Bộ GD&ĐT: Xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa

07:13 | 25/06/2017

1,249 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 24/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017.  

Tham gia buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT; đại diện PA83, Bộ Công an...

Mở đầu buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Với đề thi THPT quốc gia 2017, thí sinh không thể quay cóp khi có 24 mã đề thi khác nhau.

Trong kỳ thi này, Bộ GD&ĐT đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin. Các địa phương, các cơ quan liên quan đã phối hợp, hỗ trợ công tác tổ chức thi thành công.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có 72 thí sinh bị đình chỉ thi và 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở do vi phạm quy chế.

bo gddt xay dung ngan hang de thi chuan hoa
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chủ trì buổi họp báo

Đánh giá về con số vi phạm này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Do hình thức thi được đổi mới, có 4/5 bài thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài không kéo dài, mỗi thí sinh trong một phòng thi có một mã đề riêng nên việc gian lận trong thi cử giảm.

Bên cạnh đó, việc điều 50% số giám thị coi thi ở các trường ĐH phối hợp với địa phương nên tính khách quan cũng được bảo đảm. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc đổi mới kỳ thi với những giải pháp kỹ thuật đã giảm đáng kể những tiêu cực, bảo đảm thông tin khách quan, tin cậy. Số thí sinh bị đình chỉ, vi phạm quy chế giảm mạnh, đây là cơ sở để khẳng định kỳ thi được tổ chức tốt.

Về bộ đề thi THPT quốc gia 2017, ông Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng - cho biết: Tranh cãi của dư luận về đề thi THPT quốc gia sẽ được ban đề thi lưu ý, rút kinh nghiệm để bộ đề thi ngày càng tốt hơn. Để xây dựng được các mã đề thi, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa, sẽ chia ra thành các giai đoạn và thử nghiệm với học sinh lớp 12.

Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5, Bộ GD&ĐT đã chọn mẫu chuẩn hóa thử nghiệm cân bằng độ khó giữa các câu trong đề thi. Với đề thi trắc nghiệm khách quan, Bộ GD&ĐT xây dựng 24 mã đề khác nhau, xuất phát từ 4 đề gốc. Mỗi đề thi có 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao… Hội đồng thi sẽ rút các câu hỏi trong ngân hàng ma trận đề, trên cơ sở đó chọn đề thi gốc để đọc và thẩm định.

Giải thích về việc đề thi Vật lý có tới 7 mã đề phải đính chính, ông Sái Công Hồng nói: Thực tế, Bộ GD&ĐT chỉ có 2 tuần để chuẩn bị đề thi. Một tuần chuyển tới quy trình rà soát, kiểm định đề, gửi đi in sao ở các cơ sở. Trong tuần cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã phát hiện có sai sót và bổ sung đính chính, gắn vào các mã đề để thể hiện sự minh bạch, chặt chẽ trong các khâu của quá trình ra đề. Vì vậy, việc đính chính này không hề ảnh hưởng tới việc làm bài của thí sinh, đồng thời không gây lãng phí và phức tạp trong việc in sao đề thi

Còn về phản ánh đề thi môn Vật lý có độ khó không đồng đều, ông Hồng giải thích: Do thí sinh học chưa toàn diện, kiến thức chưa đồng đều chứ không hẳn do đề thi.

Về đề Ngữ văn, ông Hồng khẳng định không sai. Cụ thể, phần Đọc hiểu của bài thi Ngữ văn với mục đích là đọc hiểu, còn đọc hiểu điều gì, lấy ngữ liệu ở đâu, tiêu chí lấy ngữ liệu như thế nào thuộc về quy trình làm đề thi, ma trận đề thi, điều này phải được bảo mật.

Trước đó, từ “thấu cảm” trong câu Đọc hiểu, trích từ văn bản Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) đã gây tranh cãi trong dư luận.

Huyền Anh