Tạo “sân chơi” nâng giá trị nông sản

07:23 | 22/01/2024

82 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù giá một số nông sản đã đạt đỉnh cao trong nhiều năm qua, nhưng nhiều nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn “lao đao”. Vì sao có thực trạng này?

Câu trả lời một phần nằm ở “sân chơi” giao dịch hàng hóa, một sân đầu tư tài chính nhưng kết nối trực tiếp tới thị trường sản xuất.

Cần phát triển Sàn Giao dịch nông sản, chuẩn hóa sản xuất nông sản, hệ thống tổng kho – giao nhận logistics để hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản
Cần phát triển Sàn Giao dịch nông sản, chuẩn hóa sản xuất nông sản, hệ thống tổng kho - giao nhận logistics để hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản.

Xu hướng giao dịch hàng hóa trên thế giới

Trên thế giới, chợ gạo Dojima Rice Market ở Osaka chính là chợ giao dịch hàng hóa giao sau đầu tiên trên thế giới. Hay như Sở giao dịch Chicago (Chicago Board of Trade - CBOT) ra đời năm 1848 đánh dấu cột mốc Sở giao dịch hàng hóa (Sở GDHH) đầu tiên được vận hành. Hiện nay, thế giới có trên 100 Sở GDHH; trong đó khu vực châu Á có 46 Sở, đa số được thành lập sau 1990.

Các Sở GDHH lớn (ICE, LIFFE, Chicago...) mở rộng trên toàn thế giới với hàng hóa giao dịch đa dạng: nông sản, năng lượng, kim loại... Cùng với sự phát triển thương mại trên thế giới, giao dịch qua các Sở GDHH luôn sôi động và tăng trưởng cao, có giai đoạn vượt qua thị trường chứng khoán (TTCK). Hiện nay, giao dịch hàng hóa chiếm gần 30% tổng khối lượng giao dịch phái sinh trên thế giới (châu Á 60%).

Sàn CME, sau 2 năm Covid-19 suy giảm thì năm 2022 đã tăng trưởng mạnh với hơn 1 tỷ đồng được giao dịch, đạt kỷ lục mới. Thị trường phái sinh hàng hóa đang tiếp tục có xu hướng lấn át các kênh đầu tư khác.

Đầu tư tài chính và kết nối nông sản Việt Nam đã hiệu quả?

Nếu Sở GDHH được vận hành và phát triển mạnh mẽ, sẽ mang đến lợi ích cho nông nghiệp, nông dân Việt Nam, như: Tạo giá cạnh tranh, công bằng cho nông sản Việt Nam; Thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và thị trường; Hạn chế “được mùa mất giá”; Chống hiện tượng ép giá của thương lái; Giúp nông dân tiếp cận trực tiếp với thị trường; Bảo hiểm giá cho sản xuất, kinh doanh; Hòa nhập thị trường nông sản thế giới...

Có thể nói Sở GDHH là sự kết nối hiệu quả giữa Đầu tư tài chính - Sản xuất nông sản - Thương mại. Thế giới đang sử dụng công cụ này hiệu quả. Trong năm qua, nhu cầu thanh khoản ngắn hạn tiếp tục tăng cao, thúc đẩy sự gia tăng đáng kể trong giao dịch.

Việt Nam cũng đã có những nỗ lực phát triển giao dịch hàng hóa nông sản theo xu thế hiện đại, nhưng chưa thành công. Có thể thấy điều này qua các sàn giao ngay như Cangio ATC, sàn giao dịch hạt điều mở một thời gian đã đóng; bên cạnh đó là sàn giao dịch hàng hóa cũng ngưng hoạt động sau khi mở không lâu.

Về Sở GDHH Việt Nam (MXV), đây là một điểm sáng hiện nay, đang có những bước phát triển tích cực và là tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện MXV vẫn chưa thực sự là Sở GDHH hoàn chỉnh như các nước khu vực; do vậy chưa phát huy thế mạnh của Sở trong việc phát triển nông nghiệp và tạo lợi ích cho nông dân - công ty sản xuất nông nghiệp.

Cần có sàn giao dịch hàng hóa phát triển

Qua bức tranh như vậy, rõ ràng, rất cần thiết phát triển sàn GDHH để phát triển nông nghiệp. Bởi thực tế cũng cho thấy khi giá trị sản xuất nông sản và thực phẩm gia tăng mạnh, cần phát triển Sở GDHH để tạo sân chơi nâng giá trị và lợi ích chính đáng cho các bên. Chúng ta có thể suy nghĩ về việc giá gạo biến động mạnh năm 2023, nhưng nông dân và doanh nghiệp có lời như kỳ vọng? Hay giá cà phê tăng rất mạnh năm qua, liệu có lợi cho nông dân và bất lợi cho công ty sản xuất và xuất khẩu, và vì sao?...

Việt Nam hiện có Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) là một điểm sáng, nhưng chưa thực sự hoàn chỉnh như ở các nước trong khu vực
Việt Nam hiện có Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) là một điểm sáng, nhưng chưa thực sự hoàn chỉnh như ở các nước trong khu vực.

Trong xu thế giá hàng hóa luôn tăng/giảm mạnh như năm qua, Việt Nam lại có lợi thế về sản xuất cà phê, tiêu, gạo..., có sản lượng xuất khẩu lớn trên thế giới; nhưng nông dân, công ty chế biến luôn bất lợi về giá do thiếu sàn GDHH.

Lấy ví dụ cụ thể, với quy mô thị trường cà phê toàn cầu được định giá 83,6 tỷ USD vào năm 2023 và 112,9 tỷ USD vào năm 2030, trong khi Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê, nhưng giá lại rất thấp, luôn xếp cuối bảng các nước xuất khẩu do giá cà phê Robusta do Sàn Liffe London quyết định.

Theo đó, Việt Nam cần thực sự phát triển Sàn Giao dịch nông sản, chuẩn hóa sản xuất nông sản, hệ thống tổng kho - giao nhận logistics để hoàn chỉnh. Sàn giao dịch nông sản phải đặt tại Trung tâm tài chính quốc gia (Hà Nội, TP HCM) để thu hút nhà đầu tư tài chính trong nước và quốc tế như TTCK.

Năm 2023, đầu tư nông sản có mức sinh lời biến động mạnh, thu hút các tổ chức và nhà đầu tư. Nguồn vốn này sẽ giúp ổn định giá nông sản. Các nhà sản xuất, kinh doanh có thể sử dụng để bảo hiểm rủi ro.

Cùng với đó, cần có sản phẩm giao dịch nông sản Việt Nam để tạo các lợi ích thật sự về giao dịch hàng hóa nông sản cho nông dân, nhà sản xuất, nhà kinh doanh Việt Nam. Nông sản Việt Nam nên triển khai đầu tiên, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của giao dịch hàng hóa, đó là cà phê Robusta.

Bên cạnh đó, cần có Trung tâm giao nhận hàng hóa (tổng kho, kho ngoại quan và hệ thống giao nhận tập trung), trực thuộc Sở, hoặc đối tác để đáp ứng giao nhận nông sản tiêu chuẩn cho khách hàng.

Ngoài ra, cần phát triển đào tạo nhân lực, hệ thông tin báo chí và các nhà tư vấn và giao dịch hàng hóa nông sản đa dạng, độc lập. Đây cũng là kênh góp phần tư vấn nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong dự đoán giá cả, sản lượng, thị trường để bảo hiểm rủi ro.

Cuối cùng, với những lợi thế đang có, chỉ cần có cơ chế khuyến khích và sự đầu tư đúng, Việt Nam có thể triển khai giao dịch nông sản để Sở GDHH phát huy lợi ích cho nền kinh tế, nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Xuất khẩu nông sản: Cần xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi roXuất khẩu nông sản: Cần xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi ro
Để nông sản Việt không phải “thay tên đổi họ” khi xuất khẩu vào EUĐể nông sản Việt không phải “thay tên đổi họ” khi xuất khẩu vào EU
Giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt NamGiải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Gia tăng giá trị nông sản xuất khẩuGia tăng giá trị nông sản xuất khẩu