"Vũ trụ" và "thế giới"

07:00 | 19/01/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Kính gửi bác An Chi! Xin bác cho biết nguồn gốc của từ “vũ trụ” và tại sao lại gọi là “thế giới”? Xuân Lan (Viện Dầu khí)

Học giả An Chi: Ở bên Tàu, người ta cho rằng, có thể hai chữ “vũ trụ” [宇宙] kết hợp với nhau để chỉ khái niệm triết học xuất hiện lần đầu tiên trong thiên “Tề vật luận” của sách Trang Tử. Quả nhiên, nếu đọc bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn hóa - Thông tin, 1994), ta sẽ thấy nó xuất hiện ở nhiều chỗ trong thiên này, đặc biệt là ở đoạn:

“Một người bảo rằng, vũ trụ có khởi thủy; một người khác bảo không có khởi thủy, một người nữa bác thuyết người thứ nhì dùng để bảo vũ trụ không có khởi thủy. Nói cách khác: một người bảo mới đầu vũ trụ có cái gì đó (hữu), một người khác bảo mới đầu vũ trụ không có cái gì cả (vô); một người nữa bác thuyết lúc đầu vũ trụ không có cái gì cả; lại một người thứ tư khác nữa bác cái thuyết người thứ ba dùng để bác cái thuyết mới đầu vũ trụ không có cái gì cả. Khi thì là có (hữu), khi thì là không (vô). Mà không biết cái “có”, cái “không” đó có thực là “có”, có thực là “không” không” (tr.167).

Tuy nhiên, trên đây dù sao cũng lại là chuyện cao sâu về nguồn gốc của chính vũ trụ, còn điều bạn muốn biết thì lại là nguồn gốc của hai chữ/tiếng dùng để diễn đạt khái niệm phức tạp đó. Xin phân tích từng chữ như sau:

Chữ “vũ” [宇] có nghĩa gốc là mái nhà, thềm nhà, chái nhà; rồi nghĩa phái sinh là buồng, phòng và nghĩa rộng hơn nữa là chỗ ở; rồi lại là cương vực, lãnh thổ và cuối cùng là “không gian” mà các từ điển xưa thường hay giảng là “tứ phương thượng hạ vị chi vũ” [四方上下 谓 之宇] (bốn hướng và trên dưới gọi là vũ). Chữ “trụ” [宙] vốn có nghĩa là “cột, rường” (đống lương), như đã giảng trong Thuyết văn giải tự Đoàn (Ngọc Tài) chú. Vì vậy nên chúng tôi cho rằng, nó là đồng nguyên tự của chữ “trụ” [柱] là cột (nhà) nhưng đã bị “hình nhi thượng hóa” để chỉ “thời gian” mà các từ điển xưa giảng là “cổ vãng kim lai viết trụ” [古往今来曰宙] (xưa qua nay đến gọi là trụ).

Còn “thế giới” [世界] thì, nói chung, trong tiếng Hán, nó vốn đồng nghĩa với “thiên địa”, “thiên hạ”, “nhân gian”, “thế gian”, v.v… Trong ngôn ngữ chính trị hiện đại thì nó đồng nghĩa với “toàn cầu”, “hoàn cầu”, “hoàn vũ”, rồi trong nhiều trường hợp, cũng đồng nghĩa với “quốc tế”. Chữ “thế” [世] vốn có nghĩa là “đời” với cái nghĩa khá rộng rãi mà ta sử dụng trong tiếng Việt như trong “suốt đời”, “đời cha, đời con”, “đời vua, đời tổng thống”, “đời Lý, đời Trần”, v.v... Chữ “giới” [界] có một hệ nghĩa khá phong phú mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho như sau: – ranh giới đất đai (nghĩa 1); – giới hạn (nghĩa 2); – tiếp giáp (nghĩa 3); – phân ranh (nghĩa 4); – chia cắt (nghĩa 5); – phạm vi nhất định (nghĩa 6); – tầng lớp những người cùng chức nghiệp hoặc loại hình hoạt động trong xã hội (nghĩa 7); v.v...

Riêng chữ này lại có duyên nợ đặc biệt với tiếng Việt liên quan đến từ “kẻ” đứng trước địa danh mà nhiều người cho là “thuần Việt” còn chúng tôi thì luôn luôn duy trì quan điểm cho rằng, nó là một từ gốc Hán, như chúng tôi đã trình bày vài lần, chẳng hạn tại mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của tạp chí Kiến thức Ngày nay số 229 (1/12/1996), với đoạn sau đây:

“Kẻ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 界 mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “giới”, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng hơn là “giái” còn âm Hán Việt chính thống hiện đại thì lại là “cái” vì thiết âm của nó trong Quảng vận là “cổ bái thiết”. “Giới/cái” có nghĩa gốc là lằn ranh giữa hai (hoặc nhiều) vùng đất, rồi có nghĩa phái sinh theo hoán dụ là vùng đất giới hạn trong lằn ranh đó; cuối cùng mới có cái nghĩa rộng là một vùng đất nhất định. Đây chính là nghĩa của từ “cái” trong thành ngữ “lạ nước lạ cái” (= lạ nơi lạ chốn) và nghĩa của từ “kẻ” trong “kẻ Chợ”, “kẻ Noi”, “kẻ Sặt”, v.v...

“Giới/cái” 界 là một chữ thuộc vận bộ “quái” 怪, tức vận –ai [aj] mà cách đọc xưa là “e” [ɛ], không có âm cuối vần [Viết thêm ngày 15/1/2013: Âm Hán Việt xưa của chữ này là “qué” trong “mách qué” - Thêm xong], giống với vận bộ “quái” 卦 mà âm xưa là “quẻ”, như Vương Lực đã chứng minh trong Hán ngữ sử luận văn tập (Bắc Kinh, 1958, tr.365-367). Vậy “kẻ” (vùng đất nhất định) ~ giới/cái 界 cũng giống như: – quẻ (bói) ~ (bát) quái; – khỏe (mạnh) ~ khoái (hoạt); – ghẻ (chốc) ~ giới/cái 疥 (= ghẻ), – đặc biệt hoàn toàn giống như kẻ (trong kẻ ở người đi) ~ giới/cái 介 (= người. Từ hải: 一介á nhất giới/cái = 一人 nhất nhân). Nhưng đặc biệt hơn hết là liên quan đến chữ “giới” 界 đang xét, chúng ta còn có: (thước) kẻ ~ giới/cái (xích) vì “giới/cái” còn có nghĩa là kẻ hàng, gạch hàng nữa: “giới xích” là thước kẻ, “giới chỉ” là giấy có kẻ hàng, v.v…”

Lần này, xin nói thêm rằng, “giới/cái” và “kẻ” còn có một điệp thức (doublet) nữa là “cõi” trong “bờ cõi”, “cõi trần”, v.v... Và với điệp thức vẫn thông dụng trong tiếng Việt hiện đại này, ta có thể dịch hai tiếng “thế giới” [世界] theo nghĩa đen thành “cõi đời”; rồi từ đây ta có thể suy diễn một cách hoàn toàn tự nhiên, vì hoàn toàn hợp luận lý, theo phái sinh bằng ẩn dụ: “cõi đời” → “cõi người” → “cõi con người trên trái đất” → “thế giới”, là cái tương ứng với tiếng Pháp “monde” và tiếng Anh “world”, tức khái niệm mà bạn đã hỏi.

A.C