Thị trường cho nông sản Việt đang rất mở

13:51 | 08/12/2011

272 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Diệp Kỉnh Tần cho biết thị trường cho nông sản Việt đang rất mở, cần xúc tiến thương mại để đẩy nhanh xuất khẩu.

Trong buổi làm việc với các Bộ sáng 7/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải rất quan tâm đến công nghiệp chế biến hàng nông sản của ngành Nông nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng Nông – Lâm – Thủy sản đạt 28% vào năm 2010. Việc phối hợp giữa công nghiệp và nông nghiệp để đẩy mạnh chế biến hàng Nông – Lâm – Thủy sản tăng 15,2%/năm; đẩy tỉ lệ chế biến các mặt hàng nông sản lên khoảng 40 – 50%, mục tiêu 2015 là 70%. Việc hàng nông sản được chế biến sẽ vừa tăng giá trị xuất khẩu vừa tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Gạo vẫn là hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp. (Ảnh: Mạnh Thắng)

Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2011 sẽ đạt 24 tỉ USD và tốc độ xuất khẩu nông sản hứa hẹn sẽ tăng trưởng mỗi năm 13% trong giai đoạn 2011 – 2015.

Trong năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ NN&PTNN đã đạt những kết quả nhất định. Từ ngày 12 đến 27/12 tới đây, Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2011 sẽ nói rõ hơn về việc Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNN liên kết với nhau để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Diệp Kỉnh Tần cũng đề nghị Bộ Công Thương làm tốt khâu nghiên cứu và dự báo thị trường xuất khẩu để có hướng điều chỉnh số lượng, giá cả cho phù hợp. Ông Tần nêu ví dụ từ hạt gạo, trong khi các nước Ấn Độ, Pakistan chào hàng với giá thấp, các nước chuyển hướng sang mua gạo từ các nước này thì gạo Thái Lan, Việt Nam vẫn ở mức cao, giá từ 550 – 570 USD/tấn, cao giá hơn gạo các nước Nam Á khoảng 100 USD/tấn.

11 tháng, Việt Nam đã xuất được 6,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,5 tỉ USD. Xuất khẩu gạo năm nay tăng 7,1% về lượng và 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái (tổng lượng xuất khẩu gạo 2010 là 6,5 triệu tấn). Tuy nhiên, theo báo cáo mới của Vinafood 2, gối đầu hợp đồng xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2011, đầu năm 2012 là rất ít. Những năm trước, đến thời điểm cuối năm là có hợp đồng 500 – 600 nghìn tấn. Trong kho của các tổng công ty xuất khẩu gạo vẫn tồn 1 triệu tấn. Trong khi vụ mùa và vụ đông xuân chuẩn bị thu hoạch sẽ cho sản lượng khoảng 10 triệu tấn.

Thủy sản cũng đã tăng về sản lượng và giá trị xuất khẩu nhưng thị trường vẫn còn bó hẹp. Thị trường châu Âu, Mỹ đã quá quen thuộc với thủy sản Việt Nam nhưng vướng phải hàng rào kỹ thuật rất khắt khe từ khu vực này. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần không vui khi cho biết có những lô hàng xuất khẩu thủy sản phải trả ngược lại do vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đề nghị Bộ Công Thương xúc tiến thương mại cho thủy sản ở thị trường Ucraina. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ukraina hồi tháng 10, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Thương mại Ukraina và phía bạn rất ủng hộ Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản. Phía bạn đưa ra yêu cầu là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời cơ và thách thức luôn đi kèm với nhau, nhiều thời điểm, khó khăn của nước bạn lại là cơ hội cho nông sản Việt Nam. Nhật Bản trải qua thảm họa kép động đất và sóng thần gây thiệt hại lớn về người và của hồi tháng 3 cũng mong muốn chuyển hướng mua hàng nông sản từ Việt Nam. Nhật không muốn quá phụ thuộc vào hàng nông sản từ Trung Quốc. Trong nhiều cuộc xúc tiến thương mại Việt – Nhật, phía bạn đưa ra đề nghị Việt Nam trồng, nuôi một số loại nông sản để xuất khẩu sang Nhật. Nguyên nhân được đưa ra là hàng nông sản của nước này tiêu thụ chậm do thiên tai và ảnh hưởng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Đức Chính