"Heo vàng" khiến ngành giáo dục "đau đầu" trong năm học mới

06:29 | 16/04/2013

906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, số lượng học sinh tuyển vào các lớp đầu cấp năm học 2013-2014 đều tăng.

Năm 2007 được xem là tuổi đẹp (heo vàng) khiến số lượng trẻ ra đời tăng đột biến. Vì vậy năm 2013, số trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 của TP Hà Nội tăng lên 11.000 so với năm trước (125.000 trẻ). Vì vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đó là một áp lực đòi hỏi ngành giáo dục thành phố phải lên phương án cụ thể.

"Heo vàng" gây áp lực cho ngành giáo dục năm 2013.

Hà Nội cũng quán triệt các quận, huyện có dân số tăng cơ học phải đảm bảo chủ trương "3 tăng, 3 giảm": tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn. Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị chậm nhất đến ngày 20/7 phải hoàn thành công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, số chỗ ngồi dành cho học sinh lớp 1 không thiếu, tuy nhiên cần phân tuyến một cách khéo léo và hợp lý bởi áp lực "heo vàng" vào lớp 1 chỉ tập trung ở nội đô và một số trường nổi tiếng. Có những trường vẫn có sĩ số ít, thậm chí tuyển sinh không đủ chỉ tiêu như trường ở khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân...

Để giải quyết hai vấn đề lớn còn tồn tại hiện nay của Hà Nội là quy mô lớp học lớn và diện tích đất bình quân/học sinh nhỏ, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, Hà Nội đang triển khai Đề án mạng lưới trường học tầm nhìn 2020 đến 2030. Theo đề án, mục tiêu ưu tiên số 1 được đặt ra là dành quỹ đất xây trường, bảo đảm cho hệ thống giáo dục Thủ đô không chỉ đủ về số trường, mà còn được đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa.

Từ nay đến năm 2030, Hà Nội cần 17,9 triệu m2 đất để xây mới 1.215 trường học. Nếu bảo đảm lộ trình, quy mô lớp học ở tất cả các cấp học sẽ giảm và học sinh có cơ hội được chăm sóc, giáo dục tốt hơn.

Cơ chế, giải pháp trọng tâm để có quỹ đất xây trường từ nay đến năm 2030 đã được quán triệt tới các quận, huyện, thị xã là ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng, tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học. 

Đối với khu vực nội thành không còn quỹ đất trống, tùy theo điều kiện thực tế về nhu cầu cải tạo, mở rộng diện tích của từng trường, các đơn vị có thể xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng, bố trí học sinh học ở tầng thấp, cán bộ, giáo viên làm việc ở tầng cao.

Nhã Anh