điểm một số người đến làm GPLX quốc tế, việc cấp GPLX quốc tế là một bước đi quan trọng trong chính sách hội nhập của Việt Nam. Không chỉ công dân Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi mà cả người nước ngoài cũng được thụ hưởng những lợi ích trong chính sách này.

Các chuyên gia cho rằng: Quá trình hội nhập được mở rộng, nhu cầu đi lại của người dân giữa các nước với nhau ngày càng nhiều. Việc cấp GPLX quốc tế là theo lộ trình hội nhập, khi các hiệp định quốc tế được ký kết thì việc làm đó là rất cần thiết, nó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Việt Nam và người dân các nước được thụ hưởng những chính sách đối với con người, tôi cho rằng đấy là cái tốt.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Ở Việt Nam, mỗi năm có hàng nghìn lượt người xuất ngoại với mục đích đi du học, đi làm hoặc đi du lịch… Nếu được cấp GPLX, việc di chuyển ở nước ngoài sẽ dễ dàng hơn, hạn chế được thời gian cũng như công sức và tiền bạc, những trường hợp bị mất hộ chiếu thì GPLX sẽ được dùng làm căn cứ pháp lý. Việc thuê xe cộ ở nước ngoài cũng thuận lợi, những người định cư có thể mua được phương tiện để đi lại.

Đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, nếu có GPLX do Việt Nam cấp còn hạn sử dụng cũng sẽ được cấp thêm GPLX quốc tế nếu có nhu cầu. Việc sử dụng ở trong và ngoài nước luôn phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều người thắc mắc tại sao GPLX quốc tế chỉ được sử dụng khi đi ra nước ngoài mà không có tác dụng trong nước. “Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam sẽ có những quy định riêng, người Việt Nam học GPLX trong nước thì được sử dụng trong nước. Còn đi ra nước ngoài thì phải sử dụng GPLX quốc tế, đấy là quy định của pháp luật, chúng ta nên tuân thủ và không có vấn đề gì phải thắc mắc” - ông Liên nói.

Theo các cơ quan chức năng, hiện tại việc cấp GPLX quốc tế mới được triển khai ở hai địa phương là Hà Nội và TP HCM. Trong thời gian tới nếu nhu cầu tăng cao, Tổng cục đường bộ Việt Nam sẽ cho mở thêm các điểm cấp và tiến hành giao cho các tỉnh thành triển khai thực hiện. Đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của người dân.

 

Xuân Hinh - Hoàng Cư

Năng lượng Mới 503

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc