Xung đột Israel - Iran: Hồi chuông cảnh tỉnh châu Á về sự phụ thuộc dầu mỏ từ Trung Đông

09:02 | 01/07/2025

54 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Căng thẳng gần đây giữa Israel và Iran đã cho thấy rõ những lỗ hổng trong an ninh năng lượng của nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc - trong bối cảnh chuyển đổi sang năng lượng sạch tại khu vực này vẫn còn chậm chạp.
Xung đột Israel - Iran: Hồi chuông cảnh tỉnh châu Á về sự phụ thuộc dầu mỏ từ Trung Đông
Châu Á hiện vẫn phụ thuộc lớn vào dầu khí từ Trung Đông, đặc biệt là nguồn cung đi qua eo biển Hormuz - nơi trung chuyển khoảng 20% lượng dầu và LNG toàn cầu. Hình minh họa

Châu Á hiện vẫn phụ thuộc lớn vào dầu khí từ Trung Đông, đặc biệt là nguồn cung đi qua eo biển Hormuz - nơi trung chuyển khoảng 20% lượng dầu và LNG toàn cầu. Bốn quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiêu thụ tới 75% lượng dầu khí đi qua khu vực này.

Theo tổ chức Zero Carbon Analytics, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước dễ bị tổn thương nhất, do mức độ phụ thuộc lớn vào nhập khẩu năng lượng và tốc độ phát triển năng lượng tái tạo còn chậm. Năm 2023, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 9% trong cơ cấu điện của Hàn Quốc, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 33% của khối OECD. Nhật Bản vẫn đứng đầu G7 về mức độ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Dù tình hình tạm ổn định nhờ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran, các chuyên gia cảnh báo rằng châu Á cần sớm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và thúc đẩy năng lượng trong nước - nhất là trong bối cảnh địa chính trị khó lường. Ông Murray Worthy từ Zero Carbon Analytics nhận định: “Đây là rủi ro có thật, cần được đưa vào chiến lược an ninh năng lượng và phát triển kinh tế quốc gia”.

Nhật Bản và Hàn Quốc: Những điểm yếu rõ ràng

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ là hai khách hàng mua dầu lớn nhất qua eo Hormuz, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc mới là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất, theo tổ chức nghiên cứu Ember: Nhật Bản phụ thuộc 87% vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu; Hàn Quốc: 81%; Trung Quốc: 20%; Ấn Độ: 35%.

Ông Sam Reynolds từ Viện IEEFA cho biết: 75% dầu nhập khẩu của Nhật Bản, hơn 70% dầu của Hàn Quốc và khoảng 1/5 lượng LNG Hàn Quốc sử dụng, đều đi qua eo Hormuz - một tuyến đầy rủi ro. Tuy nhiên, cả hai nước vẫn đang ưu tiên đa dạng hóa nguồn cung dầu khí, hơn là tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Chuyển đổi năng lượng: Vẫn quá chậm

Nhật Bản dự kiến đến năm 2040 vẫn sử dụng 30-40% năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thậm chí còn đang xây thêm các nhà máy LNG mới để thay thế cơ sở cũ.

Hàn Quốc đặt mục tiêu giảm tỷ trọng LNG trong sản xuất điện từ 28% hiện tại xuống còn 25,1% vào năm 2030, và chỉ còn 10,6% vào năm 2038. Tuy vậy, tiến độ triển khai vẫn chậm.

Theo Viện Agora Energiewende, nếu muốn đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050: Nhật Bản cần lắp thêm khoảng 9 GW điện mặt trời và 5 GW điện gió mỗi năm đến 2030; Hàn Quốc cần bổ sung 9 GW điện mặt trời và 6 GW điện gió mỗi năm.

Chính sách năng lượng của Nhật Bản thiếu nhất quán

Nhật Bản hiện vẫn đang trợ giá xăng dầu, tăng nhập khẩu LNG và tài trợ cho các dự án dầu khí ở nước ngoài, trong khi việc phát triển điện gió ngoài khơi gặp nhiều rào cản pháp lý. Dù đã đặt mục tiêu khí hậu, nước này vẫn chưa có lộ trình rõ ràng để cắt giảm khí thải từ ngành điện.

Ông Tim Daiss, chuyên gia tư vấn năng lượng tại APAC, cho rằng: “Nhật Bản đang làm chưa đủ, và cách làm hiện tại cũng không hiệu quả”. Ông chỉ ra việc Nhật Bản sử dụng hydro khai thác từ khí đốt là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận chưa triệt để.

Hàn Quốc: Giá điện thấp cản trở chuyển đổi năng lượng

Theo ông Kwanghee Yeom từ tổ chức Agora Energiewende, giá điện ở Hàn Quốc hiện đang quá thấp, khiến các dự án điện mặt trời và điện gió khó thu hút đầu tư. Việc thiếu lợi nhuận làm suy giảm động lực phát triển năng lượng tái tạo.

“Muốn thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, Hàn Quốc cần điều chỉnh giá điện hợp lý và tăng hỗ trợ đầu tư”, ông nói thêm.

Trung Quốc và Ấn Độ: Đã hành động, nhưng chưa đủ

Trung Quốc và Ấn Độ đã có những bước tiến nhằm giảm rủi ro từ biến động giá năng lượng và đứt gãy nguồn cung.

Năm 2024, Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về tăng trưởng năng lượng sạch, với công suất điện mặt trời tăng 45%, điện gió tăng 18%. Dù trữ lượng khí đốt trong nước giảm, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh khai thác để giảm phụ thuộc LNG nhập khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong đó khoảng 50% lượng dầu (trên tổng số hơn 11 triệu thùng/ngày) đến từ Trung Đông.

Về phía Ấn Độ, dù vẫn phụ thuộc vào than đá, nước này đang đẩy mạnh phát triển điện sạch. Năm 2023, Ấn Độ đưa vào vận hành 30 GW năng lượng tái tạo, đủ cung cấp cho khoảng 18 triệu hộ dân.

Theo bà Vibhuti Garg từ Viện IEEFA, việc đa dạng hóa nguồn cung dầu từ Mỹ, Nga và Trung Đông giúp Ấn Độ giảm rủi ro. Tuy nhiên: “Ấn Độ vẫn cần một cú hích lớn để bứt phá về năng lượng tái tạo, nếu muốn đảm bảo an ninh năng lượng bền vững”.

Đông Nam Á: Đối mặt rủi ro kép

Ông Sam Reynolds từ IEEFA cảnh báo: “Nếu eo biển Hormuz bị gián đoạn, nhiều nước châu Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đó, năng lượng tái tạo sẽ là “tấm lá chắn thiết yếu” trước rủi ro nhập khẩu và biến động giá”.

Theo Trung tâm Năng lượng ASEAN tại Jakarta, Đông Nam Á đã trở thành khu vực nhập khẩu ròng dầu mỏ, do nhu cầu ở Malaysia và Indonesia vượt sản lượng nội địa. Dù vẫn xuất khẩu LNG nhiều hơn nhập khẩu, nhờ nguồn từ Brunei, Indonesia, Malaysia và Myanmar, nhưng theo dự báo của Wood Mackenzie, ASEAN sẽ trở thành khu vực nhập khẩu ròng LNG vào năm 2032.

Hiện khu vực này đang đối mặt với ba thách thức chính: Nhu cầu năng lượng tăng nhanh; Sản lượng dầu khí giảm do mỏ cũ suy kiệt; Năng lượng tái tạo phát triển chưa theo kịp.

Cán cân năng lượng vì thế đang trở nên mong manh. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu không có thay đổi chính sách mạnh mẽ, chi phí nhập khẩu dầu của ASEAN có thể tăng từ 130 tỷ USD (2024) lên hơn 200 tỷ USD vào 2050.

Ông Reynolds kết luận: “Năng lượng sạch không chỉ giúp chống biến đổi khí hậu - mà còn là yếu tố sống còn để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Tổng thống Nga đề xuất giải pháp hoà bình cho xung đột Israel - IranTổng thống Nga đề xuất giải pháp hoà bình cho xung đột Israel - Iran
Xung đột Israel - Iran và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầuXung đột Israel - Iran và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu
Xung đột Israel - Iran khiến Trung Quốc xem xét lại dự án đường ống khí đốt với NgaXung đột Israel - Iran khiến Trung Quốc xem xét lại dự án đường ống khí đốt với Nga

Nh.Thạch

AFP

  • bidv-14-4
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • banner-pvi-horizontal
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • agribank-vay-mua-nha
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps