Bà Kamala Harris đứng trước cơ hội lịch sử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024

08:49 | 18/08/2024

1,609 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua Tổng thống năm 2024 và ủng hộ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Kamala Harris đang đứng trước cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Liệu bà Kamala Harris có một lần nữa làm nên lịch sử nước Mỹ?
Bà Kamala Harris đứng trước cơ hội lịch sử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố West Allis, tiểu bang Wisconsin, ngày 23-7-2024_Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tấm gương về sự nỗ lực phấn đấu

Bà Kamala Harris sinh ngày 20-10-1964 tại thành phố Oakland, tiểu bang California (Mỹ). Cha của bà là ông Donald Harris - người da đen gốc Jamaica, nhập cư vào Mỹ và là giảng viên kinh tế tại Trường Đại học Stanford. Mẹ của bà là Shymala Gopalan, đến từ bang Tamil Nadu (Ấn Độ), theo học tiến sĩ ngành nội tiết học tại Đại học California, Berkeley.

Bà K. Harris có một người em gái là Maya Harris. Là con của cặp vợ chồng đa sắc tộc, bà K. Harris hiểu rất rõ về truyền thống tôn giáo của cả cha và mẹ mình từ khi còn nhỏ. Thông qua mẹ mình - một người theo đạo Hindu, bà K. Harris được tiếp xúc với các giáo lý tôn giáo và ý tưởng cốt lõi của đạo Hindu.

Bên cạnh đó, bà cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ gia đình bên ngoại. Bà K. Harris cho biết, những cuộc trò chuyện với ông bà ngoại “đã tác động sâu sắc đến con người tôi của ngày hôm nay”. Về gia đình riêng, bà K. Harris sống hạnh phúc với chồng là ông Douglas Emhoff - người tạm dừng sự nghiệp luật sư của mình để đảm nhận vai trò là Đệ nhị phu quân đầu tiên của Mỹ khi bà K. Harris trở thành Phó Tổng thống Mỹ.

Bà K. Harris có bằng cử nhân khoa học chính trị và kinh tế tại Đại học Howard, bằng cử nhân luật của trường Luật Hastings, Đại học California (nay là trường Luật UC San Francisco). Sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành tư pháp, được bầu làm Tổng Chưởng lý của bang California vào năm 2010 và tái đắc cử năm 2014.

Năm 2017, bà được bầu làm Thượng nghị sĩ đại diện cho bang California, nơi bà ủng hộ luật chống nạn đói, cung cấp cứu trợ tiền thuê nhà, cải thiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ, mở rộng quyền tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ, phục hồi kết cấu hạ tầng của Mỹ và chống biến đổi khí hậu.

Năm 2020, bà có dự định tham gia tranh cử ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ nhưng đã phải rút lui trước cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này vì chưa nhận được sự ủng hộ cần thiết. Sau đó, ông Joe Biden đã chọn bà K. Harris làm liên danh tranh cử và đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11-2020. Bà nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1-2021, trở thành người phụ nữ da màu, gốc Á đầu tiên được bầu vào vị trí này.

Với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ, bà đã nỗ lực thúc đẩy cơ hội, mang lại lợi ích cho các gia đình và bảo vệ quyền tự do cơ bản trên khắp đất nước. Bà đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành quyền tự do cho phụ nữ, như quyền tự do sống an toàn khỏi bạo lực, súng đạn, quyền tự do bỏ phiếu... Cùng với đó, bà tích cực thực hiện hơn 10 chuyến công du nước ngoài, đến gần 20 quốc gia và gặp gỡ hơn 150 nhà lãnh đạo thế giới để củng cố các liên minh toàn cầu quan trọng.

Chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã bổ sung thêm các cố vấn cấp cao mới, trong đó có các chiến lược gia hàng đầu đã góp phần giúp cựu Tổng thống Barack Obama giành chiến thắng trong 2 cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, như ông David Plouffe - cố vấn cấp cao về chiến lược và các tiểu bang tập trung vào việc giành chiến thắng trong đại cử tri đoàn; bà Stephanie Cutter - cố vấn cấp cao mới về thông điệp chiến lược; ông Mitch Stewart - cố vấn cấp cao cho các tiểu bang chiến trường; ông David Binder - đảm trách các hoạt động nghiên cứu dư luận.

Cơ hội lịch sử

Ngày 21-7-2024, Tổng thống Mỹ J. Biden tuyên bố dừng chiến dịch tái tranh cử và bày tỏ sự ủng hộ đối với Phó Tổng thống K. Harris, trao cho bà cơ hội tham gia tranh cử để trở thành người đứng đầu nước Mỹ. Khi nhận được sự ủng hộ của Tổng thống J. Biden, bà K. Harris đã khẳng định mục tiêu trong mọi khả năng để thúc đẩy sự đoàn kết của Đảng Dân chủ cũng như sự đoàn kết của cả nước Mỹ. Bà K. Harris đã thảo luận với hàng loạt nhân vật chủ chốt của Đảng Dân chủ để tìm kiếm sự ủng hộ chính thức, đồng thời nhanh chóng tiến hành chương trình vận động tranh cử. Theo giới phân tích, đứng trước cơ hội lịch sử này, bà K. Harris có một số lợi thế lớn.

Thứ nhất, sự ủng hộ cao trong nội bộ Đảng Dân chủ. Ngoài Tổng thống J. Biden, các nhân vật chủ chốt, có ảnh hưởng lớn trong Đảng như cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton, các lãnh đạo đảng tại Hạ viện và Thượng viện đều bày tỏ sự ủng hộ đối với bà K. Harris. Vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama, ban đầu được cho là còn do dự, thì đến ngày 26-7-2024 cũng đã lên tiếng chính thức ủng hộ bà K. Harris. Với những sự ủng hộ quan trọng trên cùng sự hậu thuẫn trong nội bộ Đảng, bà K. Harris hiện là ứng viên duy nhất của Đảng Dân chủ để tranh cử với cựu Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa.

Thứ hai, lợi thế về tuổi tác và màu da. Bà K. Harris, một phụ nữ da màu 59 tuổi, sẽ tạo nên hình ảnh hoàn toàn trái ngược với ông D. Trump (năm nay đã 78 tuổi). Nếu như trước đây ông D. Trump có thể chỉ trích vấn đề sức khỏe của ông J. Biden thì giờ đây, vấn đề tuổi tác lại chính là bất lợi của ông. Bên cạnh đó, với gốc là người nhập cư, bà K. Harris cũng có lợi thế để thu hút phiếu bầu của các cử tri cùng màu da. Bà K. Harris đã là niềm tự hào của người da màu khi trở thành Phó Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Trước đó, ông Barack Obama - cũng thuộc Đảng Dân chủ - đã làm nên kỳ tích khi trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ và nắm quyền tổng thống trong 2 nhiệm kỳ liên tục. Đây đều là những lợi thế để bà K. Harris kêu gọi sự ủng hộ của cử tri da màu. Nếu đánh bại ứng cử viên Đảng Cộng hòa D. Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024, bà K. Harris sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vị Tổng thống Mỹ.

Thứ ba, uy tín tạo dựng trong quá trình làm việc. Những thành công đạt được trong giai đoạn làm Phó tổng thống cho ông J. Biden là điểm cộng lớn của bà K. Harris trong mắt cử tri Mỹ. Trong hơn 3 năm đảm nhiệm vai trò Phó Tổng thống Mỹ, bà K. Harris đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng hình ảnh của mình trên trường quốc tế, gần đây nhất là tại cuộc đàm phán hòa bình về Ukraina ở Thụy Sĩ hồi tháng 6-2024.

Bà cũng trở thành nhân vật nổi bật của chính quyền trong việc ủng hộ quyền phá thai của nữ giới. Vai trò này đưa bà đến các sự kiện trên khắp nước Mỹ, thu hút đông đảo cử tri nữ và các nhóm thiểu số. Trước đó, trong nhiệm kỳ 4 năm tại Thượng viện Mỹ (giai đoạn 2017 - 2021), bà K. Harris đã đạt được một số thành tựu về lập pháp, bảo trợ một số đạo luật quan trọng được Quốc hội Mỹ thông qua.

Với những lợi thế như vậy, các kết quả thăm dò gần đây cho thấy bà K. Harris đang nhận được sự ủng hộ lớn hơn của các cử tri tại một số bang chiến trường - nơi thường có sự giằng co gay gắt lá phiếu giữa 2 đảng, trước đại diện Đảng Cộng hòa là ông D. Trump. Trong lần “xuất trận” đầu tiên tại cuộc vận động tranh cử ngày 23-7-2024 ở bang Wisconsin - một bang chiến trường có vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, bà K. Harris đã tự tin khi “tấn công” đối thủ D. Trump với tuyên bố: “tôi biết mẫu người của Donald Trump”.

Mặc dù vậy, bất chấp những thế mạnh mà bà K. Harris có được, giới phân tích vẫn lo ngại về khả năng của bà trong việc đánh bại ông D. Trump. Hiện tại, cựu Tổng thống D. Trump và đội ngũ tranh cử của ông vẫn đang nỗ lực tìm ra cách thức tấn công hiệu quả nhất để chống lại đối thủ mới đến từ Đảng Dân chủ. Nhiều khả năng, ông D. Trump sẽ tập trung vào vấn đề biên giới và hồ sơ công tố viên trước đây của bà K. Harris, được cho là những điểm yếu khiến bà K. Harris mất uy tín, qua đó ông D. Trump sẽ giành được sự ủng hộ của cử tri.

Bà K. Harris đã làm nên lịch sử khi trở thành phó tổng thống nữ da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Nhưng liệu bà có thể làm nên lịch sử một lần nữa, trở thành tổng thống nữ da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ ở thời điểm hiện nay.

Người ta vẫn còn nhớ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bà Hillary Clinton - ứng viên đầy tiềm năng và dày dạn kinh nghiệm chính trường - với rất nhiều lợi thế, nhưng vẫn thất bại trước ứng viên Donald Trump. Bởi theo giới chuyên gia, vấn đề của bà H. Clinton chính là đối với các cử tri.

Bà H. Clinton đã quá chú trọng vào việc tranh luận khá gay gắt về các vấn đề tranh cử thay vì quan tâm tới chiến lược chinh phục để giành được sự ủng hộ của những nhóm cử tri cần thiết, kể cả ở những bang vốn được xem là sân nhà của bà. Điều đó cho thấy, bầu cử Mỹ luôn chứa ẩn nhiều yếu tố bất ngờ và cuộc đua giữa 2 ứng viên Kamala Harris - Donald Trump sẽ còn nhiều kịch tính.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • bao-hiem-pjico
  • rot-von-duong-dai-agri
  • vpbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps