43 ngàn tấn dầu ăn bẩn được xuất khẩu sang Đài Loan như thế nào?

07:00 | 03/11/2014

2,584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu loại trừ khả năng chứng thư giám định mà Vinacontrol đã cấp là chứng thư không đảm bảo công khai, minh bạch thì có thể kết luận hàng chục ngàn tấn mỡ bẩn được xuất trót lọt sang Đài Loan là do Công ty TNHH Thương mại Đại Hạnh Phúc “bắt tay” với Công ty Đỉnh Tân (Đài Loan) để lừa đảo và trục lợi người tiêu dùng.

Năng lượng Mới số 370

Chứng thư cấp một đằng xuất một nẻo

Ngày 12/10, Công ty Dầu công nghiệp Đỉnh Tân (Đài Loan) bị nhà chức trách sở tại buộc thu hồi 54 sản phẩm do có liên quan đến vụ sản xuất đồ hộp có chứa dầu ăn bẩn. Khai báo với cơ quan chức năng Đài Loan, Công ty Đỉnh Tân khẳng định số dầu trên được nhập từ Công ty TNHH Thương mại Đại Hạnh Phúc (gọi tắt: Công ty Đại Hạnh Phúc) ở TP HCM, Việt Nam. Hàng chục ngàn tấn dầu bẩn xuất sang Đài Loan đều được cấp chứng thư đảm bảo từ Công ty TNHH Giám định Vinacontrol (gọi tắt: Vinacontrol).

Khi tiếp cận vụ việc, báo giới đã nhận thấy vụ việc có rất nhiều điều khuất tất, chưa được làm sáng tỏ.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó giám đốc Công ty Vinacontrol thông tin như sau: Đại Hạnh Phúc yêu cầu giám định lô hàng đầu tiên vào tháng 1/2012 và lần giám định lô hàng gần đây nhất tháng 6/2014. Thời gian trên, Vinacontrol giám định 45 lô hàng của  Công ty Đại Hạnh Phúc gồm: 43 lô hàng xuất sang Đài Loan và 2 lô hàng đi Malaysia.

43 ngàn tấn dầu ăn bẩn được xuất khẩu sang Đài Loan như thế nào?

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó giám đốc Công ty TNHH Giám định Vinacontrol

Đáng chú ý, Công ty Đại Hạnh Phúc xuất sang Đài Loan có 42 lô dùng cho người và chỉ 1 lô hàng dùng làm thức ăn gia súc có khối lượng 111,47 tấn xuất vào ngày 27/11/2012. Các hợp đồng mua bán trên được Đại Hạnh Phúc kê khai: Mỡ bò, mỡ heo và dầu dừa.

Ông Nhựt cho biết, Vinacontrol thực hiện việc giám định thương mại dựa trên hồ sơ gồm: Giấy yêu cầu giám định của Vinacontrol và 1 hợp đồng mua bán giữa Công ty Đại Hạnh Phúc với đối tác ở nước ngoài.

Khi Vinacontrol nhận đơn yêu cầu của Công ty Đại Hạnh Phúc, lãnh đạo Vinacontrol phân công giám định viên đến cơ sở Đại Hạnh Phúc để thực hiện việc lấy mẫu theo quy trình giám định. Sau đó, phòng giám định sẽ thực hiện công đoạn mã hóa bằng số hiệu để gửi đến trung tâm phân tích Vinacontrol tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Trung tâm phân tích nhận mẫu hàng đã mã hóa từ phòng giám định và phân tích độc lập theo yêu cầu giám định từ phía khách hàng.

Cách lấy mẫu lô hàng được sử dụng theo phương pháp bất kỳ đại diện. Chẳng hạn, lô hàng 222 tấn, tương đương 10 bồn container sẽ lấy mẫu lần lượt 10 bồn mang trộn chung. Các mẫu được trộn với nhau và lấy ra 1 mẫu chung đại diện đưa đi phân tích, kiểm nghiệm chất lượng dựa trên các quy định, thông tư hướng dẫn về phân tích, kiểm soát chỉ tiêu chất lượng. Từ đó sẽ đánh giá sản phẩm dầu mỡ của Công ty Đại Hạnh Phúc để đưa ra kết luận về lô hàng.

Công ty Đại Hạnh Phúc từng xuất lô hàng ít nhất 44 tấn và nhiều nhất là 222 tấn. Trong 42 lô hàng xuất đi Đài Loan, Vinacontrol xác nhận hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn thực phẩm dành cho con người. Hồ sơ lưu trữ tại Vinacontrol cho thấy lô hàng đồng nhất về chất lượng và gồm nhiều container. Mỗi 1 container chứa hàng có trọng lượng nặng khoảng 22 tấn.

Sau khi nghe thông tin hàng chục ngàn tấn dầu bẩn có chứng thư đảm bảo của Vinacontrol, Bộ Công Thương lập tức vào cuộc để thẩm tra hồ sơ các lô hàng của Công ty Đại Hạnh Phúc. Tất cả hồ sơ liên quan đến Công ty Đại Hạnh Phúc đã được gửi về Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Công Thương.

Ông Nhựt khẳng định: “Đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa nhận được những nhận xét, đánh giá từ Bộ Công Thương. Là người trong cuộc, Vinacontrol mạnh dạn tuyên bố đã thực hiện trung thực, khách quan theo đúng quy trình giám định và đưa ra kết quả phù hợp với quá trình giám định”.

Trong những ngày qua, nhiều cơ quan truyền thông của Đài Loan đã sang Việt Nam để tìm hiểu về chức trách nhiệm vụ của Vinacontrol liên quan đến số lượng 43 ngàn tấn dầu đã được xuất sang. Vinacontrol tái khẳng định, chỉ kiểm nghiệm và cấp chứng thư cho khoảng 5,2 ngàn tấn. Trong những lô hàng, Vinacontrol đều có chứng thư. 

Theo ông Nhựt, để kiểm tra chính xác các mã số chứng thư trên có đúng là do Vinacontrol kiểm định hay không thì nhà chức trách Đài Loan có thể kiểm tra khối lượng hàng có đúng với mã chứng thư được cấp hay không.

Chẳng hạn,Vinacontrol chứng nhận Công ty Đại Hạnh Phúc xuất 66 tấn nhưng khối lượng trên chứng thư là 660 ngàn tấn thì phải xem xét chứng thư trên có bị sửa hay không? Trong quá khứ, chứng thư Vinacontrol đã từng bị làm giả và bị phát hiện bởi khách hàng ở nước ngoài. Một số khách hàng nghi ngờ đã gửi công văn sang để kiểm tra lại lô hàng đã kiểm định theo chứng thư được cấp. Từ mã số, Vinacontrol xác nhận với khách hàng ở nước ngoài chứng thư bị làm giả.

Một ví dụ khác liên quan đến một doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM xuất khẩu nhân hạt điều đi nước ngoài. Khi hàng đã sang nước sở tại, chất lượng không đúng với chứng thư đã kiểm định. Mã số kiểm nghiệm được lưu lại Vinacontrol không phù hợp với chứng thư của đối tác cung cấp. Cơ quan chức năng đã vào cuộc phát hiện đối tác tại Việt Nam làm giả chứng thư của Vinacontrol để gửi hàng đi nước ngoài.

Năm 2013, một công ty xuất nhập khẩu tại thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đã ghi khống số lượng trong kho đến hàng ngàn tấn tiêu để thế chấp. Ngân hàng đã đến Vinacontrol để xác minh lại số chứng thư trên mới phát hiện ra đây là một vụ lừa đảo.

“Tiền sử” nhập mỡ bẩn của Đại Hạnh Phúc

Nhân  vụ này, nhớ lại ngày 11/6/2011, Tổ kiểm tra liên ngành trên tuyến xa lộ Hà Nội (thuộc địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức) đã phát hiện xe khách chất lượng cao loại 45 chỗ chở 18 thùng xốp chứa khoảng 1 tấn da heo và mỡ heo bốc mùi hôi thối.

Tất cả lô hàng trên được giấu trong khoang cất giữ hành lý của khách. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ lô hàng thừa nhận số da heo và mỡ heo thối được chở đến 2 cơ sở khác để chế biến rồi bàn giao cho Công ty Đại Hạnh Phúc. Hai cơ sở chế biến mỡ nước từ phụ phẩm heo đều không đăng ký kiểm dịch động vật theo quy định của địa phương và trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn.

43 ngàn tấn dầu ăn bẩn được xuất khẩu sang Đài Loan như thế nào?

Công ty TNHH Thương mại Đại Hạnh Phúc

Ngày 26/10, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM nói với phóng viên Báo Năng Lượng Mới: “Công ty Đại Hạnh Phúc chỉ hoạt động sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất dầu mỡ động thực vật. Trong quá trình kiểm tra, Đại Hạnh Phúc đã khai báo chỉ sử dụng mỡ cá, không sử dụng mỡ động vật như mỡ heo, bò nên không thuộc thẩm quyền của thú y.

Ngày 6/10, Chi cục Thú y có kết hợp với Quản lý thị trường và Công an huyện Hóc Môn đến Công ty Đại Hạnh Phúc để xác minh việc nhập mỡ động vật nhưng chỉ ghi nhận mỡ cá dạng nước và bột cá dạng khô. Lực lượng chức năng cũng phát hiện, công ty này còn kinh doanh mỡ động vật dạng nước nhưng không nhập về trụ sở mà chuyển thẳng từ các tỉnh, đưa ra cảng để xuất khẩu.

Ngày 23/10, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị UBND TP HCM thu hồi giấy phép sản xuất kinh doanh thực phẩm của Công ty Đại Hạnh Phúc do liên quan 43 ngàn tấn dầu mỡ bẩn. Bộ Công Thương yêu cầu cơ quan chức năng TP HCM đình chỉ hoạt động và tiến hành thanh tra toàn diện đối với Công ty Đại Hạnh Phúc. Quá trình kiểm tra đã phát hiện công ty này chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sản xuất thực phẩm.

Trộn lẫn dầu sạch với dầu bẩn

Cuối tháng 9/2014, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nhận được thông báo của Bộ Y tế về việc Công ty Đại Hạnh Phúc có những lô hàng nghi là dầu mỡ thực vật xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Bộ Công Thương đã ra văn bản yêu cầu Sở Công Thương TP HCM tiến hành xác minh để làm rõ thông tin trên. Ngay sau đó, các Chi cục Quản lý thị trường của TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… được huy động để kiểm soát sản phẩm của Công ty Đại Hạnh Phúc tại các cửa hàng, siêu thị và các chợ đầu mối. Thông tin từ các Chi cục Quản lý thị trường, những sản phẩm của Công ty Đại Hạnh Phúc không dùng để tiêu thụ cho thị trường trong nước.

Nhận được chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP HCM đã kiểm tra và báo cáo lên lãnh đạo Bộ kết quả, Công ty Đại Hạnh Phúc không sản xuất dầu dành cho người ăn mà chỉ chế biến để xuất khẩu mỡ động vật sang Đài Loan.

Đoàn công tác của Vụ Khoa học và Công nghệ đã trực tiếp kiểm tra tại Công ty Đại Hạnh Phúc. Theo thống kê, từ tháng 1/2011 đến tháng 9/2014, Công ty này đã xuất 276 lô hàng dầu mỡ dành cho động vật sang thị trường Đài Loan. Đối chiếu với kết quả lưu trữ Vinacontrol, 42 lô hàng được kê khai phù hợp dành cho người được xuất khẩu trong khoảng từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2014 là đúng. Hành vi này của Công ty Đại Hạnh Phúc đã vi phạm Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.

Công ty Đại Hạnh Phúc còn có hành vi sản xuất trái phép và xuất khẩu sản phẩm dùng cho người không đăng ký, công bố tiêu chuẩn hợp quy. Cơ sở chế biến của Đại Hạnh Phúc chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Những lô hàng được cấp chứng nhận từ Vinacontrol đã bị Công ty Đại Hạnh Phúc trà trộn vào những lô hàng không đạt chất lượng dành cho người để xuất sang Đài Loan. Năm 2011, Công ty Đại Hạnh Phúc xuất khoảng 97 lô hàng dành cho gia súc. Sang năm 2012, Đại Hạnh Phúc bắt đầu sử dụng chiêu “xuất xen kẽ” dầu dành cho gia súc với dầu dành cho người để xuất khẩu.

Hưng Long