Săn hàng ở chợ đồ cũ Hà Thành

10:33 | 01/07/2017

16,455 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có chợ bán chả thiếu thứ gì trên đời, từ tivi, loa đài, tủ lạnh, quạt, bàn ghế, tủ quần áo đến xoong nồi, ấm chén… Lại có chỗ mở ra cốt chỉ phục vụ riêng những tín đồ chuyên sưu tầm đồ secondhand. Nơi lại là điểm tụ tập của những con người đam mê đồ cổ để qua đó tìm về những hoài niệm...   

Đi “siêu thị” đồ cũ

Tôi cùng người bạn đi mua đồ dùng, bàn ghế cho cửa hàng lẩu mà hắn ta chuẩn bị khai trương, xe chúng tôi táp vào một cửa hàng đồ cũ trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông chủ cửa hàng đang cầm điếu cày rít thuốc lào vội gác điếu bước ra chào: “Chú mở văn phòng, quán ăn hay cà phê, bọn tôi “sét-úp” cho, ở đây không thiếu thứ gì”.

Như được lập trình sẵn, vừa nghe chúng tôi có ý định mở quán lẩu người đàn ông bán hàng vội cắt lời, nói ngay: “Chuyện nhỏ, ở đây anh có bàn ghế từ đồ nhựa đến đồ mây, tre, lá, chú em thích đồ gỗ công nghiệp nhà anh cũng có nốt. Muốn loại nào cứ nói, anh lấy chú coi, mà anh nghĩ chú lấy lại toàn bộ đồ của cái quán lẩu ở Lò Đúc anh vừa mua thanh lý, mới tinh tươm, sang trọng, anh bao rẻ và vận chuyển tận nơi cho”…

Ông bạn tôi xem xét một lúc rồi lấy cớ đi khảo sát giá xem thế nào và ghé vào một cửa hàng khác cách đó không xa. Vào tới cửa hàng, chưa kịp nói gì chị chủ hàng đã đon đả: “Chị vừa mua hàng thanh lý của mấy công ty giải thể, đồ còn mới cứng, mấy em vào nhà xem, được bộ nào lấy bộ đó, nếu thiếu chị đi gom thêm cho. Cần máy in hay máy photo chị cũng có nguồn hàng rẻ…”.

Quả thật, đúng như lời quảng cáo của chị chủ, cửa hàng của chị gần như sở hữu tất cả các vật dụng, thiết bị cũ đủ để mở văn phòng hay quán ăn, quán cà phê, karaoke… từ sang trọng đến vỉa hè với giá rẻ hơn hàng mới 50-70%.

san hang o cho do cu ha thanh
Gian hàng bán đồ quân dụng ở chợ...

Mặc ông bạn mê mải tìm đồ, trả giá, tôi lân la hỏi chuyện bà chủ quán trà đá trước cửa hàng thì được biết, khoảng gần 15 năm trước, khi kinh tế ngày một khá lên, nhiều hộ gia đình thải đồ cũ còn dùng được để tìm những mốt mới tương xứng với đẳng cấp của mình. Bên cạnh đó, làn sóng nhập cư từ các tỉnh lẻ đổ dồn về thành phố, họ cần có những vật dụng gia đình để căn phòng trọ thêm tươm tất.

Nắm bắt được nhu cầu đó, một số người rủ nhau đi săn đồ cũ rồi “mông má” thành đồ mới bán rẻ cho dân lao động. Theo bà bán trà đá, đa số dân ở đây đều có nghề cơ khí, điện lạnh, nên ban đầu họ đi săn những đồ như tủ lạnh, quạt… về tân trang lại rồi đem bán cho người ít tiền.

Thấy nghề sống được, trong gia đình người đi trước chỉ người đi sau cùng nhau làm ăn, nên nhiều cửa hàng mới mọc lên quanh khu vực này. Những năm gần đây, dân săn đồ cũ chuyển sang khai thác nguồn hàng mới. Họ tìm đến các công ty, quán xá giải thể để mua hàng thanh lý rồi bán lại cho những người cần mở tiệm, mở văn phòng. Để có được nguồn hàng tốt, dân kinh doanh đồ cũ có một hệ thống chân rết, chủ yếu là những người bán đồng nát, họ đi khắp nơi của thành phố để tìm những nơi cần thanh lý đồ cũ, sau đó báo lại cho chủ cửa hàng để hưởng hoa hồng trên từng mối hàng kiếm được.

“Có lẽ việc làm ăn thời buổi này khá khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp nhỏ, quán xá phá sản gọi mình. Dù chỉ là người trung gian đi mua của người chán bán cho người cần nhưng gặp cảnh này vẫn thấy buồn, nhất là lúc nhìn ánh mắt của chủ cũ khi mình giúp họ dọn nhà trả mặt bằng” - chị chủ cửa hàng cho hay.

Độc đáo “chợ dọn tủ”

Thời đại công nghệ thông tin khiến cho việc kết nối mọi người dễ dàng hơn bao giờ hết. Thế nên cũng xuất hiện những cách kinh doanh mới đáp ứng nhu cầu của mọi người. Việc kinh doanh đồ cũ (secondhand) cũng vậy, ngoài những cửa hàng kinh doanh kiểu truyền thống, thì cũng có những cách thức kinh doanh kiểu mới.

Qua cô em gái tôi tên Vân - một tín đồ shopping - tôi được biết, độ mấy năm gần đây tại Hà Nội có trào lưu Closet - Clearance (chợ dọn tủ), học tập theo mô hình từ Nhật Bản. Host (người tổ chức “chợ dọn tủ”) của các buổi closet-clearance ở Việt Nam thường là những tên tuổi khá nổi trên mạng với gu ăn mặc độc đáo, những người có ảnh hưởng thời trang đáng kể đủ để lôi kéo đông đảo các bạn trẻ đến với “chợ dọn tủ” của mình. Theo lời Vân kể, ban đầu chẳng biết closet-clearance là gì, được vài người bạn rủ đi cùng cho vui. “Lúc đến nơi thì nghiện luôn, vì mua được nhiều món hàng chất và rẻ vô cùng”.

Quy trình đăng ký bán hàng ở các buổi closet - clearance khá đơn giản, những tín đồ shopping muốn dọn tủ chỉ cần gửi tin nhắn để đăng ký với host, nhưng phải nhanh tay trước khi hết chỗ. Host sẽ phải ghép nhóm cho những người có ít đồ, sắp xếp chỗ và chuẩn bị bàn ghế cho các nhóm trước ngày diễn ra “chợ dọn tủ”. Còn tất cả những khâu còn lại, từ việc định giá sản phẩm, chuẩn bị mắc treo đồ, trang trí, chỗ ngồi đều là do người bán quyết định, miễn sao bán được hàng và cả người bán lẫn người mua đều thấy vui vẻ.

Ngoài ra, trong trường hợp host là các chủ shop quần áo, mô hình closet-clearance thường được biến thể thành garage-sale. Cũng giống như closet-cleanrance, garage-sale là một mô hình “học lỏm” từ nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam, nó được hiểu là một buổi thanh lý đồ cũ do host đứng ra tổ chức và thường rủ thêm nhóm bạn thân bán cùng cho xôm tụ. Ở garage-sale, những người tham gia bán hàng sẽ không chỉ chăm chăm “dọn tủ” mà còn tranh thủ bán xen kẽ thêm vài món đồ mới với giá sale 30-50%. Tuy nhiên, với hình thức biến thể này, trừ khi quen thân với chủ shop, còn không sẽ khá khó để các tín đồ shopping có thể chen chân làm người bán hàng.

Chợ phiên đồ xưa đất Hà thành

Kiến thức của tôi về đồ cổ chỉ là con số 0 tròn trĩnh, nên nếu có ra chợ xem đồ thì cũng như “thầy bói xem voi” ù ù cạc cạc chẳng hiểu gì. Thế nên sau khi hẹn được chú Mạnh - dân chơi đồ cổ có tiếng ở khu vực Văn Chương (quận Đống Đa) đi cùng, hai chú cháu bắt đầu hành trình một vòng quanh Hà Nội để đến với các “chợ phiên đồ xưa”.

san hang o cho do cu ha thanh
Những chiếc cặp lồng cũ được bày bán tại chợ Vạn Phúc

Trong ngõ 456 Hoàng Hoa Thám vào sáng thứ Bảy, nhộn nhịp người qua lại. Trước đây, chợ chính là Lư trà quán nổi tiếng khắp Hà thành - nơi các thành viên Câu lạc bộ Thư pháp Hà Nội lui tới giao lưu, trò chuyện vào cuối tuần... Với diện tích chừng 400m2 cùng khoảng hơn 30 sạp hàng, đến đây người chơi sẽ được sống lại không khí của những năm tháng xưa qua các vật dụng đã quá đỗi quen thuộc trong thời kỳ bao cấp như: đèn dầu, đồng hồ lên dây cót, mâm đồng, chậu đồng, nồi Liên Xô... Được biết, phiên chợ đồ xưa này được sáng lập bởi anh Kiều Quốc Khánh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm bút tại Hà Nội) cách nay khoảng 3 năm, từ đó nơi đây trở thành điểm quy tụ những người đam mê đồ cổ.

Lượn lờ khắp khu chợ, tôi để ý thấy một điều, chợ này không hề ồn ào như các chợ bình thường, bởi những người đến đây hầu hết dồn tâm trí vào những câu chuyện cùng những ký ức gắn liền với các loại đồ vật được bày bán. Thấy tôi nhìn dáo dác xung quanh với vẻ mặt ngáo ngơ, chú Mạnh liền lên tiếng giải thích: “Thường ông nào chơi kiểu nghiệp dư chỉ tìm vài thứ mình thích, như tiền cổ hay đồng hồ cũ, hoặc chiếc túi da Liên Xô thời thập niên 60 của thế kỷ trước”.

Qua những gì được nghe từ chú Mạnh, tôi biết thêm một điều, không chỉ có khách hàng quanh khu vực Hà Nội mà nhiều người mê đồ cổ ở tận Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình... cũng tìm đến phiên chợ đồ xưa này với mong muốn kiếm được món hàng ưa thích và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sưu tầm. Ngoài ra, chợ phiên đồ xưa ở Hà Nội còn mang hàng đi giao lưu cùng những người đam mê đồ cổ, đồ cũ ở Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh...

“Dạo trước có một ông giám đốc ở trong Sài Gòn có sở thích sưu tập tem in hình cây đèn biển. Trong 15 năm sưu tầm tem ông vẫn thiếu chiếc tem đèn biển ở đảo Long Châu, Hải Phòng. Tìm mãi không được, sau đó có người mách lên chợ đồ xưa ở Hoàng Hoa Thám, thế là mỗi khi có dịp ra Hà Nội ông lại đến phiên chợ vào thứ Bảy hằng tuần. Nếu không tìm được con tem mình cần là thể nào ông cũng mua một thứ gì đó để làm kỷ niệm cho một chuyến đi” - chú Mạnh kể với tôi.

Bên cạnh việc trao đổi, buôn bán, mỗi phiên chợ đều có những buổi đấu giá làm từ thiện. Sản phẩm đấu giá là những món đồ xưa được các chủ quầy hàng trao tặng, trong đó có nhiều kỷ vật chiến tranh. Toàn bộ số tiền thu về đều được dành giúp trẻ em tật nguyền, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Dù chỉ diễn ra một tuần một phiên vào sáng thứ Bảy, nhưng chợ phiên đồ xưa ở ngõ 456 Hoàng Hoa Thám thực sự trở thành nơi giao lưu của nhiều thế hệ những người yêu thích hoài niệm, là không gian văn hóa mà người ta tìm đến để nhớ lại ký ức của mình.

Chợ họp 6 phiên trong 1 tháng

Tôi với chú Mạnh đến chợ đồ cổ Vạn Phúc tại quận Hà Đông, Hà Nội vào ngày 10 tháng 5 (âm lịch). Hằng tháng cứ vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 theo lịch âm là khu chợ này lại tổ chức họp. Chợ là một khu vực tập hợp nhiều hàng bán đồ trên các dãy phố liền nhau thuộc khu phân lô của đô thị Vạn Phúc. Tên chính thức của nơi này là “Trung tâm Giao lưu sinh vật cảnh, đồ cổ, đồ xưa Vạn Phúc”, qua tìm hiểu được biết chợ phiên này họp theo lịch của các phiên chợ Hà Đông từ xa xưa. Hàng nhiều chủng loại hơn các phiên chợ khác: cây cổ, đồ cũ, đồ mới, đồ xưa, đồ cổ, đồ điện tử… Không thiếu thứ gì. Nhất là hàng đồng, hàng sứ gốm cổ và đặc biệt là các kiểu dáng điện thoại cũ bày la liệt. Người rao hàng, người trả giá, người tranh mua hết sức ồn ào. Khu chợ này không có được cái không gian trầm mặc, hoài cổ như khu chợ ở ngõ 456 Hoàng Hoa Thám.

Tôi để ý thì thấy, tại chợ này việc mặc cả giữa người mua - kẻ bán cũng có vẻ “xanh chín”. Ví dụ, cũng một chiếc đèn cũ dáng khá độc có chao đèn thủy tinh với công tắc điều chỉnh được phát giá 50 nghìn. Có người mua mặc cả bớt 10 nghìn thì bán, người mua khác mặc cả bớt 20 nghìn cũng bán.

Thấy tôi có vẻ để ý những cuộc ngã giá, chú Mạnh liền kể: “Chú có một chiến hữu tên Trịnh, cũng ở Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) rất say mê sưu tầm ấm trà cổ. Có hôm đi cùng chú ra chợ này, ông ấy thích một chiếc ấm trà nhỏ bằng ngón tay cái, có hình dạng mẫu ấm “Tây Thi” quai ngược. Khi đó ông chủ hét giá 1 triệu 200 nghìn đồng. Thực ra cái ấm đấy chỉ được cái lạ và làm bằng đất Tử Sa (Trung Quốc). Mà có đúng là nó được làm bằng đất Tử Sa hay không thì cũng chịu. Vì thích quá nên Trịnh quyết mua nhưng chưa biết trả giá thế nào. Lượn hai vòng quay lại trả 900 nghìn đồng ông chủ gật đầu cái rụp kêu bán rẻ lấy may. Nhưng cháu biết không, mấy hôm sau tình cờ đến cửa hiệu Huy trà ở Hàng Bông, thấy cũng vẫn cái ấm đấy, mẫu mã đấy họ bán 150 nghìn đồng, mà còn có thể mặc cả”. Thế mới thấy, đi mấy chợ đồ cũ kiểu này phải đi cùng những người sành sỏi, phải có con mắt tinh tường nhìn hàng, nếu không sẽ mất “tiền ngu” như chơi.

san hang o cho do cu ha thanh
Những chiếc đèn dầu bán tại chợ Vạn Phúc
Nói đến chuyện mua bán đồ cũ thì không thể không nói đến những nơi tụ tập của các tay chơi đồ cổ đất Hà Thành. Hiện nay ở Hà Nội có mấy chợ chuyên bày bán những cổ vật được sưu tầm như: chợ Hoàng Hoa Thám (mỗi tuần họp một lần); chợ Vạn Phúc (họp vào các ngày mùng 1, 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch); chợ đồ cũ Thưởng Thưởng ở chợ đầu mối Bắc Thăng Long… Ngoài ra, còn rất nhiều những chợ cóc chuyên đồ cũ xuất hiện nhan nhản trên các vỉa hè ở khắp Hà Nội. Đơn cử như ở hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai) lúc nào cũng có khoảng gần 20 gian hàng bán đồ cũ họp từ 17-19 giờ. Nói là gian hàng nhưng thực ra người bán đến đây chỉ trải tấm bạt một vài mét vuông để bày hàng. Mặc dù là “chợ” tự phát nhưng ở đây lúc nào cũng đông kín người xem, mua đồ cũ.

Những chợ đêm giá rẻ ở Hà Nội

Chợ đêm phố cổ

san hang o cho do cu ha thanh

Chợ được tổ chức từ 18-23h mỗi cuối tuần. Chợ đêm phố cổ là nơi mua bán sầm uất với sự tham gia của gần 4.000 gian hàng. Các mặt hàng ở đây rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng tới các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm… với giá cả bình dân.

Chợ Nhà Xanh - Cầu Giấy

Tại chợ Nhà Xanh, các mặt hàng rất đa dạng, giá thành rất hợp túi tiền. Có vị trí gần các trường đại học như ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐH Quốc Gia Hà Nội... cho nên đây là thiên đường mua sắm của các bạn sinh viên.

Chợ đêm Dịch Vọng - Cầu Giấy

Hay còn gọi là chợ đêm sinh viên, chợ họp vào tất cả các buổi tối trong tuần. Mặt hàng bày bán nhiều nhất tại đây là quần áo, giày dép và túi xách… và tất cả đều có giá phải chăng, hợp với túi tiền sinh viên.

Chợ Phùng Khoang - Thanh Xuân

Chợ Phùng Khoang được coi là địa chỉ mua sắm lý tưởng bởi giá của các mặt hàng ở chợ rất rẻ. Chỉ với khoảng 50.000 - 60.000 đồng khách hàng đã có thể mua được một chiếc áo vừa ý.

Tú Cẩm