Mối họa từ việc dạy học sinh bơi trên... giấy

08:56 | 18/09/2012

1,159 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Mỗi năm cả nước có gần 6.000 trẻ em chết do đuối nước và so với các nước đang phát triển, tỉ lệ trẻ bị chết đuối ở Việt Nam cao gấp 10 lần. Thế nhưng việc giáo dục kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ trong nhà trường vẫn còn bỏ ngỏ.

Số lượng trẻ chết đuối ngày càng tăng

Hàng loạt vụ trẻ em đuối nước thương tâm trên cả nước liên tiếp xảy ra. Nạn nhân đều là các em học sinh tiểu học, trung học. Các em thường chơi đùa ở những nơi như ao, hồ, sông, đập nhưng lại không biết bơi nên rất dễ xảy ra tai nạn .

Tai nạn đuối nước ở trẻ em xảy ra quanh năm nhưng thường nhiều hơn về mùa hè, khi các em nhỏ được nghỉ học, thiếu chỗ chơi và trò chơi nên hay ra các ao hồ, sông suối để nghịch nước và tắm. Bố mẹ các em lại bận bịu với công việc đồng áng, chợ búa, làm ăn hàng ngày nên thiếu sự giám sát, để mặc cho con trẻ đi chơi lang thang cùng chúng bạn, đến khi sự việc xảy ra mới đau xót ân hận thì chuyện đã muộn.

Đối với trẻ em ở thành phố, thị xã ít có nguy cơ đuối nước hơn trẻ em nông thôn, do thời gian nghỉ hè các em vẫn phải đi học thêm, có sự giám sát của gia đình... còn trẻ em nông thôn thì gần như hoàn toàn ngược lại. Mặc dù đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trẻ em nhưng nhận thức của cộng đồng xã hội về vấn đề này còn hạn chế, chưa được đưa ra thảo luận rộng rãi và chưa có biện pháp giải quyết một cách toàn diện.

 

Hồ chứa nước Tuy Lai – nơi 8 nữ sinh lớp 7 và lớp 8 của Trường THCS An Mỹ tử vong

 

Mới đây nhất là ngày 12/9, 8 nữ sinh lớp 7 và lớp 8 của Trường THCS An Mỹ rủ nhau đi chơi không may bị chết đuối tại hồ chứa nước xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Có thể dễ dàng nhận thấy là nguyên nhân chính trong các vụ tai nạn chủ yếu là do học sinh hiện nay không biết bơi. Như vậy, rõ ràng là việc dạy bơi cho học sinh, sinh viên là hết sức cần thiết. Không chỉ đối với những em ở nông thôn mà ngay cả ở thành thị, các em cũng phải biết bơi để phòng tránh được những rủi ro khi vui chơi hay đi du lịch.

Mỗi năm cả nước có gần 6.000 trẻ em chết do đuối nước. Tỷ lệ chết do đuối nước chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết từ đầu năm 2012 đến nay đã có trên 200 trẻ em bị chết đuối, tăng so với cùng kỳ 2011. Chỉ riêng ngày 2/9/2011 tại Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hà Nội đã có 13 học sinh chết vì đuối nước. Trước đó, 14/8/2011 có 4 học sinh nam chết đuối tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Điều đáng tiếc, đa số đều trong độ tuổi tiểu học.

 

Chỉ học bơi “trên giấy”

Vào ngày 09/02/2010, Bộ GD-ĐT đã ra công văn chỉ đạo  các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ triển khai thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015. Bộ coi đây là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế tử vong do đuối nước gây ra đối với học sinh.

Đối tượng môn học mới là học sinh cấp tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5. Các lớp dạy bơi sẽ được tổ chức vào dịp hè và các ngày nghỉ trong tuần, hoặc có thể lồng ghép vào chương trình môn học giáo dục thể chất.

Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn “dậm chân tại chỗ” trong khi số lượng trẻ em gặp tai nạn đuối nước ngày càng tăng. Việc trang bị cho các em kỹ năng phòng vệ đã được các ngành chức năng đề cập từ lâu nhưng để triển khai được lại có quá nhiều điều cần phải giải quyết.

Ở hầu hết các trường, việc phân phối hoạt động ngoại khóa trong năm học chưa hề có môn bơi. Thay vào đó là các môn khác như chào cờ, thể dục giữa giờ, múa hát tập thể, dạy kỹ năng an toàn giao thông, đọc sách trong trong thư viện, học sinh thanh lịch, đi tham quan hay các môn thể thao thể chất như bóng bàn, bóng đá, cầu lông…

Thêm vào đó, các trường học hiện nay chưa có cơ sở vật chất đáp ứng được cho môn học bơi, đặc biệt là các trường tiểu học. Bởi trên thực tế, việc xây bể bơi trong trường đòi hỏi khuôn viên trường phải có diện tích rộng, đầy đủ nguồn nước, cán bộ bảo trì... Các chi phí cho xây dựng, điều hành và duy trì bể bơi rất tốn kém.

Cũng có trường có chỗ bơi, nhưng lại thiếu giáo viên bơi lội, hướng dẫn. Trung bình một lớp 30 học sinh nếu học thể dục chỉ cần một giáo viên hướng dẫn. Nhưng với một lớp bơi, phải cần thêm ít nhất một giáo viên có thể quản lý được các em. Vì vậy, vấn đề nhân lực ở các trường cũng khó có thể đáp ứng được đặc biệt là đối với trường công lập.

 

Việc dạy bơi ở các trường học rất khó khăn do thiếu kinh phí và cơ sở vật chất

 

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình – Hà Nội) mặc dù đã có công văn chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT về việc phòng chống đuối nước cho trẻ, nhưng những điều kiện về cơ sở vật chất của các nhà trường chưa đáp ứng được vấn đề này.

Bà chia sẻ: “Ở đây có một bất cập, những cháu nào tham gia giải thì mới đi tập nên tôi nghĩ về góc độ các nhà trường vẫn không đáp ứng được. Trên lớp, các thầy cô vẫn thường xuyên bổ sung kiến thức về đuối nước cho các con”.

Bà Vân Anh cũng cho biết, trường tiểu học Hoàng Diệu cũng đã đề nghị với lãnh đạo các cấp, trực tiếp là UBND quận Ba Đình, khi nào xây dựng được các trường học chuẩn thì nên xây dựng bể bơi để cho trẻ con phát triển đồng bộ về lâu dài, mang tính chất hội nhập.

Một vấn đề khác, thời gian bể bơi mở cửa thường là vừa vào năm học hoặc thi cuối kỳ nên khó tổ chức học bơi được, thời điểm thích hợp nhất cho việc dạy bơi lại trùng vào kỳ nghỉ hè của các trường học cũng là điều khó cho các trường.

Việc tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước trong nhiều nhà trường mới chỉ dừng lại ở văn bản chứ chưa có không gian và điều kiện cho thực hành. Và trong khi các nhà trường vẫn bàn tính, lên kế hoạch thì số trẻ em gặp tai nạn đuối nước ngày càng tăng.

Trong khi xã hội, nhà trường lo đủ kinh phí và cơ sở vật chất cho việc dạy bơi cho trẻ, thì nên chăng, chúng ta cần trang bị cho trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ tối thiểu cho chính bản thân các em, trước khi có thêm những vụ tai nạn đau lòng do đuối nước.

 

Vương Tâm