Lại buồn về "quan trí"

07:00 | 21/11/2014

9,821 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chúng tôi đi dự họp và cảm thấy vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười khi có đại biểu chất vấn, đại ý rằng: Để thúc đẩy sử dụng xăng sinh học E5, rất cần sự chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về độ an toàn của xăng này.

 

Năng lượng Mới số 376

Tại kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội, chiều ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Chúng tôi đi dự họp và cảm thấy vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười khi có đại biểu chất vấn, đại ý rằng: Để thúc đẩy sử dụng xăng sinh học E5, rất cần sự chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về độ an toàn của xăng này. Rồi ông lại nói: Năm 2011-2012 xảy ra hiện tượng ôtô, xe máy cháy, gây thiệt hại, hoang mang cho nhân dân. Kết luận bước đầu về nguyên nhân cháy xe chưa thỏa đáng với nhiều cử tri, trong đó có nhiều nhà khoa học. Không ai chịu trách nhiệm về tình trạng này và không người dân nào được bồi thường thiệt hại.

“Để người dân yên tâm, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết, xăng E5 có an toàn không? Nếu xảy ra biến cố như thời gian qua thì ai là người chịu trách nhiệm?”.

Giời ạ, không hiểu trước khi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công Thương, vị đại biểu này có đọc các bài báo, các tài liệu về xăng sinh học nói chung và xăng E5 nói riêng hay không? Và không hiểu ông có biết rằng, việc sử dụng xăng sinh học E5 là một chủ trương lớn của Chính phủ, đã được chuẩn bị từ rất lâu rồi không?

Thiết tưởng, lợi ích và hiệu quả của xăng sinh học là điều không còn bàn cãi trên cả thế giới này, duy chỉ có ông Cường là còn thắc mắc?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thong thả giải thích: “Qua các năm thực hiện thấy rằng, chất lượng E5 đảm bảo cho động cơ ôtô hoạt động ổn định, không có khuyết tật gì. Chính vì thế, cùng với phân tích, đánh giá và thử nghiệm ở những phương tiện khác, Chính phủ quyết định áp dụng xăng sinh học theo lộ trình. Theo đó, đến 1/12/2014 sẽ sử dụng thí điểm xăng sinh học E5 tại 3 địa phương, đến 1/12/2015 sử dụng tại 7 địa phương và sau đó áp dụng đại trà toàn quốc”.

Lại buồn về

Quảng Ngãi là địa phương đi đầu thử nghiệm xăng sinh học E5 trước thời hạn 3 tháng. Đến nay, hoạt động của các phương tiện trên địa bàn tỉnh hoặc phương tiện sử dụng xăng E5 mua ở Quảng Ngãi chưa xảy ra bất cứ sự cố nào.

Tuy nhiên, với sự thận trọng vốn có, Bộ trưởng cũng trả lời thêm: “Chúng tôi tin rằng, đó là thực tế chứng minh xăng E5 đảm bảo chất lượng. Mặc dù vậy, với tư cách là cơ quan cung ứng xăng dầu, chúng tôi thấy vẫn cần tiếp tục có những khẳng định về loại nhiên liệu mới này. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học - Công nghệ để trong thời gian sớm nhất có khẳng định về chất lượng, độ an toàn của xăng E5.

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu phát minh ra cách so sánh cực kỳ khập khiễng để nói về Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng rằng, ông là đốc công hay chính khách? Ông nói rằng, không ngạc nhiên khi dư luận nêu lên câu hỏi ấy và có hai luồng ý kiến khác nhau. Chắc chắn chúng ta không thể có câu trả lời tuyệt đối. Vấn đề đặt ra không chỉ riêng với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng mà còn với các tư lệnh ngành, lĩnh vực khác.

Đại biểu này nói thêm: “Nhìn hình ảnh ông Thăng lúc có mặt ở công trường này, khi ở công trình kia, “dọa” kỷ luật người này người khác, lúc lại đu dây xuống hiện trường một vụ tai nạn... có ý kiến cho rằng, ông giống một đốc công hơn một chính khách”. Nhiều người khen, có người chê và cũng có người băn khoăn. Rồi ông chất vấn, phải chăng Quốc hội chọn đốc công hơn là chính khách khi nhận xét kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội vừa qua thì ông Thăng là thành viên Chính phủ có nhiều phiếu “tín nhiệm cao”.

Rồi đại biểu góp ý với Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng, “…phải ngồi ở nhà nhiều hơn, chứ không nên chạy ra đường giải quyết mấy vụ việc cụ thể, vụn vặt ấy. Tác phong của Bộ trưởng như vậy là rất tốt, nhưng vị trí Bộ trưởng không phải ở chỗ ấy, mà có thể thông qua bộ máy, thông qua cấp phó hay đốc thúc cấp dưới làm. Nếu trên bảo dưới không nghe, với tác phong của mình, Bộ trưởng Thăng có thể hạ bệ, cách chức người đó ngay”.

Thật hết hiểu nổi quan niệm của vị đại biểu này… Hình như ông muốn cán bộ lãnh đạo của chúng ta hãy duy trì tác phong lãnh đạo kiểu “chỉ tay năm ngón” chăng? Ai cũng biết Bộ trưởng Thăng là người có tác phong làm việc sâu sát, cụ thể và luôn giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh từ rất lâu rồi và ở nhiều cương vị công tác khác nhau.

Khi ông rời vị trí là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trong lời phát biểu chia tay, ông Phùng Đình Thực, người kế nhiệm ông, đã phát biểu: “Anh Thăng là người đã thay đổi cả một phong cách làm việc ở Tập đoàn Dầu khí, ấy là, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Lẽ ra, phải động viên, phải ủng hộ tác phong lãnh đạo gần dân, bám sát cơ sở của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thì đại biểu này lại “khuyên” ông Thăng nên “ngồi nhà nhiều hơn”… Thật hết hiểu nổi cho trình độ “quan trí” của những ông nghị kiểu này.

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc