Cả dân gian lẫn trí thức đều có thể sai

10:26 | 26/10/2013

|
Trên tạp chí Đương Thời số Xuân Nhâm Thìn (2012), ông An Chi đã có bài “Lạc Long Quân nghĩa là gì?”. Mới đây, một người có tên là Hau Hoc Nguyen đã dẫn lời của Đinh Tuấn trên diễn đàn Viện Việt học nói về ý kiến của ông An.

Bạn đọc: Trên tạp chí Đương Thời số Xuân Nhâm Thìn (2012), ông An Chi đã có bài “Lạc Long Quân nghĩa là gì?”. Mới đây, một người có tên là Hau Hoc Nguyen đã dẫn lời của Đinh Tuấn trên diễn đàn Viện Việt học nói về ý kiến của ông An Chi như sau:

“Đọc đến đây tôi không khỏi phì cười, có lẽ cụ học giả An Chi lẩn thẩn và bạo gan bạo phổi nên mới suy đoán, kết tội lung tung.

Âm đọc 貉 như đã dẫn chứng ở diễn đàn Viện Việt học trước đây, về tự dạng là thống nhất trong thư tịch cổ của Việt Nam và về âm đọc thì sớm nhất là trong bản chép tay năm 1659 của B. Thiện viết về lược sử An Nam, đã ghi rõ ràng là LẠC. Bản chép tay này không hề được phổ biến mà có phổ biến thì vua quan nhà Lê và các chúa Trịnh - Nguyễn cũng như các nhà Nho cũng chẳng đọc được. Văn bản này chỉ để dùng ở Nhà Chung của đạo Công giáo. Do đó không có chuyện các thế hệ sau đọc theo B. Thiện. B. Thiện cũng không tự ý đọc mà chỉ dựa vào âm “lạc” truyền thống từ ký ức dân gian cũng như cách đọc của các nhà Nho xưa mà thôi.

Kết tội Trần Trọng Kim mà không có cáo trạng đầy đủ là không thành lập. An Chi không biết rằng, cụ Trương Vĩnh Ký đã viết hẳn một cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1875 cho những người đang học và đã biết chữ Quốc ngữ ở miền Nam trước cả cụ Trần. Dĩ nhiên cụ Trần đã từng đọc sách của cụ Trương và sau đó cụ Trần có một ảnh hưởng nhất định nhưng không phải là lý do chính đáng để kết tội vị học giả đáng kính, có công lớn về văn hóa Việt Nam”.

Hau Hoc Nguyen đã dẫn lời của Đinh Tuấn như trên. Xin ông An Chi cho biết ý kiến.

Nguyễn Công Trực (Cao Lãnh, Đồng Tháp)

Học giả An Chi: 1- Đinh Tuấn khẳng định rằng Bento Thiện không tự ý đọc mà chỉ dựa vào âm “lạc” truyền thống từ ký ức dân gian cũng như cách đọc của các nhà Nho xưa mà thôi. Về nguyên tắc, khẳng định như thế là hoàn toàn võ đoán, trừ phi Đinh Tuấn có bằng chứng cụ thể, chắc chắn, chứng tỏ rằng cái chữ mà Bento Thiện đọc thành “lạc” đích thị là chữ [貉] (bộ “trãi”). Thực ra, lúc đó, ông ta dựa vào “ký ức dân gian”, ông ta theo “cách đọc của các nhà Nho xưa” hay ông ta đang nhìn vào một bản khắc in, một bản chép tay để tự mình đọc thành âm “lạc” một chữ mà ngày nay không ai biết đến tự dạng cụ thể? Chỉ có Chúa và Bento Thiện biết thôi chứ Đinh Tuấn và An Chi thì dứt khoát không có thẩm quyền để trả lời cho câu hỏi này. “Lạc” là cái âm mà Bento Thiện dùng để đọc đích thị chữ Hán nào,  貉(bộ “trãi”

[豸]), 雒 (bộ “chuy” [隹]) hay 駱 (bộ “mã”[馬]), hay một chữ “lạc” nào khác nữa, trong sách của ai thì chính Đinh Tuấn cũng không thể biết được.

2- Cho dù Bento Thiện đã dựa vào âm “lạc” truyền thống từ ký ức dân gian hay cách đọc của các nhà Nho xưa thì điều này cũng tuyệt nhiên không có nghĩa là truyền thống và các nhà Nho xưa đã không đọc sai. Dù các vị có uyên bác đến đâu cũng không có nghĩa là các vị tuyệt đối không sai trong bất cứ trường hợp nào. Cách kiểm chứng hữu hiệu và đáng tin phải là qua thư tịch chứ không phải chủ yếu là dựa vào dân gian khi ta muốn đi vào từ nguyên; mà đối với chữ

[貉] đang xét thì phiên thiết trong tự thư, vận thư đều không ghi âm “lạc”. Ngay ở thời hiện đại, người ta vẫn xài “sản phẩm” sai trái của dân gian và trí thức mà nghiễm nhiên xem là cách dùng chữ dí dỏm và thú vị, như trường hợp của chữ “U” mà hầu như đều trời, người ta cho rằng có nghĩa là “lứa tuổi” (chẳng hạn, “U50” là lứa tuổi từ 50 đến 59, “U70” là lứa tuổi từ 70 đến 79, v.v...) trong khi “U” thực chất là UNDER, nghĩa là “dưới”, “chưa đến”. Trong nhiều ngày gần đây, đang có những giải bóng đá U19, U21, U23, v.v... Trừ những trường hợp đặc cách, đã là U19 thì không thể 20 tuổi, U23 thì không thể 25 tuổi, v.v... Thế nhưng người ta vẫn ung dung xài nó với nghĩa là “lứa tuổi”. Lại như trường hợp của hai chữ [深圳], ban đầu đọc thành “Thẩm Quyến”, rồi sửa thành “Thâm Quyến” để dùng cho đến bây giờ. Chúng tôi không phải là kẻ mất trí mà đòi thay đổi cách đọc này vì bây giờ nó đã được dùng đều trời. Nhưng nếu xét về nguồn gốc của từ ngữ thì chúng tôi buộc lòng phải nói rằng, đó là một cách đọc sai so với nguyên ngữ. Chữ [圳] bình thường đọc là “quyến”, nghĩa là ngòi nước ngoài đồng. Nhưng đây lại là một trường hợp đặc biệt tế nhị trong phương ngữ Quảng Đông của tiếng Hán. Cũng với nghĩa đó, người Quảng Đông phát âm nó thành “chắn” (của chữ quốc ngữ) đọc theo cách phát âm của miền Bắc (gần như “chánh” trong Nam); còn âm Bắc Kinh ghi theo pinyin là “zhèn”. Đây là một chữ “tục tự” không thông dụng và chỉ còn thấy trong vài địa danh của tỉnh Quảng Đông. Suy từ tiếng Bắc Kinh ra thì âm tương ứng của nó trong tiếng Việt là “trấn”. Và [深圳] mà đọc thành “Thâm Trấn” mới là âm tương ứng sát sao với tiếng Bắc kinh “Shènzhèn”. Rồi chuyên thời sự gần đây là, nhiều người tiếng Tây đầy minh vẫn cứ muốn hoặc ngỡ rằng “correspondant de lAcadémie des Inscriptions et Belles-Lettres” (thông tín viên của Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương) của Pháp là “viện sĩ” (hàn lâm) của Viện này. Hoặc như, đều trời, các vị trí thức không thèm nói “quỷ biện” để chỉ cái được tiếng Ăng-lê gọi là “sophism”, mà chỉ chịu nói “ngụy biện” mặc dù ta mượn từ chữ Tàu [詭辯] (“quỷ biện”). Đến nỗi Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê còn chú thích cho mục “nguỵ biện” bằng chính hai chữ Tàu này! Chẳng qua là do sự dốt nát! Dĩ nhiên là chúng tôi chỉ nêu lên sự dốt nát trong từng trường hợp cụ thể chứ không hề dám nói rằng các vị trí thức là những người dốt toàn tập. Dân gian đấy, trí thức đấy, nhà Nho đấy! Hy vọng là Đinh Tuấn sẽ tiếp tục cười… khà khà…

3- Về chữ [貉], trong bài “Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố lạc” (Hùng Vương dựng nước, tập IV, tr.134-141), hai đồng tác giả Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đã viết: Ở nước ta, có người dùng chữ [貉] để ghi từ tố “lạc”. Chữ này, đúng ra phải đọc là “mạch” hoặc là “hạc” (…) Nhưng vì sao các nhà Nho ta lại dùng chữ [貉]? Chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ các cụ đã không chấp nhận chữ “lạc” có bộ “mã” (tức chữ [駱] - AC) vì cho rằng chữ ấy biểu thị thái độ khinh miệt dân tộc (đến nay, ta vẫn còn nói “thân trâu ngựa” để chỉ sự khổ nhục và có lẽ các cụ cho rằng chính chữ Lạc có bộ “trãi” (tức chữ

[豸]  - AC) mới là chữ chỉ một giống người” (tr.135-136).

Chúng tôi không cho rằng, các cụ ta ngày xưa lại dốt đến độ không biết rằng chữ [貉] không thể đọc thành “lạc”, trong khi các vị có thể chọn những chữ “lạc” khác, chẳng hạn như chữ [洛]. Đến như nói rằng vì sợ chữ lac bộ “mã” [馬] biểu thị thái độ khinh miệt dân tộc nên họ mới dùng chữ “lạc” bộ “trãi” [豸] thì chính chữ này còn hạ dân tộc xuống tận cấp cuối cùng vì “trãi” chỉ là sâu bọ không chân (Thời Nhân văn - Giai phẩm, người ta vẫn thường nghe đến câu “sâu bọ lên làm người”!). Chứ ngựa thì dù sao vẫn có xương sống, có chân và có… vòng một!

Tóm lại, chữ [貉] không thể đọc thành “lạc”.

4- Về quyển sách của Trần Trọng Kim, chúng tôi đã viết:

“Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất nước và dân tộc. Tại tr. 23 của bản do Nxb Tân Việt - Hanoi, in và phát hành tại Saigon năm 1949, Trần Trọng Kim viết: “Lạc-Long-Quân lấy con gái vua Đế-Lai tên là Âu-Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai”. Về tên của Lạc-Long-Quân, cũng ở tr.23, Trần Trọng Kim còn chú thích cả chữ Hán là  貉龍君 nữa. Tuy nhiên, ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Trần Trọng Kim được vì các tác giả về sau có trách nhiệm phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo ông một cách mù quáng (nếu đúng là họ đã nghe ông). Rất có thể là trước cả Trần Trọng Kim cũng đã có người/nguồn đọc như thế, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần”.

Chúng tôi chỉ ghi nhận một thực tế như trên chứ không lên án hay kết tội ai cả. Vấn đề chỉ là ở chỗ sự ghi nhận đó có đúng hay không mà thôi.

A.C