Tiền mất tật mang vì thuốc nam “rởm”

07:29 | 03/06/2017

1,100 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, nhiều người đã sử dụng thuốc từ các lang y “truyền miệng”. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý của người bệnh để lừa bán các loại thuốc “rởm” nhằm chiếm đoạt tài sản khiến dư luận phẫn nộ.  

Thuốc nam “rởm” quá nhiều

Tháng 4-2017, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nữ bệnh nhân 30 tuổi đến từ huyện Chương Mỹ (Hà Nội) với biểu hiện thiếu máu, hạn chế vận động, thậm chí không thể ngồi dậy, cũng không thể tự nghiêng mình. Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, vào khoảng tháng 7-2016, bệnh nhân này bị đau hai bên đầu gối nên đã tự tìm mua thuốc nam về uống. Nhưng chỉ 2 tháng sau, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện hiện tượng yếu chân tay, xanh xao, thiếu máu, sụt cân. Sau đó là không đi lại, vận động được.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai xác định, bệnh nhân này bị ngộ độc chì nặng do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc trong thời gian dài. Kết quả xét nghiệm mẫu thuốc do gia đình bệnh nhân mang đến cho thấy, hàm lượng chì vượt mức cho phép nhiều lần.

Thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội liên tiếp triệt phá nhiều ổ nhóm có hành vi bán thuốc nam “rởm” cho người bệnh. Cụ thể, ngày 8-5 vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ Lê Thị Hiên (55 tuổi, ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); Đặng Thị Liên (48 tuổi) và Nguyễn Thị Lượt (60 tuổi, đều ở huyện Thường Tín, Hà Nội) vì có hành vi bán “thần dược” giả cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo Công an quận Hoàn Kiếm, các đối tượng này tổ chức thành một nhóm do Lê Thị Hiên cầm đầu. Nhóm này mua 9kg tam thất nam thái lát và mang đến Bệnh viện Phụ sản để tìm “con mồi”. Khi phát hiện chị Trần Thị Đ (ở quận Long Biên, Hà Nội) và một nữ bệnh nhân đang ngồi tâm sự ở ghế đá dưới sân bệnh viện, Hiên đến bắt chuyện và cho biết uống tam thất sẽ chữa được bệnh u nang buồng trứng. Một lúc sau, Liên và Lượt đóng giả bệnh nhân tiếp xúc chị Đ, đồng thời hết lời khen thuốc tam thất tốt. Để chị Đ thật sự tin tưởng, Hiên còn gọi điện cho một đối tượng đóng giả là bác sĩ đến trò chuyện, tư vấn về việc dùng tam thất nam chữa bệnh và khẳng định chỉ ba tháng sau khi dùng “thần dược” sẽ khỏi bệnh. Tin lời các đối tượng, chị Đ đã đặt mua 5kg tam thất với giá 5 triệu đồng, khi Hiên đang nhận tiền và trao thuốc “rởm” cho chị Đ thì bị công an bắt quả tang.

tien mat tat mang vi thuoc nam rom
Tiền mất tật mang vì thuốc nam “rởm”

Trước đó, vào tháng 3-2017, Công an quận Hoàn Kiếm cũng tạm giữ hình sự Hoàng Thị Sáng (42 tuổi, ở xã Đông Cao, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) về hành vi lừa đảo bán thuốc nam “rởm”. Theo điều tra, Sáng đã bàn bạc với các đối tượng Quỳnh, Cúc, Huệ, Hạnh (ở cùng xã Đông Cao, huyện Phổ Yên) mua cây thuốc nam về thái lát rồi giả làm “thần dược”, lừa bán cho người bị bệnh ung thư với giá cao. Ngày 13-3-2017, sau khi thống nhất, Quỳnh, Cúc, Huệ, Hạnh từ Thái Nguyên đến Bệnh viện K Hà Nội để tìm “con mồi”. Còn Sáng mang 0,5kg thân cây đỗ trọng phơi khô đến khu vực vườn hoa gần ngã tư Hai Bà Trưng - Quán Sứ ngồi đợi thông tin từ đồng bọn.

Tại Bệnh viện K Hà Nội, nhóm của Sáng gặp chị Phan Hồng H đi khám bệnh u sơ cổ tử cung nên lân la gạ chuyện. Biết nữ bệnh nhân đang muốn tìm thuốc để chữa trị, Hạnh nói có quen một thầy thuốc có thể chữa được bách bệnh, đặc biệt là bệnh u sơ cổ tử cung và giới thiệu cho chị H.

Khi “cá đã cắn câu”, Hạnh hướng dẫn chị H gặp Sáng. Tại đây, Sáng hướng dẫn chị H cách sắc thuốc, liều lượng uống và bán cho chị H với giá 25 triệu đồng/thang thuốc. Do không mang đủ tiền, chị H đã gọi điện cho con trai mang thêm tiền đến trả. Sau khi nhận 20 triệu đồng từ con trai, chị H mang tiền giao cho Sáng thì Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ.

Tại Cơ quan Công an, Sáng khai nhận chỉ học hết lớp 5 và không có trình độ chuyên môn về y dược. Số “thần dược” mà Sáng dùng để lừa chị H được mua của một người bán hàng rong tại chợ Thanh Xuyên (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) với giá 130 nghìn đồng.

Ngăn chặn dược liệu không rõ nguồn gốc

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Thầy thuốc Nhân dân, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội Nguyễn Hồng Siêm cho rằng, hiện nay người dân đang tin tưởng và có xu hướng chữa trị bệnh bằng y học cổ truyền. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vì thiếu kiến thức nên mua phải những loại thuốc không rõ nguồn gốc, đây là căn nguyên của những ca ngộ độc thuốc liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.

Theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, vấn đề này trở nên đáng lo ngại khi nhiều đối tượng không phải thầy thuốc, không có chuyên môn về y học cũng công khai rao bán, khám chữa bệnh dưới cái mác là thuốc “gia truyền”. Bên cạnh đó, người bệnh với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, thậm chí mới chỉ nghe người này đồn, người kia nói đã vội tin và mua thuốc về sử dụng mà không cần biết đến hậu quả.

“Bất kỳ một loại thuốc nào ngoài chỉ định của bác sĩ và không có nhãn mác rõ ràng đều rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Trong trường hợp người dân chưa trang bị được kiến thức về thuốc nam thì không nên tự ý bốc thuốc cho mình. Đồng thời, người bệnh nên tìm đến những thầy thuốc, cơ sở bán thuốc uy tín để khám và cắt thuốc” - ông Nguyễn Hồng Siêm nói.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm cũng khuyến cáo, người dân không nên tin tưởng hay đặt mua thuốc từ các bài thuốc khoa trương về công dụng của các “thầy thuốc trên facebook”.

“Người dân cần nói không với những cá nhân buôn bán dược liệu không rõ nguồn gốc, dù có là thuốc gia truyền nhưng không được Nhà nước chứng nhận cấp phép thì tuyệt đối không nên mua về sử dụng” - ông Nguyễn Hồng Siêm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nông Quang Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Lạng Sơn cho rằng, người dân trước hết cần thay đổi quan niệm dược liệu là không có độc. Bởi đã là thuốc thì đều có tác dụng phụ, sử dụng không đúng thì việc nguy hại đến sức khỏe là khó tránh khỏi.

Nêu quan điểm về tình trạng những vụ lừa đảo liên quan đến dược liệu không rõ nguồn gốc ngày càng gia tăng, ông Nông Quang Kỳ cho rằng, một nguyên nhân đến từ sự yếu kém của công tác quản lý. Cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý dược liệu. Vẫn còn người bán thuốc không rõ nguồn gốc nghĩa là chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Cần xử lý thật nghiêm những trường hợp mua bán dược liệu không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, ông Nông Quang Kỳ cũng khuyến cáo, người dân cần bỏ thói quen “bốc thuốc truyền miệng”, nghĩa là mua thuốc qua nghe người này, người kia giới thiệu. Người dân chỉ nên mua thuốc ở những địa chỉ được cấp phép, có nguồn gốc rõ ràng và được pháp luật bảo hộ.

Thiên Minh - Quang Thịnh