Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ

08:45 | 01/09/2024

92 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi nói về nước Mỹ, người ta thường nghĩ tới quốc gia có nền kinh tế, sức mạnh quân sự và tiềm lực khoa học - công nghệ số 1 thế giới. Đằng sau vị thế siêu cường này là hệ thống tổ chức nghiên cứu hùng hậu tập trung hàng nghìn nhà khoa học, chuyên gia xuất sắc được ví như những “cỗ máy tư duy” sản xuất ra thứ “vũ khí đặc biệt” - “vũ khí tư tưởng”, từng giúp Mỹ giành chiến thắng trước Liên Xô mà không cần tiến hành chiến tranh. Đứng đầu trong số đó là tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận mang tên Tập đoàn RAND.
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ
Trụ sở Tập đoàn RAND ở Santa Monica, thành phố Los Angeles, Mỹ_Ảnh: TL

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiệm vụ số 1 trong chiến lược toàn cầu của Mỹ là tiến hành cuộc chiến tranh lạnh chống Liên Xô - quốc gia đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc chiến này, Mỹ không thể sử dụng sức mạnh quân sự để đối đầu trực tiếp với Liên Xô bởi sẽ dẫn tới chiến tranh hạt nhân có nguy cơ hủy diệt thế giới, mà cần sử dụng “vũ khí mềm” hay “sức mạnh mềm” để giành chiến thắng.

Góp phần quan trọng giúp Mỹ thực hiện sứ mệnh lịch sử này là Tập đoàn RAND, thành lập năm 1948 tại khu nghỉ dưỡng Santa Monica nổi tiếng ở phía Tây thành phố Los Angeles, trên cơ sở hợp tác giữa Lầu Năm Góc và tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ.

Trụ sở của RAND là tòa nhà 5 tầng cao với tổng diện tích 32.000m2 và 3 tầng hầm đủ chỗ đậu cho 825 xe ô tô. Hình dạng elip tòa nhà có chức năng đưa ánh sáng vào bên trong và thông gió tự nhiên cho toàn bộ không gian của công trình. Kiến trúc của tòa nhà này được cấp chứng chỉ LEED Gold dành cho các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và thân thiện nhất với môi trường. Tầng trệt của tòa nhà có Trường Cao đẳng RAND, thư viện và các phòng họp sử dụng công nghệ hiện đại nhất.

Tuy tuyên bố là tổ chức “phi lợi nhuận” với khoảng 1.700 nhân viên, tổng doanh thu hằng năm của RAND vượt quá 350 triệu USD (năm 2018). Hằng năm, RAND nhận được các khoản tài trợ lớn từ các cơ quan của Chính phủ Mỹ. RAND có văn phòng ở New York, Washington, Pittsburgh (Pennsylvania) và Langley (nơi đặt trụ sở chính của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA)) trên lãnh thổ Mỹ.

Ngoài ra, RAND còn có văn phòng ở Cambridge (Anh), Brussels (Bỉ), Berlin (Đức), Australia và Doha (Qatar). Từ khi thành lập, RAND hoạt động như “cỗ máy tư duy” lớn nhất thế giới. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, RAND được gọi bằng những cái tên khác nhau như Trung tâm phân tích và tình báo, Trung tâm nghiên cứu về Liên Xô hay Liên Xô học, “Cỗ máy tư duy” của CIA, Tổ chức tư vấn Mỹ, Công ty của “nhà nước ngầm”,... có ảnh hưởng lớn nhất trong hệ thống hoạch định chiến lược chính trị - an ninh của Mỹ.

Trong lịch sử hình thành và phát triển, RAND tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu nước Mỹ và thế giới. Trong đó có Giáo sư Francis Fukuyama - tác giả của luận thuyết nổi tiếng “Sự cáo chung của lịch sử” bàn về quá trình “Mỹ hóa thế giới” trong kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice - chuyên gia số 1 của Mỹ chuyên nghiên cứu về Liên Xô và Nga, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld - thành viên Ban Giám đốc của RAND. Trong hơn nửa thế kỷ qua, hơn 30 nhà khoa học đoạt Giải thưởng Nobel từng tham gia các công trình nghiên cứu chiến lược của RAND và hoạt động trong các ban nghiên cứu do RAND thành lập theo thời vụ.

Nhiều chuyên gia phân tích của RAND đồng thời là thành viên của Viện SFI - một tổ chức nghiên cứu liên ngành độc lập phi lợi nhuận và có uy tín hàng đầu thế giới.

Trong số các khách hàng ký kết hợp đồng với RAND trước hết phải kể đến CIA, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngoài ra, khách hàng của RAND còn có cả Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Soros (chuyên tiến hành các cuộc “cách mạng màu” ở nhiều quốc gia trên thế giới), Tập đoàn công nghiệp Rockefeller, các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như Harvard và Stanford, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia.

Lĩnh vực nghiên cứu của RAND rất rộng, gồm các chủ đề thuộc chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quân sự, chiến lược đối ngoại, kinh tế, văn hóa... Kể từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, RAND tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực điện toán, lập trình và đã có những đóng góp rất quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghệ mạng Internet.

Từ đầu những năm 50 thế kỷ XX, RAND từng tham gia hoạch định các nhiệm vụ chiến lược tối mật và đặc biệt quan trọng của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và các tổ chức chính trị - an ninh khác của Mỹ. RAND thường nghiên cứu những vấn đề mà các nhà khoa học coi là “những bài toán hóc búa nhất thế giới”.

Theo thời gian, phạm vi nghiên cứu của RAND được mở rộng và tập đoàn này được đánh giá là một trong những tổ chức phân tích lớn nhất có giá trị định hình chính sách đối ngoại của Mỹ.

Những người sáng lập RAND là đại diện của tổ hợp công nghiệp - quân sự Mỹ mà mối quan tâm trước hết của họ là biện minh cho chính sách can thiệp quân sự của Mỹ trên khắp thế giới và chủ trương của Mỹ không ngừng gia tăng ngân sách quân sự. Kết quả nghiên cứu của RAND là một trong những cơ sở luận chứng quan trọng để Chính phủ Mỹ hoạch định ngân sách quân sự khổng lồ hằng năm.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của RAND là “tạo dựng kẻ thù của nước Mỹ” để làm luận cứ xây dựng chính sách đối ngoại của Washington. Trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh, RAND coi Liên Xô là “kẻ thù chính” của nước Mỹ.

Theo RAND, do Liên Xô là siêu cường quân sự có vị thế cân bằng chiến lược với Mỹ nên Washington cần chấp nhận “chung sống hòa bình” với Moscow và thực thi chiến lược “diễn biến hòa bình” hoặc chiến lược “chiến thắng không cần chiến tranh”.

Thực thi chiến lược này, Mỹ đã thành công trong nỗ lực làm tan rã Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung tâm nghiên cứu Liên Xô của RAND gồm hàng trăm chuyên gia và nhân viên được đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu Nga và lục địa Âu - Á.

Trong bối cảnh đó, RAND xây dựng luận cứ để tạo dựng kẻ thù mới của Mỹ là “chủ nghĩa khủng bố quốc tế”, đứng đầu là Osama Bin Laden. Ngay sau vụ tấn công nhằm vào Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới ở New York ngày 11-9-2001, không cần điều tra, Tổng thống Mỹ G.W. Bush tuyên bố Osama Bin Laden là “thủ phạm”.

Núp dưới chiêu bài “chống Osama Bin Laden”, Mỹ tiến hành “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” để giành quyền kiểm soát vành đai địa - chính trị Đại Trung Đông, bắt đầu từ Afghanistan.

Trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ, theo tư vấn của RAND, vấn đề “bảo vệ nhân quyền” và “xúc tiến dân chủ” luôn được sử dụng như một thứ vũ khí để tiêu diệt các đối thủ của Mỹ trên thế giới hoặc để hoạch định các chiến dịch can thiệp quân sự do Lầu Năm Góc tiến hành.

Dựa trên cơ sở tư vấn của RAND, Mỹ dàn dựng vụ Tổng thống Nam Tư “vi phạm nhân quyền” và với lập luận “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ chỉ huy phát động cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư trong năm 1999.

Năm 2011, Mỹ lại dựng lên vụ Tổng thống Libya Muammar Gaddafi “vi phạm nhân quyền”. Mượn cớ “bảo vệ nhân quyền”, NATO do Mỹ đứng đầu tiến hành chiến dịch quân sự để tiêu diệt Muammar Gaddafi và tàn phá Libya - quốc gia đáng sống nhất ở châu Phi.

Trong quan hệ với Nga, trong những năm 90, với sự tài trợ của Chính phủ Mỹ, RAND hoàn thành bản báo cáo có tựa đề “Kết luận về mức độ suy tàn của nước Nga. Xu hướng và tác động đối với Mỹ”. Các chuyên gia của RAND coi Nga là “mối đe dọa mới” đối với Mỹ xuất phát từ chính sự suy thoái về quân sự, chính trị, kinh tế - xã hội của một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược.

Theo RAND, các dấu hiệu suy thoái ở Nga như hệ thống kinh tế hiệu quả thấp, nạn tham nhũng kết hợp với nền kinh tế tội phạm, quá trình tư nhân hóa các thể chế nhà nước bị lợi dụng để làm giàu cho cá nhân, quân đội rệu rã về tổ chức, xã hội không còn định hướng về tinh thần và đạo đức.

Theo RAND, tình trạng hỗn loạn gia tăng ở Nga có thể kích động hành động sử dụng vũ khí hạt nhân và dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Dự báo này đã không trở thành hiện thực sau khi ông Vladimir Putin bước vào Điện Kremlin, đưa Nga thoát khỏi tình thế khủng hoảng toàn diện và phát triển thành cường quốc mới.

Để chống phá Nga, RAND góp phần rất quan trọng vào việc hoạch định chiến lược biến Ukraina thành “quốc gia thù địch” với Nga và sử dụng quân đội Ukraina để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga. RAND coi Ukraina là “tiền đồn của nền dân chủ phương Tây” trong cuộc chiến chống lại “chế độ chuyên chế” ở Moscow.

Ý kiến tư vấn này của RAND được hiện thực hóa bằng cuộc đảo chính trong tháng 2-2014 để dựng lên ở Kiev chính quyền tân quốc xã chịu sự kiểm soát hoàn toàn của Washington. RAND hoàn thành bản báo cáo có tựa đề “Kế hoạch hủy diệt nước Nga”.

Theo RAND, kế hoạch này được thực hiện bằng nhiều biện pháp phi quân sự, trong đó có biện pháp giảm giá dầu, gia tăng các biện pháp cấm vận để đưa kinh tế Nga lâm vào cuộc khủng hoảng. Đồng thời, Mỹ đẩy mạnh sản xuất dầu từ đá phiến để tung ra thị trường thế giới nhằm giảm giá dầu xuống mức 30 USD/thùng.

Theo tính toán của RAND, với giá dầu 30 USD/thùng, nền kinh tế của Nga vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, Tổng thống Nga V. Putin đã đối phó thành công kế sách này của RAND. Nga không chỉ chịu đựng được sức ép giá dầu giảm xuống mức 30 USD/thùng mà còn giành lại quyền kiểm soát các công ty sản xuất dầu mỏ và khí đốt do các đối tác nước ngoài vội vàng bán tháo cổ phiếu của họ xuất phát từ lo ngại đồng ruble mất giá thê thảm và nền kinh tế Nga sụp đổ.

Trong khi đó, chính các công ty sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ bị phá sản hàng loạt do không chịu được mức giá dầu 30 USD/thùng. Ngoài biện pháp thao túng thị trường dầu khí, RAND còn đề xuất áp đặt các biện pháp cấm vận Nga như loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các chuyên gia của RAND gọi biện pháp này là “quả bom hạt nhân tài chính”.

Trong lĩnh vực chính trị, theo đề xuất của RAND, Mỹ ra sức cô lập Nga với phần còn lại của thế giới; thao túng diễn đàn Liên hợp quốc để cô lập Nga và trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga, gây khó khăn nghiêm trọng đối với hoạt động đối ngoại của Moscow.

Đồng thời, Mỹ lôi kéo các lực lượng đối lập ở Nga ra sức cổ súy “các giá trị phương Tây” để gây bất ổn và chia rẽ xã hội Nga; sử dụng bộ máy tuyên truyền khổng lồ kích động tâm trạng phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina nhằm lôi kéo các lực lượng đối lập chống lại chính quyền của Tổng thống

V. Putin. Trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, Mỹ ra sức tẩy chay văn hóa Nga. Trong lĩnh vực giáo dục và khoa học, phương Tây ngăn chặn quyền của các nhà khoa học Nga tham gia và tiếp cận các hoạt động học thuật, giáo dục và khoa học; cấm các nhà khoa học Nga xuất bản các bài báo ở nước ngoài và phong tỏa quyền truy cập cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học quốc tế; ngăn chặn các thông tin chính thống của Nga phổ biến trên các nền tảng Internet, YouTube, đặc biệt là các thông tin chính thức của Nga về cuộc chiến ở Ukraina...

Ngoài chống Nga, RAND còn đề xuất coi Trung Quốc là mối đe dọa chủ yếu và có hệ thống đối với Mỹ và phương Tây. RAND nhận định Nga là “quốc gia bất trị”, không phải đối thủ cạnh tranh của Mỹ, còn Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ nhưng không phải là “quốc gia bất trị”.

Theo RAND, do Nga và Trung Quốc đặt ra những thách thức khác nhau nên Mỹ cần áp dụng các biện pháp khác nhau để đối phó. Theo RAND, Nga chỉ là quốc gia “phá hoại trật tự thế giới” nhưng không theo đuổi tham vọng giành quyền thống trị thế giới. Còn Trung Quốc mới là quốc gia theo đuổi tham vọng thay thế Mỹ để lãnh đạo thế giới núp dưới khẩu hiệu “xây dựng cộng đồng quốc tế cùng chung vận mệnh”.

Lê Thế Mẫu

Theo Chuyên trang Hồ sơ Sự kiện - Tạp chí Cộng sản