Vụ khủng bố nhằm vào Nord Stream: Gần 2 năm chưa tìm ra thủ phạm

Kỳ cuối: Điều tra để khởi kiện và bồi thường hàng nghìn tỷ USD

06:01 | 27/07/2024

1,047 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã qua gần 2 năm sau vụ khủng bố nhằm vào các tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream nhưng chưa có cuộc điều tra nào được thực hiện khách quan, trung thực đến cùng để xác định thủ phạm, có thể đưa họ ra tòa. Vấn đề then chốt là làm thế nào phía Nga có thể đòi được công lý trong khi các cơ quan điều tra của Nga không được phép tiếp cận hiện trường vụ khủng bố?

Vụ khủng bố nhằm vào Nord Stream: Gần 2 năm chưa tìm ra thủ phạm - Kỳ cuối: Điều tra để khởi kiện và bồi thường hàng nghìn tỷ USD
Hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, miền Tây Bắc Đức_Ảnh: AFP/TTXVN

Trong điều kiện đó cần xem xét tình hình nhìn từ quan điểm của luật pháp quốc tế. Trước hết cần nhận thấy ngay cả các luật sư của Nga cũng chưa tìm được các cơ chế sẵn có nào có thể sử dụng để bảo vệ bên bị hại, do tính chất đặc biệt của tình hình thế giới và tính chất tự nguyện của luật pháp quốc tế.

Nghĩa là, cho đến khi các quốc gia có liên quan đồng thuận với nhau về nội dung cuộc điều tra và nền tảng tư pháp để làm rõ tranh chấp thì mới có thể khởi động tiến trình này. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Nga và phương Tây do Mỹ đứng đầu, sự đồng thuận này là không thể.

Trong khi phía Nga tuyên bố rằng Mỹ và Anh đứng đằng sau vụ khủng bố nhằm phá hoại các tuyến đường ống Nord Stream, phía Đức báo cáo có dấu hiệu về vụ khủng bố này từ Ba Lan và Ukraina.

Đan Mạch tuyên bố “có quốc gia giấu tên” đứng sau vụ khủng bố này. Còn phía Mỹ đổ lỗi cho một nhóm phi nhà nước thân Ukraina là thủ phạm. Trong khi đó, ngay tại Washington vẫn có những người lớn tiếng tuyên bố rằng vụ phá hoại này do tình báo Mỹ thực hiện với sự giúp đỡ của Na Uy.

Đức, Đan Mạch và Thụy Điển là những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ khủng bố nhằm vào các đường ống Nord Stream muốn thành lập đội điều tra chung. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của các cơ quan mật vụ các nước khác nhau nên họ quyết định hoạt động độc lập.

Đức được coi là bên bị thiệt hại nhiều nhất, vì nước này được hưởng lợi chủ yếu từ Nord Stream-1 và Nord Stream-2. Theo kết quả điều tra ban đầu của Văn phòng Tổng công tố Đức được truyền thông Đức trích dẫn, vụ khủng bố được thực hiện bởi một nhóm gồm 5 người đàn ông và 1 phụ nữ. Các cơ quan điều tra của Đức tìm thấy dấu vết của chất nổ lưu lại trên một chiếc du thuyền ở cảng Rostock do nhóm này thuê.

Một số thành viên trong nhóm này có quốc tịch Ukraina, còn du thuyền cũng thuộc sở hữu của người Ukraina được một công ty Ba Lan thuê. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius lại tỏ ra thận trọng khi trả lời câu hỏi của báo giới về khả năng Ukraina dính líu đến vụ tấn công khủng bố.

Cảnh sát Copenhagen phối hợp với Lực lượng phòng vệ và Cơ quan tình báo Đan Mạch khởi xướng cuộc điều tra, vì vụ khủng bố xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết, Copenhagen không cho phép đại diện Nga tham gia cuộc điều tra.

Vào cuối tháng 3-2023, Cơ quan năng lượng Đan Mạch cho phép nhà điều hành đường ống dẫn khí Nord Stream-2 và Nord Stream AG tham gia trục vớt từ đáy biển một vật thể không xác định được tàu Nga tìm thấy cách địa điểm xẩy ra vụ khủng bố 30km. Kết quả điều tra cho thấy đó chỉ là một chiếc phao báo hiệu bằng khói trống rỗng.

Thụy Điển huy động cảnh sát, an ninh và các cơ quan chức năng khác điều tra vụ khủng bố phá hoại Nord Stream vì 2 trong số 4 vụ rò rỉ khí đốt xảy ra sau vụ nổ trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Một nhánh đường ống của Nord Stream-1 và Nord Stream-2 đi qua phía Đông Bắc đảo Bornholm của Thụy Điển. Công tố viên Mats Ljungqvist cho biết, Thụy Điển đã thu thập được một số bằng chứng đáng kể để có thể xác định thủ phạm thực hiện vụ khủng bố.

Mats Ljungqvist cho biết, đứng đằng sau những kẻ khủng bố này, cả trực tiếp và gián tiếp, là “một quốc gia được giấu tên” vì đây là “thông tin tuyệt mật”!?. Ông cho biết, rất khó khăn tiết lộ danh tính thủ phạm do “liên quan tới một số tình huống đặc biệt tế nhị và nhạy cảm”. Theo công tố viên Mats Ljungqvist, việc Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng Nga có thể đứng đằng sau vụ phá hoại “để gây bất ổn hơn nữa cho châu Âu” là “hoàn toàn phi lý” và bản thân ông cũng không tin như vậy.

Cục Điều tra liên bang (FSB) của Nga cũng khởi xướng cuộc điều tra theo yêu cầu của Văn phòng Tổng công tố căn cứ Khoản 361 Điều 1 của Bộ luật Hình sự xác nhận hành động phá hoại Nord Stream là “khủng bố quốc tế”. Theo Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, Điện Kremlin nhận thấy các nước phương Tây hoàn toàn miễn cưỡng trong việc tiến hành điều tra. Bộ Quốc phòng Nga đưa tin Hải quân Anh có liên quan đến vụ khủng bố nhằm vào Nord Stream, nhưng không công bố bằng chứng.

Trung Quốc ủng hộ mong muốn của Nga thành lập một nhóm quốc tế để điều tra vụ khủng bố nhằm vào Nord Stream dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho cuộc điều tra do Liên hợp quốc dẫn đầu về hành vi phá hoại Nord Stream, đồng thời lưu ý rằng việc tiến hành một cuộc điều tra như vậy trong cơ chế hiện tại của Liên hợp quốc có thể rất khó khăn vì Mỹ - 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực thành lập một nhóm như vậy.

Trong số những người được hưởng lợi chủ yếu từ vụ phá hoại Nord Stream phải kể đến Mỹ. Vụ khủng bố phá hoại này giúp Mỹ hiện thực hóa giấc mơ bấy lâu là chiếm lĩnh thị trường khí đốt và dầu mỏ ở châu Âu. Ngoài những lợi ích trực tiếp về khí đốt, Mỹ còn làm suy yếu châu Âu trong vai trò là đối thủ cạnh tranh kinh tế.

Quả thực, trong nhiều năm Mỹ đã liên tục ngăn chặn dự án này. Ngày 8-2-2022, sau cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden thẳng thắn tuyên bố: “nếu xe tăng Nga vượt qua biên giới Ukraina, chúng tôi sẽ kết liễu Nord Stream”. Khi được một nhà báo Đức hỏi chính xác thì Mỹ sẽ làm điều này như thế nào, vì dự án này thuộc về Đức và Nga, ông Joe Biden trả lời: “tôi hứa với bạn rằng chúng tôi có thể làm được”.

Kỳ cuối: Điều tra để khởi kiện và bồi thường hàng nghìn tỷ USD
Khói bốc lên từ khu vực rò rỉ của hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 trên biển Baltic, gần đảo Bornholm (Đan Mạch)_Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà báo điều tra nổi tiếng người Mỹ Seymour Hersh đổ lỗi cho Mỹ đã tiến hành vụ tấn công khủng bố. Báo chí thế giới từng phớt lờ ý kiến của nhà báo Seymour Hersh - người từng đoạt Giải Pulitzer, đã vạch trần tội ác của quân đội Mỹ ở Việt Nam và trong nhà tù Iraq ở Abu Ghraib.

Trong cuộc điều tra về vụ phá hoại Nord Stream, Seymour Hersh đưa ra bằng chứng cho thấy chất nổ được quân đội Mỹ cài đặt với sự hỗ trợ của Na Uy trong cuộc tập trận hằng năm mang tên “BALTOPS 2022” của NATO. Lệnh kích nổ từ xa được Tổng thống Joe Biden đưa ra, còn Thủ tướng Đức O. Scholz cũng được thông báo về quyết định này.

Trong khi đó, Nhà Trắng công bố dữ liệu tình báo cho rằng “những kẻ ghét Putin và thân Ukraina” đứng đằng vụ phá hoại Nord Stream. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump ám chỉ trên Fox News rằng, Mỹ có thể đứng sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào Nord Stream.

Về cơ sở pháp lý, Nga có thể đi tìm công lý liên quan tới vụ khủng bố Nord Stream theo 4 khả năng. Khả năng 1: theo luật doanh nghiệp, Nga có khả năng yêu cầu bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu đường ống Nord Stream AG.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là các cổ đông của Công ty Nord Stream AG gồm 5 công ty nên để sử dụng cơ sở pháp lý những công ty này cần phải đưa ra quyết định chung của các cổ đông. Đến nay, khả năng này vẫn chưa thể thực hiện được.

Tình huống này rất khó hiểu vì xét về lợi ích doanh nghiệp, các đối tác châu Âu, chủ yếu là của Đức, đã đầu tư số tiền đáng kể vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đồng nghĩa với việc họ thiệt chịu hại rất lớn và do đó cần phải phối hợp với Nga để đòi công lý.

Khả năng 2: để có thể nộp đơn ở bất cứ đâu yêu cầu bồi thường thiệt hại, trước hết cần xác định rõ những người chịu trách nhiệm. Đối với phía Nga, khó khăn nằm ở chỗ vụ việc xảy ra trên lãnh thổ không thuộc quyền kiểm soát của họ.

Một mặt, Nga không có khả năng tiến hành cuộc điều tra độc lập nếu không có sự đồng ý của Đan Mạch và Thụy Điển. Mặt khác, quá trình thu thập bằng chứng, huy động các chuyên gia, thẩm vấn những người có liên quan, yêu cầu bảo lãnh từ các bên có nghĩa vụ trong các thỏa thuận đầu tư,... được quy định bởi các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và thậm chí cả pháp luật của những quốc gia nơi xảy ra vụ khủng bố.

Để đưa ra tuyên bố có cơ sở pháp lý thừa nhận ai đó có tội trong vụ khủng bố này cần phải dựa vào các bằng chứng, các trách nhiệm pháp lý quốc tế có thể được viện dẫn. Nhằm mục đích đó, cần thành lập một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia quốc tế để đưa ra kết luận dựa trên kết quả điều tra thu được và thực hiện các hành động pháp lý. Phía Nga đã không thành công khi nỗ lực thành lập một ủy ban như vậy dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Khả năng 3: viện dẫn luật hàng hải quốc tế. Có thể dựa vào nhiều công ước quốc tế xác định quy trình sử dụng các công trình tương tự như Nord Stream để quy kết trách nhiệm cho các quốc gia có liên quan tới vụ khủng bố như Công ước của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc về đánh giá tác động môi trường trong khu vực xuyên biên giới.

Công ước này quy định quyền của công chúng được tiếp cận thông tin về một số hoạt động liên quan đến tác động có hại đến môi trường. Do đó, Nga với tư cách là bên bị hại có thể kiên quyết yêu cầu được tham gia cuộc điều tra của Đan Mạch và Thụy Điển hoặc yêu cầu họ công bố kết quả điều tra.

Tuy nhiên, luật pháp quốc tế là tự nguyện, dựa trên sự bình đẳng về chủ quyền. Trong trường hợp này, không thể đánh giá Đan Mạch, Đức và Na Uy không có thiện chí do không cho phép Nga tham gia điều tra vụ khủng bố nhằm vào Nord Stream.

Khả năng 4: Nga có thể căn cứ vào một số điều luật quốc tế để buộc Thụy Điển và Đan Mạch phải chịu trách nhiệm do không bảo đảm an toàn cho các đường ống đi qua vùng đặc quyền kinh tế của họ. Luật biển quốc tế một mặt cho phép các quốc gia xây dựng cơ sở hạ tầng trên biển cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển.

Ngoài ra, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển có những nghĩa vụ rất cụ thể để đảm bảo an toàn cho các cơ sở đó. Tuy nhiên, các tòa án quốc tế không phải là nơi xác nhận sự thật cuối cùng mà chỉ là một trong những phương tiện giải quyết tranh chấp. Các phán quyết của Tòa án của Liên hợp quốc không có giá trị ràng buộc./.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng Sản