Nỗi ám ảnh mang tên... Putin?

14:15 | 31/07/2016

2,535 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump đang được ủng hộ hơn ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Lạ một nỗi là sự chia rẽ của phe Dân chủ sau vụ rò rỉ email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và sự lao dốc của bà Clinton trước đối thủ Donald Trump, bỗng dưng lại “được” một số phương tiện truyền thông nước ngoài đồn đoán, đổ lỗi cho cho một người ngoài cuộc, Tổng thống Nga Vladimir Putin. Phải chăng ông Putin đã trở thành nỗi ám ảnh với nền chính trị Mỹ - một quốc gia luôn tự cho mình là số 1 thế giới và không ai có thể can thiệp vào công việc nội bộ của họ?

Mối quan hệ đặc biệt giữa Donald Trump và ông Putin

Truyền thông phương Tây đang đồn rằng, tin tặc Nga đã đánh cắp email của DNC rồi cho lên Internet là nhằm giúp ông Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tờ The Guardian (Anh) còn khẳng định “chắc như đinh đóng cột” rằng: Ông Putin có đứng sau vụ rò rỉ email của DNC hay không thì chưa biết, nhưng lãnh đạo Nga - đối thủ địa chính trị sừng sỏ của Mỹ, chắc chắn ủng hộ tỉ phú bất động sản Trump kế nhiệm Tổng thống Obama. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng ứng cử viên Tổng thống Donald Trump có thể nhận được một số sự ủng hộ từ Moskva”.

noi am anh mang ten putin
Phương Tây lo sợ ông Putin sẽ “nắm thóp” nước Mỹ nếu Donald Trump trúng cử Tổng thống

Tờ báo bắt đầu điểm qua những lời ca ngợi qua lại công khai giữa ông Putin và ông Trump. Hồi tháng 12 năm ngoái, khi Trump còn chưa đảm bảo có được sự đề cử của đảng Cộng hòa, trong một cuộc họp với truyền thông quốc tế, ông Putin đã bất ngờ khen Trump là “một người rất hào hoa, rất tài năng, không nghi ngờ gì về điều đó. Đánh giá năng lực của ông ấy không phải là việc của chúng tôi mà là của cử tri Mỹ, nhưng ông ấy là người lãnh đạo tuyệt đối của cuộc tranh cử tổng thống, như chúng ta đã thấy hôm nay”.

Đáp lại, ông Trump nói được “một con người rất được nể trọng ở bên trong và bên ngoài đất nước của ông ấy” như Putin ca ngợi luôn là một “vinh dự lớn” với cá nhân mình. Tỷ phú Mỹ còn “láy” lại sự nể trọng của ông dành cho nguyên thủ Nga một lần nữa vào tháng 3-2016 khi tán dương ông Putin là “một nhà lãnh đạo mạnh mẽ”, “mạnh hơn nhiều so với Barack Obama” và không giấu hy vọng sẽ có “một mối quan hệ rất tốt” với lãnh đạo Điện Kremlin.

Mối quan hệ đặc biệt giữa ông Trump và Tổng thống Putin, cũng như tất tật sự liên hệ của ứng cử viên Tổng thống Mỹ với nước Nga cũng được lật lại, xoáy sâu.

Tờ The Guardian cho hay, Trump cùng gia đình từ những năm 1980 đến nay đã nhiều lần tới Moskva để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Các khoản tiền kếch xù từ những nhà đầu tư Nga đã giúp đế chế Trump thu mua hàng loạt bất động sản trên toàn thế giới. Donald Jr., con trai ông Trump từng nói tại một hội nghị về nhà đất năm 2008: "Người Nga đóng góp tương đối vào khối tài sản của chúng tôi".

Các trợ lý hàng đầu của ông Trump cũng có mối liên hệ với nước Nga. Quản lý chiến dịch tranh cử Paul Manafort trước đây từng làm cố vấn cho Viktor Yanukovych, cựu Tổng thống Ukraina - bị lật đổ 2 năm trước, hiện đang sống lưu vong ở Nga. Bản thân Manafort từng có nhiều thỏa thuận kinh doanh trị giá hàng triệu USD với các nhà tài phiệt thân Nga. Carter Page - trợ lý phụ trách chính sách đối ngoại cho Trump, từng điều hành văn phòng của Ngân hàng Merrill Lynch chi nhánh Moskva, đồng thời đảm nhận cả vai trò cố vấn tài chính cho “người khổng lồ” năng lượng Gazprom của Nga. Michael Flynn, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, cố vấn cho ông Trump, hồi năm ngoái khiến cộng đồng ngoại giao quốc tế ngạc nhiên khi ngồi cạnh Tổng thống Putin tại một buổi tiệc ở Moskva nhằm vinh danh kênh truyền hình RT. Flynn cho biết ông đã chia sẻ suy nghĩ của mình với Tổng thống Nga về việc Washington và Moskva nên hợp tác chặt chẽ hơn.

Tiếp đến, The Guardian dẫn các phản ứng từ Điện Kremlin cũng như truyền thông Nga, cho thấy “Nga chọn Trump” vì chính sách của ông này không chống lại Nga. Một bằng chứng là tuần trước, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov đã so sánh quan điểm của ông Trump với bà Clinton như sau: "Cương lĩnh của bà Clinton là tăng cường liên minh chống Nga. Cương lĩnh của Trump là chỉ đáp trả những đe dọa thực sự”. “Sự tầm thường hung hăng chống lại sự khôn ngoan”, nghị sĩ này nhận định, ngầm ý ủng hộ Trump.

Tờ báo cũng diễn giải rằng Moskva từ lâu có khuynh hướng ủng hộ các lãnh đạo chính trị “cánh hẩu” ở châu Âu, từ Marine Le Pen ở Pháp cho đến Silvio Berlusconi của Italia và Trump rất hợp với “khẩu vị” của Moskva.

“Trăm dâu đổ đầu… ông Putin”

Không phải chỉ có The Guardian, mà nói chung truyền thông phương Tây đều đang tràn ngập những thuyết âm mưu nói về sự can dự của ông Putin vào bầu cử ở Mỹ.

Trang Defence One thì quy kết ông Putin sử dụng Wikileaks để tác động vào bầu cử Mỹ. Trang này cho rằng tình báo Nga đứng đằng sau các vụ rò rỉ gần đây, khiến nhiều nhân vật chống Nga “ngã ngựa”. Defence One còn nói “có bằng chứng” về việc gián điệp Nga tổ chức vụ rò rỉ 20.000 email của DNC nhằm phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Cùng chung nhận định, Tạp chí Foreign Policy đặt câu hỏi: Có phải các tin tặc, với sự hỗ trợ của Điện Kremlin, đã ra tay “sát hại” các chính trị gia “khó ưa” ở Mỹ? Robby Mook - quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton cũng bóng gió rằng “Nga đang giúp đỡ... Trump thông qua việc chơi xỏ Clinton”.

Thú vị hơn nữa là đến chuyện tưởng như sắp “nguội” như Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) hay mới hơn, “nóng” hơn như các vụ tấn công khủng bố ở Pháp - Bỉ - Đức và đặc biệt là đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ (khiến mâu thuẫn Mỹ - Thổ bùng phát và kéo Thổ Nhĩ Kỳ lại gần Nga) cũng bị truyền thông phương Tây cho là có bàn tay bí ẩn của ông Putin. Chẳng có bằng chứng nào được đưa ra, họ suy đoán vậy đơn giản là vì họ nhận thấy những diễn biến gần đây ở các nước… chống Nga cho thấy mọi thứ đang rất… thuận lợi cho Nga.

Phải chăng ông Putin lợi hại như vậy hay là truyền thông phương Tây đang “thổi phồng”, thêu dệt để ngăn cản Donald Trump - người bị hầu hết các lãnh đạo phương Tây cho là “mối họa toàn cầu”? Hiện ủy ban tranh cử của Trump đã phủ nhận mọi cáo buộc về mối liên hệ ngầm với Putin. Riêng với cá nhân Trump, dù từng có những phát biểu như “sẽ hợp tác với Nga thay vì chống Nga một cách vô ích”, nhưng đó là chính sách đối ngoại chung của Trump trên toàn thế giới chứ không riêng gì với Nga. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi được báo giới hỏi liệu Nga có liên quan tới vụ rò rỉ email của đảng Dân chủ Mỹ hôm 26-7, cũng tỏ ý bất bình và mỉa mai: “Tôi không muốn phải dùng tới những từ ngữ thô tục”.

Tất nhiên, sẽ chỉ có... Trời mới biết được cựu Đại tá tình báo KGB Putin có thực sự có tác động vào nền chính trị nội bộ Mỹ hay không, nhưng chắc cái tên Putin sẽ còn “ám ảnh” phương Tây và các lãnh đạo Mỹ dài dài.

Thú vị hơn nữa là đến chuyện tưởng như sắp “nguội” như Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) hay mới hơn, “nóng” hơn như các vụ tấn công khủng bố ở Pháp - Bỉ - Đức và đặc biệt là đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ (khiến mâu thuẫn Mỹ - Thổ bùng phát và kéo Thổ Nhĩ Kỳ lại gần Nga) cũng bị truyền thông phương Tây cho là có bàn tay bí ẩn của ông Putin.

Linh Phương

Năng lượng Mới 544