Vụ khủng bố nhằm vào Nord Stream: Gần 2 năm chưa tìm ra thủ phạm - Kỳ I: Thiệt hại khủng khiếp

06:30 | 16/07/2024

387 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ tấn công khủng bố vào các tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga sang châu Âu đi qua Biển Baltic ngày 26-9-2022 là chưa từng có trong lịch sử thế giới xét về hậu quả địa chính trị lẫn mức độ thiệt hại gây ra nhưng đến nay vẫn chưa xác định được thủ phạm. Điều này tạo ra tiền lệ châm ngòi cho cuộc chiến tranh phá hoại trên phạm vi toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Vụ khủng bố nhằm vào Nord Stream: Gần 2 năm chưa tìm ra thủ phạm - Kỳ I: Thiệt hại khủng khiếp
Khí đốt rò rỉ trên đường ống thuộc hệ thống Nord Stream 2 ở vùng kinh tế Thụy Điển trên biển Baltic, ngày 28-9-2022_Ảnh: AFP/TTXVN

Do tác động của vụ khủng bố nhằm vào các tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ngày 26-9-2022, chỉ sau một đêm, quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa Nga và các nước châu Âu - từng là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm tạo ra và duy trì khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) trên thị trường thế giới và cũng là cơ sở của mối bang giao địa - chính trị giữa phía Đông và phía Tây lục địa A - Âu - đã bị đứt gãy.

Nhiều quốc gia phải tiến hành chiến dịch quy mô lớn phân phối lại thị trường khí đốt tự nhiên và gây ra thiệt hại khủng khiếp đối với chiến lược đầu tư ước tính hàng trăm tỷ USD của các công ty Nga và châu Âu.

Trước hết, cần đánh giá thiệt hại từ vụ tấn công khủng bố nhằm vào 3 trong số 4 nhánh đường ống dẫn khí đốt chính nối các mỏ trên bán đảo Yamal của Nga với những nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn nhất là Đức, Pháp, Áo, Cộng hòa Séc và các nước EU khác.

Đầu tiên và rõ ràng nhất là cần đánh giá mức độ tổn thất của các bộ phận ngầm dưới nước của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-1 và Nord Stream-2, đều là các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới, trong đó mỗi đường ống có khả năng vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nga đến Đức.

Đường ống dẫn khí Nord Stream-1 hoạt động bình thường trong gần một thập niên, khởi đầu từ vùng Vyborg của Nga và kết thúc ở thành phố Greifswald của Đức. Nord Stream-1 được hoạch định vào năm 1997, nhưng 13 năm sau mới có thể khởi công đặt đường ống dọc đáy biển Baltic.

Phần lớn thời gian của 13 năm đó là dành để điều phối dự án với các quốc gia có đường ống đi qua vùng biển gồm Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển. Vào thời điểm xây dựng, Nord Stream-1 là đường ống dẫn khí đốt dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 1.224km với vốn đầu tư kỷ lục là 10,2 tỷ USD.

Cổ phần kiểm soát 51% của công ty điều hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream AG thuộc Tập đoàn Gazprom của Nga. Các đối tác chính của công ty trong dự án này là Wintershall Holding AG và E.ON của Đức, mỗi bên sở hữu 15,5% cổ phần. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Engie của Pháp và N.V. Nederlandse Gasunie của Hà Lan mỗi bên sở hữu 9% cổ phần.

Để chuyển tải khí đốt qua đáy biển từ Nord Stream-1 đến tay người tiêu dùng ở Đức cần xây dựng đường ống dẫn khí OPAL công suất 36 tỷ mét khối khí/năm và đường ống khí NEL công suất 20 tỷ mét khối/năm với chi phí khoảng 2 tỷ euro (khoảng 2,14 tỷ USD). Ngoài ra, khi đường ống OPAL đến biên giới Cộng hòa Séc sẽ nối liền với đường ống dẫn khí đốt Gazelle có công suất 30 tỷ mét khối với chi phí xây dựng 0,4 tỷ USD.

Tuyến đường dẫn khí đốt Nord Stream-2 có chiều dài 1.234km, được đầu tư xây dựng với 9,5 tỷ euro (khoảng 10,16 tỷ USD). Hình thức và tỷ lệ sở hữu của Nord Stream-2 tương tự như trong Nord Stream-1. Trong đó, Gazprom sở hữu cổ phần kiểm soát 51%, còn 49% cổ phần còn lại được phân phối cho những công ty tham gia của châu Âu.

Theo đó, một công ty mang tên Nord Stream-2 đã được thành lập tại Thụy Sĩ. Tuy nhiên, do luật pháp châu Âu thay đổi nên cổ phiếu của các bên chưa khi nào được xác định chính xác.

Cổ đông duy nhất của Nord Stream-2 kể từ năm 2017 là Gazprom, còn 2 công ty Engie và Wintershall cũng có ý định tài trợ cho dự án xây dựng tuyến đường ống này. Ngoài ra, Công ty OMV của Áo, Công ty Shell liên doanh của Anh - Hà Lan và Công ty Uniper của Đức cũng tham gia dự án.

Phần kéo dài trên bộ của dự án Nord Stream-2 là tuyến đường ống dẫn khí đốt châu Âu EUGAL có công suất 55 tỷ mét khối/năm, được đầu tư xây dựng với 2,3 tỷ euro (khoảng 2,46 tỷ USD).

Tương tự như đường ống dẫn khí Gazela ở Cộng hòa Séc, kết nối với Nord Stream-2 có một đường ống khác là Capacity4Gas được đầu tư xây dựng với 540 triệu euro (khoảng 577 tỷ USD). Tổng chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án Nord Stream-2 là 13,6 tỷ USD.

Do đó, tổng thiệt hại trực tiếp do bị hỏng hai công trình cơ sở hạ tầng lớn nhất ở khu vực nằm bên ngoài biên giới Nga mà công ty bảo hiểm có thể phải bồi thường lên tới 26,5 tỷ USD. Để so sánh, chi phí xây dựng cầu nối liền lãnh thổ Nga với bán đảo Crime là 3,6 tỷ USD. Nghĩa là, thiệt hại trực tiếp có thể so sánh với chi phí xây dựng 7 cây cầu Crimea!

Trong trường hợp phải bồi thường thiệt hại, các công ty bảo hiểm sẽ giảm thiểu thiệt hại bằng cách khấu trừ những bộ phận của các đường ống dẫn khí đốt vẫn còn giữ được chức năng hoạt động gồm OPAL, NEL, Gazelle và Capacity4Gas.

Tất nhiên, sẽ không thể thu hồi từ các công ty bảo hiểm số tiền mà Gazprom đã chi cho việc xây dựng các chi nhánh và trạm bơm khí thuộc hệ thống vận chuyển khí đốt đến Biển Baltic. Cả 2 tuyến đường ống dẫn khí Nord Stream-1 và Nord Stream-2 đều được các công ty châu Âu bảo hiểm.

Thế nhưng đến nay, chưa có cuộc đàm phán nào được khởi động để bàn thảo về chủ đề này. Để bồi thường thiệt hại cho Nga và các bên có liên quan, các công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây thiệt hại, nghĩa là chứng minh rằng có hành vi phá hoại, tấn công khủng bố hoặc các trường hợp gây thiệt hại tài sản khác.

Hiện các bên có liên quan chưa có trong tay tài liệu nào có thể dựa vào đó để rút ra kết luận cần thiết theo yêu cầu của các công ty bảo hiểm.

Để hoàn thành các dự án cung cấp khí đốt cho Nord Stream-1, Tập đoàn Gazprom đã triển khai các dự án xây dựng quy mô lớn trên khắp nước Nga trong hơn 1 thập niên. Trong đó, Nga đã xây dựng đường ống dẫn khí Gryazovets - Vyborg có chiều dài khoảng 900km, công suất 55 tỷ mét khối khí với kinh phí lên tới 3,5 tỷ USD.

Để hoàn thành các dự án cung cấp khí đốt cho Nord Stream-2, đường ống dẫn khí Gryazovets - Slavyanskaya được xây dựng ở Nga với chi phí 8 tỷ USD. Ngoài ra, các mỏ mới cũng được khai thác để phục vụ những dự án cung cấp khí đốt cho Đức, trước hết là mỏ Bovanenkovskoye. Đầu tư phát triển và xây dựng đường ống dẫn khí Bovanenkovo - Ukhta - Gryazovets - Torzhok với khoản đầu tư 2.000 tỷ ruble (khoảng 40 tỷ USD).

Công suất thiết kế của mỏ Bovanenkov tương ứng với tổng công suất của đường ống dẫn khí Nord Stream-1 và Nord Stream-2 là 55 tỷ mét khối/năm. Nếu tính tỷ giá hối đoái trung bình của đồng USD trong 15 năm qua vào khoảng 50 ruble/1USD, tổng chi phí sẽ tăng thêm khoảng 40 tỷ USD.

Như vậy, trong tổng thiệt hại 26,5 tỷ USD liên quan tới Nord Stream-1 và Nord Stream-2 cần phải bổ sung thêm các khoản đầu tư cho các dự án đã hoàn thành ở Nga là 51,5 tỷ USD. Để hiểu quy mô của thảm họa này, các chuyên gia kinh tế cho biết, đầu tư để xây dựng tuyến đường sắt xuyên Siberi là 40 tỷ USD.

Còn Gazprom với cơ sở hạ tầng khổng lồ được xây dựng bằng các khoản đầu tư rất lớn phải chịu khoản tổn thất không hề nhỏ. Hoạt động kinh tế trải dài hàng nghìn ki-lô-mét phải được duy trì, lại phải trả lương cho các công nhân làm việc ở mỏ khí đốt Yamal và các trạm bơm khí. Trong khi đó, toàn bộ khối lượng khí đốt theo yêu cầu thiết kế không được sản xuất hoặc vận chuyển.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, Nga bị thiệt hại 26,5 tỷ USD do cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt Nord Stream bị phá hủy, mất trắng 51,5 tỷ USD khác từng bỏ ra để phát triển các mỏ, xây dựng và hiện đại hóa các đường ống dẫn khí đốt chủ chốt.

Nga còn bị thiệt hại khoảng 1.400 tỷ USD tính theo thời giá năm 2024, do không thu được lợi nhuận kinh doanh khí đốt trong 50 năm tùy thuộc vào tuổi thọ của đường ống. Đến nay, chưa có ai chịu trách nhiệm bồi thường số lượng thiệt hại khủng khiếp này cho Tập đoàn khí đốt Gazprom.

Trung Quốc và các quốc gia khác không thuộc phe Mỹ, châu Âu hay Nga dường như không liên quan đến bản chất của vấn đề đều tỏ ra lo ngại về việc điều tra vụ tấn công khủng bố hy hữu này.

Riêng Trung Quốc đặc biệt lo ngại về sự an toàn của các cơ sở hạ tầng vượt ra ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia và hình thành cơ sở nền tảng của các tuyến đường giao thông và thương mại toàn cầu trong dự án “Vành đai và Con đường” bao phủ khắp toàn cầu.

Nếu các cơ sở hạ tầng này bị tấn công phá hoại mà không ai bị truy tố để tìm ra thủ phạm sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh phá hoại với quy mô lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu./.

Lê Thế Mẫu

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện/ Tạp chí Cộng Sản

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • bao-hiem-pjico
  • cho-vay-xnk
  • vpbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps