Kỳ thi THPT 2017: Học sinh có thực sự “yêu” môn Sử?

12:04 | 27/04/2017

1,303 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết thúc thời hạn đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017, một bất ngờ xuất hiện khi lượng thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử tăng đột biến.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), môn Lịch sử dẫn đầu về lượng thí sinh đăng ký trong tổ hợp môn xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân) và bỏ xa các môn trong tổ hợp môn tự nhiên (Toán, Vật lí, Hóa học). Cụ thể, số thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử là 350.326; môn Địa lý là 347.000 và môn Giáo dục Công dân là 308.000 trên tổng số 690.000 hồ sơ.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao học sinh lại “ưu ái” môn Lịch sử - một môn học vốn bị “hờ hững” ở những năm trước?

ky thi thpt 2017 hoc sinh co thuc su yeu mon su
Ảnh minh họa.

Là một trong tổng số 690.000 học sinh tham dự kỳ thi THPT 2017, em Nguyễn Thị Trà - học sinh lớp 12C trường THPT Thanh Oai A (Hà Nội) cho hay: “Do năm nay Bộ GD&ĐT tổ chức thi môn Lịch sử bằng hình thức trắc nghiệm nên nhiều bạn đã đăng ký thi. Mọi người đều bảo nhau thi trắc nghiệm thì chỉ cần học qua loa, đại khái là có thể lấy được từ 5 đến 6 điểm, như vậy coi như là qua môn”.

Tuy nhiên, nữ sinh lớp 12C trường THPT Thanh Oai A cũng nhận định: “Nhiều học sinh đăng ký thi môn Lịch sử, xong chỉ học theo kiểu học vẹt chứ không hiểu bản chất”.

Đồng quan điểm với Trà, nữ sinh Nguyễn Thị Hạnh - lớp 12A trường THPT Quảng Oai (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Ai cũng nghĩ thi môn Lịch sử bằng hình thức trắc nghiệm sẽ dễ hơn mấy môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, nhưng thực chất không phải như vậy. Môn Lịch sử đòi hỏi các bạn phải nắm vững kiến thức thì mới có thể hoàn thành tốt bài thi, nếu chỉ học hời hợt thì em nghĩ kết quả sẽ không khả quan”.

Về ý kiến các học sinh chọn môn Lịch sử theo cảm tính, theo số đông, bạn Nguyễn Thị Hạnh cho rằng: “Hầu như các bạn chọn vì cách thức thi mới chứ không phải do yêu thích hay đam mê môn Lịch sử. Năm nay Bộ GD&ĐT cũng bỏ những câu hỏi về các mốc thời gian khó nhớ, những diễn biến phức tạp... nên có thêm nhiều bạn chọn hơn. Một lý do nữa khiến các bạn học sinh đăng ký thi môn Lịch sử đó là do các ngành đang 'hot' đều là ngành khối C như công an, quân đội, quản lý nhân lực, xã hội”.

Theo các chuyên gia giáo dục, con số 350.326 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử không thể nói lên điều gì. Trên thực tế, số lượng học sinh yêu thích môn Lịch sử còn khá khiêm tốn. Vì vậy, việc lựa chọn môn Lịch sử để thi đối với nhiều thí sinh năm nay cốt là để cầm chắc tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Trao đổi với PV PetroTimes, thầy giáo Nguyễn Luận - trường THPT Thanh Oai A cho biết: "Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, trường Thanh Oai A có hơn 50% số thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử. Có những lớp chuyên khối C nên toàn bộ học sinh đều lựa chọn môn Lịch sử để thi".

“Với những giáo viên đang đứng lớp giảng dạy thì điều này không phải là bất ngờ. Bởi lẽ đó là hệ quả của việc đổi mới phương án thi THPT Quốc gia. Hơn nữa, cũng do ảnh hưởng khách quan từ kết quả đào tạo sau tốt nghiệp đại học, sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng nên học sinh THPT có tâm lý là "cố" thi đỗ tốt nghiệp THPT trước rồi mới tính đến việc thi đại học” - thầy Luận cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng - Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay: “Việc học sinh lựa chọn môn Lịch sử trong kỳ thi THPT năm nay có nhiều nguyên nhân. Một phần là do thời gian qua các cơ quan báo chí đã tuyên truyền tốt về vai trò của môn Lịch sử, điều này tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn của học sinh. Hơn thế nữa, học sinh chú trọng học Lịch sử nhiều hơn là do Lịch sử nằm trong nhóm ngành xã hội, rất nhiều em sẽ theo đuổi một số ngành nghề trong nhóm môn thi này. Do vậy việc môn Lịch sử được lựa chọn nhiều là không mấy bất ngờ”.

Về ý kiến cho rằng, số lượng thí sinh năm nay thể hiện rằng giới trẻ đã quay lại với môn Lịch sử, ông Thắng nhận định: “Rõ ràng đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi lẽ vài năm trước khi bàn về môn Lịch sử thì đó là một nỗi lo khi số lượng thí sinh lựa chọn thi là quá ít. Có những mùa thi chúng ta đã thống kê được bao nhiêu điểm 0, điểm 1 của thí sinh. Đến nay khi học sinh lựa chọn nhiều như vậy, dù như thế nào chúng ta cũng cần phải tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển. Lịch sử là một môn học rất cần thiết trong việc giáo dục nhân sinh, quan niệm, truyền thống cho học sinh”.

Nguyễn Bình - Mỹ Hạnh