Kết thúc "màn uốn dẻo" của ông Obama tại châu Á

10:44 | 03/05/2014

2,295 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trấn an đồng minh về kế hoạch xoay trục sang châu Á, hàn gắn quan hệ Nhật-Hàn và đẩy nhanh việc ký kết hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không đạt được kết quả như mong muốn trong chuyến thăm 4 nước đồng minh châu Á của Tổng thống Obama.

Kết thúc “màn uốn dẻo” của ông Obama tại châu Á

Tổng thống Barack Obama tại Malaysia

Tháng 11-2011, chính quyền Obama đã đưa ra quan điểm về việc xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương trong bản khuyến nghị chính sách của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Từ đầu đến cuối, các quan chức Mỹ luôn cẩn trọng tuyên bố rằng chính sách mới không nhằm kiềm chế Trung Quốc và cũng không chỉ thuần túy là vấn đề an ninh. Thay vào đó, chính sách này tập trung vào thương mại và hợp tác đa phương.

Chiến lược xoay trục của Mỹ dựa trên hai trụ cột chính là kinh tế và quân sự. Hành động cụ thể nhất để chứng tỏ đường lối chuyển trục là sự gia tăng hiện diện quân sự. Trong thực tế thì Mỹ vẫn là cường quốc số 1 ở vùng Thái Bình Dương. Lực lượng quân sự Trung Quốc dẫu có nhiều tiến triển về hải quân, không quân, cũng còn phải một thời gian rất dài mới có thể là một thách thức chứ chưa thể là một đe dọa cho Mỹ. Như vậy sự tái bố trí lực lượng của Mỹ ở khu vực châu Á có giá trị tâm lý hơn là nhu cầu cụ thể. Mỹ đã công bố kế hoạch chuyển chủ lực hải quân và không quân đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên do sự cắt giảm ngân sách quốc phòng, cùng với những vụ khủng hoảng ở nơi khác trên thế giới, các dự án này chưa được thi hành đầy đủ và nhanh chóng như sự trông đợi của các quốc gia châu Á, tạo ra nhiều dư luận hoài nghi. Chuyến thăm 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines của Tổng thống Obama có giá trị ở sự tái xác nhận quyết tâm chú trọng đến châu Á và chỉ có giá trị tới mức đó, chưa thể là sự bảo đảm về sự can thiệp của Mỹ nếu  xảy ra tranh chấp xung đột giữa các quốc gia  trong khu vực với Trung Quốc.

Mặt khác của chính sách chuyển trục về châu Á là vấn đề ngoại giao và kinh tế. Mỹ đã gia tăng triển khai lực lượng quân sự tới một chừng mực giới hạn, nhưng về ngoại giao và kinh tế người ta chưa thấy có tiến triển nào đáng kể.

Ngày 23-4, Tổng thống Obama tới Nhật, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm 4 nước châu Á của ông. Tại đây, ông Obama không đưa ra tuyên bố nào về bản chất của cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo, liên quan đến một quần đảo do Nhật Bản kiểm soát – mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku. Nhưng ông nhắc lại rằng, các hòn đảo này được bảo vệ bởi hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật. Tổng thống Obama hy vọng, tại Tokyo, có thể chứng kiến việc Nhật Bản tham gia vào thỏa thuận trao đổi tự do mà Mỹ muốn ký kết với các quốc gia đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (tức Hiệp định TPP). Nhưng ông đã thất bại: Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, đã không nhận được sự đồng thuận của giới nông nghiệp và sản xuất xe hơi. Hôm 25-4, như dự đoán, khi Tổng thống Obama rời khỏi Tokyo đến Seoul, vẫn chưa có thêm được tiến tiển gì mới và như thế khi chưa có thỏa thuận với Nhật, quốc gia  giữ vị trí quan trọng nhất  trong TPP,  thì hiệp định này vẫn còn dậm chân tại chỗ.

Các quan sát viên cho rằng các cuộc đàm phán sẽ còn phải tiếp tục chứ chưa thể đạt được sự khai thông mau chóng. Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương là trụ cột trong chính sách châu Á của chính quyền Obama và là một bộ phận không thể tách rời khỏi chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á.

Tại Hàn Quốc, quốc gia đã có thỏa hiệp mậu dịch tự do với Mỹ và sự tham gia TPP không có nhiều vấn đề, nhưng ông Barack Obama đã không thể hàn gắn được quan hệ của các đồng minh Nhật-Hàn bị rạn nứt bởi những bất đồng do lịch sử để lại. Những phát biểu của Tổng thống Mỹ về hồ sơ “phụ nữ giải sầu” tại Hàn Quốc khiến chính quyền của ông Shinzo Abe không hài lòng. Với Tokyo, chính trị và các vấn đề an ninh phải tách ra khỏi lịch sử. Đây là điều mà các nước láng giềng của Nhật hay ngay cả đồng minh Mỹ cũng không đồng ý.

Kết thúc “màn uốn dẻo” của ông Obama tại châu Á

Các nhà hoạt động thuộc nhóm Sanlakas hô khẩu hiệu chống Mỹ trong cuộc biểu tình tại thành phố Quezon, Philippines, để phản đối chuyến thăm của Tổng thống Obama, ngày 27-4-2014

Cũng một “tiết mục uốn dẻo đẳng cấp cao” tương tự tại Malaysia và Philippines mà Obama phải làm, để vừa trấn an các đồng minh về sự hiện diện mang tính chiến lược của Mỹ tại khu vực, nhưng lại không được thể hiện một thái độ đối đầu với Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của các quốc gia này.

Chỉ có điểm đến cuối cùng Philippines đánh dấu được sự tiến bộ có ý nghĩa nhất trong chuyến công du châu Á của ông Obama. Đó là việc ký hiệp định quốc phòng kéo dài 10 năm có thể gia hạn. Thoả thuận này cho phép Mỹ có thể đưa quân và trang thiết bị quân sự đến tập trung tạm thời tại Philippines, nơi mà trước năm 1992 Mỹ vẫn còn các căn cứ không quân và hải quân. Hiệp định này, cùng với những lời khẳng định sự hỗ trợ với quần đảo Philippines đang có các tranh chấp với Bắc Kinh về biển đảo là một bằng chứng cụ thể của chiến lược tái cân bằng tại châu Á của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Obama vẫn giữ ý khi tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Bengnino Aquino rằng: “Mục đích của chúng tôi không nhằm chống lại Trung Quốc cũng không phải để kiềm chế Trung Quốc” và “chúng tôi ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Thái Bình Dương”. Nhưng ông Obama cũng xa xôi gửi đến Bắc Kinh một thông điệp: “Trên khía cạnh luật pháp quốc tế, chúng tôi không nghĩ rằng hành động cưỡng bức hay đe dọa lại là cách giải quyết xung đột”.

Dù sao thì tất cả những gì ông Obama thể hiện qua chuyến đi châu Á lần này đều được Bắc Kinh ghi nhận Washington đang gia tăng chính sách kiềm chế Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng do Mỹ có quan hệ kinh tế và thương mại rất lớn với Trung Quốc nên khó có thể nói là Washington sẽ đánh đổi mối quan hệ này để bảo vệ các đồng minh châu Á nhỏ khác.

Tóm lại chuyến thăm 4 nước đồng minh châu Á của Tổng thống Mỹ đã không đem lại được kết quả cụ thể nào.

Th.Long

tổng hợp