Trẻ em cần gì?

10:51 | 24/07/2015

1,985 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không có thời gian vui chơi và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những ngày thường lịch học kín mít. Đến thứ Bảy, Chủ nhật đáng lẽ là thời gian nghỉ ngơi thì lại vùi đầu học thêm. Bên cạnh đó, việc giải trí cũng chỉ còn là chơi điện tử hay xem tivi khiến trẻ trở nên thụ động và thiếu hụt những kỹ năng sống cần thiết. Trẻ em thực sự cần gì ở những môn học và những hoạt động sinh hoạt cộng đồng? Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thu Hương - Giám đốc, chuyên gia tư vấn Công ty Clever Kids Edc và TS, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý để biết thêm về vấn đề này.  

Trẻ em đang bị biến thành rô-bốt?

Trẻ em đang bị biến thành rô-bốt?

Học hành “điên đảo”, ăn uống nhồi nhét và rảnh một chút là dán mắt vào TV, Ipad… Đó là cuộc sống của hầu hết trẻ em thành thị hiện nay. Các em đang bị biến thành rô-bốt mang hình hài con người. Nguyên nhân nào đã đẩy các em đến cuộc sống bi kịch này?

Nặng kiến thức - nhẹ kỹ năng

PV: Tiến sĩ đánh giá thế nào về chương trình giáo dục phổ thông hiện nay? Những gì được giảng dạy trong nhà trường đã đủ làm “hành trang” cho các em bước vào đời chưa?

Trẻ em cần gì?
TS Vũ Thu Hương

TS Vũ Thu Hương: Chắc chắn là không. Đây là vấn đề đã được rất nhiều người đề cập tới, thế nhưng tôi cảm giác chúng ta vẫn đang sợ hãi và chưa dám làm. Một lý do cơ bản dẫn tới tình trạng này là do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ yếu dạy kiến thức mà quên đi kỹ năng. Hoặc nếu có thì cũng đặt những môn học này trở thành môn quá phụ, khiến học sinh tỏ ra coi thường. Có thể lấy ví dụ như một học sinh thi vào lớp 10 của thời trước và thời nay để thấy rõ hơn. Trước đây học sinh thi tốt nghiệp cấp II phải thi khá nhiều môn, trong đó có môn chính là Toán và Ngữ văn, các môn thi còn lại được Bộ GD&ĐT lựa chọn trong số các môn như Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Vật lý… khiến học sinh muốn tốt nghiệp với kết quả cao thì cần phải học đều tất cả các môn. Còn hiện nay, ngay từ lớp 6 học sinh đã chỉ tập trung vào Toán - Ngữ văn, sau đó là Ngoại ngữ và coi nhẹ những “môn phụ” khác. Chúng ta có thể khẳng định, cách người lớn coi trọng môn học thế nào thì trẻ con cũng sẽ coi trọng và xếp hạng các môn học như thế.

Trẻ em cần gì?

Việc xếp hạng môn học như vậy sẽ dẫn tới một thực trạng xấu trong học đường - đó là cách học đối phó và quay cóp, gian lận khi kiểm tra. Bên cạnh đó, việc các thầy cô cắt giảm giờ dạy của các môn khác để tập trung cho Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ cũng là một trong những nguyên nhân. Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chính chương trình và sách giáo khoa hiện nay. Là một người nghiên cứu về giáo dục và cũng từng là một học sinh phổ thông, tôi nhận thấy sách giáo khoa hiện nay và trước đây không có nhiều thay đổi hay cải tiến. Nghĩa là vẫn khô khan, giáo điều và… chán như nhau.

Nguyên nhân thứ ba là giáo viên và phương pháp giảng dạy. Hiện nay, rất nhiều giáo viên dạy bằng cách yêu cầu học sinh phải nhớ các con số, đôi lúc rất “vô giá trị” với trẻ. Mặc dù chúng ta vẫn hô khẩu hiệu “giáo dục toàn diện” nhưng chúng ta không hề làm việc ấy, mà vẫn chỉ tập trung cho Toán - Ngữ văn và bây giờ là Ngoại ngữ, không có chỗ cho các “môn phụ” khác.

Trẻ em cần gì?

PV: Hiện giờ có rất nhiều học sinh tỏ ra “ngờ nghệch” trong cuộc sống, theo tiến sĩ, nguyên nhân là vì sao?

TS Vũ Thu Hương: Mục tiêu của giáo dục phổ thông là đào tạo con người để sống được trong môi trường của họ, như vậy điều đầu tiên trẻ em được học phải là thực tế cuộc sống. Giáo dục hiện nay vẫn chỉ xoay quanh chuyện điểm số, danh hiệu mà quên rằng mục tiêu giáo dục là khiến người học hiểu biết và nắm bắt được vấn đề một cách đúng đắn và khoa học.

Chúng ta vẫn dạy tất cả các môn và giao bài tập để học sinh làm thêm, thế nhưng nó chỉ mặc định là một số bài toán, một số bài văn hay một số đề ngoại ngữ, chứ hiếm có giáo viên giao bài tập lịch sử hay địa lý cho học sinh. Điều này chứng tỏ chúng ta đã ngầm xếp hạng môn học và ngầm thúc đẩy cho tình trạng học lệch trong học sinh ngay từ bậc tiểu học.

Học lệch cũng kéo theo hệ quả nữa, đó là thiếu kiến thức thực tế. Chúng ta dạy trẻ về dòng điện, nhưng có bao nhiêu trẻ biết tự tay nối một đoạn mạch điện? Trẻ được dạy về các hướng đông, tây, nam, bắc, nhưng có bao nhiêu trẻ biết sử dụng la bàn để xác định hướng? Chúng ta dạy trẻ về kinh tế trong chương trình phổ thông, nhưng hầu như chưa có giáo viên nào dạy học sinh cách sử dụng tiền. Chúng ta vẫn học tích phân, vi phân, đạo hàm, nhưng ít người biết và áp dụng những công thức này trong cuộc sống hàng ngày. Nền giáo dục của chúng ta đã mất một khúc vô cùng quan trọng - đó chính là thực tế; điều này dẫn tới trẻ em thời nay vô cùng thụ động. Khi đứa trẻ không hiểu được bản chất của sự việc thì bắt nó nhớ là một điều không thể.

Kể cả khi phụ huynh chỉ muốn con mình tập trung vào Toán hay Văn thì cũng không thể thiếu được thực tế. Chính vì việc học quá sách vở, thời gian qua chúng ta đã thấy khá nhiều những bài văn “cười ra nước mắt” như “Nhà em có nuôi một ông nội…”, “Mẹ em cao 1m” hay “Con gà nhà em màu vàng. Cả ngày nó chẳng kêu ca gì, chỗ của nó là ở trên bàn thờ”. Để việc học thực sự là bước đệm giúp chuẩn bị “hành trang” cho trẻ vào cuộc sống, thì giáo viên, phụ huynh cần dạy cho đứa trẻ biết chúng học để làm gì, phục vụ gì cho cuộc sống sau này của chúng. Nếu trả lời được câu hỏi này thì việc học môn gì, học như thế nào mới thực sự bổ ích cho trẻ.

Dạy kỹ năng gì cho trẻ?

PV: Là một người có kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ, cô nhận thấy học sinh hiện nay đang thiếu điều gì?

TS Vũ Thu Hương: Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà trẻ đang thiếu là kỹ năng thoát hiểm và tự bảo vệ mình khỏi nguy hiểm. Hiện nay trên mạng xã hội, các em thiếu niên có trào lưu đăng những bức ảnh hở hang, khoe khoang hay thông báo đi đâu, làm gì rất cụ thể. Đó là sự thiếu hụt kỹ năng bảo vệ bản thân, bởi khi công bố những thông tin về bản thân, các em rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng và làm hại.

Thứ hai, trẻ em Việt Nam không biết sử dụng các dụng cụ xung quanh và làm thế nào để không gây nguy hiểm cho bản thân. Ví dụ như điện thoại thông minh hay sóng wifi, mặc dù là sản phẩm công nghệ tối tân, nhưng lại ẩn chứa nhiều hiểm nguy cho sức khỏe của trẻ, thậm chí có thể gây ung thư nếu sử dụng không hợp lý. Thế nhưng hiện nay phần lớn trẻ em không biết, không có ý thức bảo vệ bản thân trước những vật dụng xung quanh hay cách làm thế nào để sử dụng chúng một cách an toàn, hiệu quả.

Thứ ba, khi đặt quá nhiều quyền lợi của cá nhân lên trên, các em sẽ thiếu đi khả năng hòa hợp cộng đồng, làm việc theo nhóm và cũng thiếu đi kỹ năng cống hiến. Nhiều trẻ đang có suy nghĩ phải “nhảy lên đầu người khác”, điều này cũng xuất phát từ bệnh thành tích của xã hội, nó khiến trẻ nuôi dưỡng thói ghen tỵ và làm hại cho bản thân trẻ.

Thứ tư, trẻ em đang thiếu kỹ năng an toàn giới tính. Việc thiếu đi kỹ năng này khiến các em dễ bị xâm hại, dễ quan hệ tuổi vị thành niên, nạo phá thai hay thậm chí là tự tử.

Hiện nay, trẻ em đang thiếu quá nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để có thể tồn tại trong môi trường sống của chính mình. Điều này cũng là một trong nhiều thách thức đặt ra đối với những người làm công tác soạn thảo chương trình và sách giáo khoa cho các bậc học phổ thông.

PV: Theo cô, làm cách nào để học sinh “học mà chơi, chơi mà học” nhưng vẫn đạt hiệu quả tốt nhất?

TS Vũ Thu Hương: Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các bậc phụ huynh, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cha mẹ cần “buông” con ra và cần “tàn bạo” với con hơn một chút. Đừng coi chúng là trẻ con và cần động viên con thể hiện khả năng của mình, từ đó nhìn nhận con một cách đúng đắn chứ đừng nhìn con bằng ánh mắt coi thường.

Thứ hai, cha mẹ nên giảm bớt áp lực học hành cho con. Nếu chỉ học để tốt nghiệp phổ thông hay vào được một trường cao đẳng, đại học nào đó thì không nên gây áp lực cho con, bởi với cách thi cử hiện nay, việc tốt nghiệp không quá khó. Tôi nhận thấy đa phần phụ huynh đang đặt cho con mình những mục tiêu dành cho thiên tài, chứ không phải cho một đứa trẻ bình thường. Chính việc đặt quá nhiều kỳ vọng cho đứa con sẽ khiến chúng trở nên “bất thường” và xa rời với cuộc sống thực tế.

Thứ ba, việc giải trí vui chơi của trẻ cũng đang có vấn đề. So với trước đây, hình ảnh của trẻ em bây giờ là những “em chã” với thân hình mũm mĩm “vượt chuẩn”, lười vận động, thiếu linh hoạt và thiếu năng động. Nhiều bậc phụ huynh đang khá “ích kỷ”, họ đưa iPad cho con, cho con chơi điện tử, xem tivi và yên tâm rằng, đó là giải trí, nhưng chính cách này đã làm hại đứa con của họ. Để dạy cho các con những kỹ năng sống cơ bản, buộc cha mẹ phải bỏ nhiều công sức và thời gian vào việc nghiên cứu và dạy dỗ con. Điều tiên quyết của việc dạy kỹ năng là cho con tiếp xúc với thực tế, cho con ra ngoài với thiên nhiên và vui chơi với bạn bè.

PV: Lời khuyên của cô dành cho các bậc phụ huynh để trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cho con trẻ?

TS Vũ Thu Hương: “Bố mẹ là số phận của con cái” - đứa con sẽ lấy một số đường nét, hình ảnh và bị ảnh hưởng bởi sự định hướng của cha mẹ. Điều này có nghĩa cha mẹ là yếu tố tiên quyết để hình thành nên một con người, sau đó mới là nhà trường và xã hội. Có lẽ điều các bố mẹ cần làm là dạy cho con những kỹ năng và kiến thức để chúng có thể hòa nhập tốt với môi trường đang sống là đủ.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

TS Nguyễn Thị Kim Quý, chuyên gia Tâm lý học:

Bố mẹ đừng áp đặt và dồn gánh nặng cho con!

Trẻ em cần gì?
TS Nguyễn Thị Kim Quý

PV: Gần đây, nhiều gia đình đã chú ý quan tâm tới việc giải trí và vui chơi của trẻ. Nhưng theo cô, việc vui chơi này đã phát huy tác dụng chưa?

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Hiện nay có rất nhiều gia đình quan niệm cho con vui chơi, giải trí là sử dụng ipad, xem tivi, chơi điện tử hay đọc truyện tranh, trong khi đó, những hoạt động này hoàn toàn không mang tính giải trí mà còn gây áp lực thêm cho tư duy của đứa trẻ. Có rất nhiều lý do giải thích hiện tượng này, có thể là do không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện kinh tế cho con tham gia những hoạt động ngoại khóa như âm nhạc, mỹ thuật hay kỹ năng sống. Một khóa học như vậy chỉ kéo dài 2-3 tuần với mức học phí khá cao (từ 2-3 triệu/khóa), sau khi kết thúc, phụ huynh lại phải tìm kiếm một khóa học khác để “lấp chỗ trống thời gian” cho con mình.

Cũng có một số gia đình đưa con về quê để gần gũi với thiên nhiên, nhưng đa phần phụ huynh vẫn có tâm lý “xót con”, sợ môi trường sống ở vùng nông thôn không đảm bảo, không an toàn cho con nên dần tách con ra khỏi việc tiếp xúc với thực tế. Bên cạnh đó, bản thân đứa trẻ cũng đã quá quen với cách giải trí bằng iPad, bằng điện tử nên không phải đứa trẻ nào cũng thích nghi với cuộc sống ở vùng nông thôn. Tất nhiên rất nhiều phụ huynh ý thức được những hậu quả do điện tử và thiết bị di động mang lại cho trẻ, nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đang “bế tắc” trong việc tìm hình thức giải trí cho con.

PV: Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh của trẻ là di truyền, dinh dưỡng và phương pháp giáo dục. 2 yếu tố đầu tiên không bàn, theo cô, phương pháp giáo dục của cha mẹ dành cho trẻ đã hợp lý chưa? Cân đối được giữa học tập và giải trí chưa?

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Chúng ta đều biết, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh của trẻ là di truyền, dinh dưỡng và phương pháp giáo dục. Trong đó, phương pháp giáo dục đang ảnh hưởng rất nhiều và gây áp lực lớn cho trẻ. Áp lực này xuất phát từ chính kỳ vọng, mong muốn và cũng là “áp lực” của phụ huynh, ảnh hưởng từ dư luận xã hội và do chính phụ huynh đặt ra cho mình. Chính vì áp lực này mà trẻ phải “vùi mình” vào học, không có thời gian nghỉ ngơi chứ không nói đến vui chơi hay giải trí. Bên cạnh đó, cách học kiểu “ứng thí” và bệnh thành tích của xã hội cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà phải “đua nhau” ép con học hành và tước đi sự tiếp xúc với xã hội, môi trường sống của con trẻ.

Ngoài ra, các thành phố lớn đang thiếu trầm trọng sân chơi cho trẻ mà chỉ chú trọng vào những khu chung cư hay trung tâm thương mại. Điều này buộc trẻ phải tự giải trí bằng cách thiết bị điện tử hay truyện tranh hay “biến đường phố thành sân chơi cho mình”, thậm chí là không được vui chơi, giải trí. Trẻ em thời nay “học không ra học, chơi không ra chơi”, bởi chúng không biết mình học để làm gì, không được vui chơi và không có chỗ để chơi. Theo tôi, chính người lớn đang “bóp chết” tuổi thơ của các em và biến trẻ con thành những đứa trẻ khô khan, không có trí tưởng tượng và không có niềm vui đúng lứa tuổi.

PV: Vậy theo cô, trẻ em giải trí thế nào mới tốt và có ích thực sự? Cô có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh khi tìm hình thức giải trí hợp lý cho con trẻ để tránh “lợi bất cập hại”?

TS Nguyễn Thị Kim Quý: Để giải quyết vấn đề này, phụ huynh cần hiểu được tính cách và năng lực của các con để có phương pháp dạy và thời khóa biểu phù hợp cho cả việc học và việc chơi, nhất là không được ép trẻ học quá sức. Trong tuần, cha mẹ nên sắp xếp cho trẻ được nghỉ ngơi, giải trí bằng việc nghe nhạc, trò chuyện cùng con và đưa con ra ngoài giao lưu, vui chơi, khám phá những bộ môn như thể thao, mỹ thuật, âm nhạc hoặc tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên. Điều này cũng giúp trẻ thêm hứng thú với việc tìm hiểu, nghiên cứu khi học, giúp đạt hiệu quả học tập cao nhất. Theo tôi, phụ huynh cần xuất phát từ lợi ích đứa trẻ, đứng ở vị trí đứa trẻ để suy nghĩ và để hiểu con; chứ không phải đứng ở vai trò cha mẹ để áp đặt con trẻ.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

K.A

ThS Trần Trung Hiếu (giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An):

Lịch sử là môn học bị xem thường

Trẻ em cần gì?
ThS Trần Trung Hiếu

Với hơn 20 năm đi dạy và chấm thi THPT môn Sử, tôi không bất ngờ về clip trẻ nhầm lẫn Quang Trung và Nguyễn Huệ. Đó là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục còn quá nhiều bất cập và các môn khoa học xã hội bị xem thường.

Thực ra, những hiểu biết ngây ngô, những sai sót, sai lầm về kiến thức lẫn nhận thức của học sinh về môn Sử và lịch sử không phải bây giờ mới “phát lộ”. Ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 đã xuất hiện hàng ngàn bài thi môn Sử “dính” điểm 0 và cùng với những điểm số tệ hại đó là hàng loạt bài thi lịch sử “cười ra nước mắt”. Điều đau lòng là nhiều thí sinh đã “sáng tạo” ra những kiến thức mới, viết lại những kiến thức, sự kiện, nhân vật lịch sử . Nhiều nhân vật anh hùng giải phóng dân tộc đã được nhân dân ta tạc tượng, thờ cúng và tổ chức nhiều ngày lễ hội gắn với danh nhân đó nhưng đã bị các thí sinh “bóp méo” hoặc xuyên tạc đến mức không thể chấp nhận theo kiểu lấy “râu ông nọ chắp cằm bà kia”.

Nguyên nhân của tình trạng này là bởi Lịch sử đang là môn học bị xem thường nhất trong các môn học phổ thông. Từ chỗ đang là môn thi thường xuyên trong thi tốt nghiệp THCS, THPT, đến nay Sử chỉ là môn thi tự chọn và lẽ đương nhiên, nhiều học sinh không chọn môn Sử. Và với kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua và trong những kỳ thi quốc gia sắp tới, tình trạng đó sẽ càng tệ hại hơn như là một sự “khai tử” vị thế, vai trò của môn Sử trong học tập và thi cử!

Với kiểu “ứng thi” như hiện nay, đương nhiên học sinh sẽ rèn luyện thói quen và “kỹ năng” rất thực dụng, đối phó: học gì, thi nấy, không thi thì không học. Các môn khoa học xã hội sẽ có rất ít thí sinh lựa chọn và dẫn đến một hệ lụy tất yếu là học lệch hoàn toàn.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, nhân tố quan trọng nhất dẫn đến tình trạng học sinh có chán Sử hay yêu thích môn Sử hay không, đó là hình ảnh của người thầy dạy Sử. Người dạy Sử là cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu môn Sử trong trường phổ thông, nói một cách giản đơn là học Sử để làm gì? Và từ đó cần học những gì, sau đó mới phải học như thế nào? Cùng với nội dung và chương trình sgk, vai trò và phương pháp giảng dạy của người thầy hết sức quan trọng. Tuy nhiên, dạy và học môn Lịch sử không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa và bốn bức tường của lớp học mà tùy vào những khả năng và điều kiện cụ thể cần mở rộng với những hình thức tham quan, học tập ngoại khóa ở bảo tàng, nhà lưu niệm, khu di tích… và sự hỗ trợ của các giáo cụ trực quan, của công nghệ tin học. Giáo dục lịch sử trong trường phổ thông còn cần sự kết hợp với cả môi trường giáo dục của gia đình, xã hội và các phương tin thông tin đại chúng.

P.V

Vương Tâm

Năng lượng Mới 441