Căng thẳng Iran - Israel: Nguy cơ dẫn tới ngòi nổ chiến tranh

06:40 | 31/08/2024

1,584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khu vực Trung Đông từ lâu được mệnh danh là “lò lửa”, là “thùng thuốc súng” của thế giới, với hàng chục cuộc xung đột phức tạp diễn ra trong khu vực, cùng sự hậu thuẫn của các lực lượng cả bên trong lẫn bên ngoài. Hiện nay, khu vực này đang bị đặt vào những ngã rẽ khó lường khi căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel có nguy cơ trở thành cuộc chiến tranh toàn diện. Nếu điều này xảy ra có thể làm đảo lộn an ninh, hòa bình của khu vực và thế giới.
Căng thẳng Iran - Israel: Nguy cơ dẫn tới ngòi nổ chiến tranh
Hiện trường đổ nát sau vụ tấn công nhằm vào tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Damascus, Syria, ngày 2-4-2024_ Ảnh: AFP/TTXVN

Nguy cơ đối đầu trực diện Israel - Iran

Khu vực Trung Đông có lịch sử xung đột hết sức phức tạp. Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhất là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, những xung đột trong khu vực này chủ yếu xoay quanh mâu thuẫn giữa Nhà nước Do Thái Israel với các lực lượng Arab, bao gồm Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine, phong trào Hồi giáo Hamas, Hezbollah...

Về thực chất, giữa Israel và Iran chưa từng xảy ra xung đột trực diện nào, chủ yếu là xung đột giữa Israel với các lực lượng ủy nhiệm của Iran - các phong trào Hồi giáo chống lại Nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, gần đây xung đột giữa 2 nước đã vượt ra ngoài phạm vi xung đột ủy nhiệm, có nguy cơ trở thành xung đột trực diện giữa hai bên.

Ngày 7-10-2023, một vụ tấn công bất ngờ của phong trào Hamas vào lãnh thổ Israel khiến gần 1.200 người Israel thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Vụ tấn công này đã làm bùng nổ cuộc chiến Israel - Hamas.

Không chỉ đối đầu với Hamas, để trả đũa, Israel đã tấn công lực lượng Hezbollah ở Lebanon cũng như các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran. Các cuộc tấn công của Israel đã làm thiệt mạng nhiều quan chức, chỉ huy cao cấp của Iran, dẫn tới những cuộc đáp trả của các lực lượng được Iran hậu thuẫn nhằm vào Israel.

Vòng xoáy xung đột tiếp tục leo thang, trong khi Iran tiếp tục hậu thuẫn cho các lực lượng ủy nhiệm tấn công Israel, thì Israel cũng đẩy cao các hoạt động xâm phạm tới lợi ích của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, nguy cơ xung đột trực diện giữa Iran và Israel đến nay vẫn được kiểm soát bởi cả hai bên đều cố gắng tránh đẩy xung đột lên cao dẫn tới nguy cơ chiến tranh.

Thế nhưng, ngày 31-7-2024, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông báo thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh đã bị ám sát khi đang có mặt tại Thủ đô Tehran (Iran) để dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã khiến tình hình trở lên căng thẳng chưa từng có.

Iran mạnh mẽ tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng, trong khi Israel cũng sẵn sàng cho khả năng chiến tranh, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ tấn công các mục tiêu quan trọng của Iran, kể cả các cơ sở hạt nhân.

Nỗ lực tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh

Rõ ràng, với các cuộc xung đột ủy nhiệm trước đây, quy mô xung đột thường hạn chế và nằm trong tầm kiểm soát của các bên. Tuy nhiên, lần này nguy cơ về một cuộc xung đột trực diện giữa Israel và Iran đang ngày một dâng cao, khả năng xảy ra một cuộc chiến thực sự là điều mà cộng đồng quốc tế luôn lo ngại. Cho đến nay, cả Iran và Israel vẫn đang thăm dò khả năng mà chưa đưa ra quyết định về một cuộc chiến trực diện giữa hai bên.

Thứ nhất, khả năng kiềm chế của cả Iran và Israel. Chiến tranh quy mô lớn với hậu quả nghiêm trọng là điều mà cả Iran và Israel, cũng như cộng đồng quốc tế không mong muốn. Tháng 4-2024, khi căng thẳng leo thang, hai bên đều có những động thái làm hạ nhiệt tình hình.

Tuy nhiên, vụ sát hại thủ lĩnh Hamas ngay giữa thủ đô của Iran lần này có thể là “giọt nước tràn ly” làm thay đổi cán cân vốn rất mong manh ở Trung Đông. Cả hai bên đều đã đưa ra lời đe dọa về những hành động quân sự, đẩy xung đột lên nấc thang mới nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên, Israel đang theo đuổi một chính sách cứng rắn nhằm định hình lại toàn bộ bối cảnh an ninh khu vực. Trong khi đó, một bên là Iran đóng vai trò là cường quốc mới nổi, đang hướng tới mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của mình.

Chính vì vậy, một cuộc đụng độ trực tiếp toàn diện không phải là giải pháp khả thi. Và cho dù đang ở “bên miệng hố chiến tranh”, các hành động khiêu khích từ hai phía đều đang giữ giới hạn “ranh giới đỏ”.

Thứ hai, sức ép của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả nỗ lực hạ nhiệt tình hình căng thẳng cũng như đưa ra những cảnh báo về hậu quả của xung đột. Trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rút khỏi cuộc đua tái tranh cử tổng thống năm 2024, ông đã cảnh báo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kiềm chế các hành động có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ, Trung Quốc ủng hộ Iran bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia theo luật pháp quốc tế, cũng như nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời sẵn sàng duy trì liên lạc chặt chẽ với Iran.

Rõ ràng với ủng hộ trên, Iran đang có được sự hậu thuẫn quan trọng, còn Israel cũng như các đồng minh sẽ phải cân nhắc thận trọng nếu muốn tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran.

Thứ ba, khả năng chiến tranh trực diện giữa Iran và Israel còn phụ thuộc vào tình hình chung của khu vực Trung Đông, nhất là tiến triển trong cuộc đàm phán hòa bình ở Dải Gaza hiện nay.

Giới phân tích cho rằng, nếu cuộc đàm phán có tiến triển, Israel và Hamas đạt được thỏa thuận sẽ góp phần tháo gỡ ngòi nổ xung đột giữa Iran và Israel. Iran sẽ không tấn công Israel để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas nếu Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.

Cũng có thể Iran sẽ cân nhắc hủy bỏ kế hoạch tấn công Israel để đổi lấy tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Dải Gaza. Do đó, các nỗ lực có thể sẽ tập trung vào giải quyết xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, qua đó hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Mặc dù vậy, cho dù có sự kiềm chế của hai bên cùng với sức ép của các cường quốc, nguy cơ chiến tranh trực diện Israel - Iran không phải là đã được loại bỏ hoàn toàn, mà vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như một trong hai bên không thể kiềm chế, có thể gây ra các vụ tấn công bất ngờ vào lãnh thổ của nhau hoặc vào những mục tiêu quan trọng như các cơ sở hạt nhân. Vì vậy, có thể nói, Israel và Iran vẫn đang ở thế cận kề chiến tranh và việc tháo gỡ ngòi nổ cần nỗ lực rất lớn.

Hiện nay, xung đột đã làm cho nền kinh tế các nước trong khu vực thiệt hại nặng nề. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Iran dự kiến sẽ chậm lại ở mức 3,3% trong năm 2024 và 3,1% năm 2025.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Israel nhận định, tác động trực tiếp của xung đột đối với nền kinh tế nước này sẽ tiếp diễn cho đến đầu năm 2025. Theo ước tính, chi phí của Israel cho xung đột trong giai đoạn 2023 - 2025 là khoảng 255 tỷ shekel (tương đương 66,54 tỷ USD), chiếm khoảng 13% GDP năm 2024, với chi tiêu quốc phòng và dân sự tăng cao, trong khi nguồn thu từ thuế sụt giảm.

Nhìn chung, mặc dù nguy cơ xung đột trực diện gia tăng, việc xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel còn phụ thuộc vào hành động và phản ứng của Iran và Israel trong thời gian tới.

Trên thực tế, đây là điều không bên nào mong muốn, bởi những hệ lụy có thể khôn lường, không chỉ về kinh tế, mà còn khiến cho sự thù hận giữa Nhà nước Do Thái và các nước trong cộng đồng Arab ngày càng thêm sâu sắc và không có hồi kết.

Người dân trong khu vực Trung Đông sẽ không thể có được cuộc sống yên bình. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tìm ra các giải pháp nhằm tránh cho khu vực Trung Đông rơi vào vòng xoáy chiến tranh không lối thoát.

Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố, Iran sẽ “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, phẩm giá, danh dự và lòng tự hào của mình” và “khiến những kẻ chiếm đóng khủng bố phải hối hận vì hành động hèn nhát” khi đề cập đến vụ ám sát thủ lĩnh H. Haniyeh.

Nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon khẳng định, việc ông H. Haniyeh bị ám sát sẽ càng khuyến khích “sự quyết tâm và ngoan cường” của các “chiến binh kháng chiến”, cũng như củng cố “quyết tâm mạnh mẽ” của họ trong cuộc chiến chống lại Israel.

Ông Mohammed Ali al-Houthi - một thành viên ban chính trị của nhóm phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn -cũng cho biết: “việc nhắm mục tiêu vào ông H. Haniyeh là một tội ác khủng bố hung bạo, vi phạm trắng trợn luật pháp và các giá trị lý tưởng”.

Đình Hùng

Theo Chuyên trang Hồ sơ Sự kiện - Tạp chí Cộng sản