Khánh Sơn - có còn tiếng đàn Chapi?

07:08 | 11/06/2015

2,148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khánh Sơn thuộc miền Tây của xứ trầm hương và yến sào Khánh Hòa, nằm trên độ cao gần ngàn mét so với mực nước biển, tầm nhìn luôn bị bao phủ bởi trùng trùng núi non. Cứ tưởng Khánh Sơn và đồng bào Raglai nơi đây yên bình sống mãi trong tiếng sử thi, trong tiếng mã la, tiếng Chapi miên man… Thế nhưng sự xâm lấn của văn minh hiện đại đã phần nào làm vùng đất này mất đi ít nhiều bản sắc. Đường nhựa mở đến đâu, cuộc sống bớt khó khăn đến đó, nhưng cũng như những lưỡi dao nhỏ, len lách làm chảy máu rừng, làm chảy máu văn hóa truyền thống của vùng đất này.

Năng lượng Mới số 429

Giữa trưa có xe đón, tôi vơ vội mấy bộ áo quần, ít đồ dùng cá nhân, tạm biệt Nha Trang nắng vàng, biển xanh và những nhộn nhịp của một đô thị du lịch sầm uất bậc nhất cả nước, rồi lên xe đi Khánh Sơn, nơi được coi là cái nôi của văn hóa Raglai nhưng đang phai nhạt dần bởi những xâm lấn của văn minh hiện đại.

 Khánh Sơn là vùng đất cổ, có lịch sử định cư lâu đời của đồng bào Raglai. Trải qua nhiều lần chia tách hành chính, đến tháng 6-1986, Khánh Sơn chính thức là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Khánh Hòa. Từ TP Nha Trang đến trung tâm huyện lỵ khoảng 100km, có thể đi theo hai đường, một là theo Quốc lộ 1, hai là theo Tỉnh lộ 6571 vượt đèo Cù Hin, con đường được xây dựng men theo những vách đá sát biển, lộng gió, đẹp mê hồn. Từ đó đi theo con đường độc đạo DT9 bắt đầu hành trình vượt đèo Khánh Sơn. Nằm ở độ cao khoảng 700m, đèo Khánh Sơn với những khúc cua không quá ngặt tràn ngập nắng vàng, đến đỉnh đèo như lạc vào một không gian khác với bảng lảng sương trắng tinh khiết. Từ trên đỉnh đèo ở xã Ba Cụm Bắc nhìn xuống hiện ra trong tầm mắt một miền núi non trùng điệp ẩn khuất trong mây. Sau tháng Giêng, Khánh Sơn đã vào mùa hạn, đất đai nứt nẻ, lòng suối trơ sỏi và ngổn ngang đá hộc; những rẫy cà phê, chuối, sầu riêng như lả đi vì thiếu nước. Anh tài xế bảo, hơn 3 tháng nay chưa có hạt mưa chú à, đến chuối còn chết khô, các cây khác chịu sao nổi.

Khánh Sơn - có còn tiếng đàn Chapi?

Một buổi chơi mã la trong đêm của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn

Khánh Sơn là huyện xa xôi nhất của Khánh Hòa, giáp với vùng cũng vào diện xa nhất của tỉnh Ninh Thuận. Độ cao trung bình hơn 700m, có những điểm cao hơn. Đặc sản thì nhiều, sầu riêng, chuối, mít, chôm chôm… nhưng nổi tiếng và giá trị hơn cả là trầm hương, kỳ nam. Xe dừng nghỉ ở một quán ven đường, quán nhỏ nhưng ồn ào, tiếng húp mỳ tôm xì xụp, tiếng cụng ly leng keng xen lẫn cả những tiếng chửi thề. Trong quán có nhóm bốn người đàn ông đang ngồi ăn, ai cũng hốc hác, tóc rối bù, da vàng bủng, nhìn chúng tôi chằm chặp, nghi hoặc. Ánh mắt kiểu này tôi đã từng gặp ở những bãi vàng tại Phước Sơn (Quảng Nam), gặp ở những cánh rừng phía tây Quảng Bình trong cơn lốc vàng, gỗ sưa của những năm trước. Bà chủ quán bảo, họ là những phu trầm ở Đại Lộc, Quảng Nam, thế chấp nhà cửa làm lộ phí lên miền sơn cước này mót sái trầm, hết tiền nên ngược xuống Vạn Giã đợi nguồn tiếp tế mới để tiếp tục cuộc hành trình với hy vọng mong manh…

 Trầm hương và kỳ nam là thứ trân quý dường như vẫn còn đang “vùi mình” lẩn khuất trong rừng núi Khánh Sơn. Năm 2014, tôi được Nguyễn Nhuấn - một dân địu (dùng để chỉ những người đi tìm trầm - PV) người Quảng Nam  đốt cho xem 1 mảnh trầm Khánh Sơn nhỏ như đầu đũa. Khói trắng, mảnh, đặc quánh bay vòng trong không trung; như khi người ta đốt mùn cưa ẩm bay lên vậy.

Ngoài cửa, gió từ sông thổi vào lồng lộng, thổi ngả nghiêng những ruộng ngô đang mùa trổ cờ, thế mà không thổi bạt nổi thứ mùi thơm nhẹ, ngầy ngậy hương vảng vất khắp căn nhà rộng. “Trầm mùi ngát, kỳ mùi thanh”, ấy là dân gian bảo thế, chứ mấy ai được chứng kiến đốt thử kỳ nam, cái thứ đắt hơn vàng, có tiền cũng chẳng dễ mua được. “Nhà cửa, tiền trăm, bạc tỉ cũng từ đây ra; chết mất xác cũng từ đây ra. Rắn cắn - chết, nước cuốn - chết, cây đổ - chết, sét đánh - chết, lạc rừng… Cái gì cũng có giá của nó…”, Nguyễn Nhuấn thủng thẳng nói. Những câu chuyện xung quanh trầm, kỳ luôn mang màu huyền tích và… có mùi tiền và cả mùi chết chóc từ những kiếp người đang cược cả mạng sống của mình với ước vọng đổi đời mông lung, xa tít ở chốn rừng thiêng, nước độc. Hương trầm bay lên, thăm thẳm kiếp người.

Nhuấn bảo: “Trầm, kỳ được sinh ra trong ruột cây dó, một thứ chất khi thì đen như sừng trâu, khi thì vàng, khi thì vàng đen lẫn lộn…; cứng đến độ dao chặt không đứt. Trầm, kỳ không có dáng hình nhất định, khi là miếng gỗ, khi là những cục hình trụ dài cả năm bảy chục phân, khi lại như cái tổ tò vò lỗ chỗ thủng. Bây giờ trầm giả cũng nhiều, cũng đen óng, đốt cũng có mùi thơm nhưng thả vào nước thì nổi, ném xuống đất thì kêu “coong”.  Trầm thật nổi lập lờ, rơi xuống đất tiếng kêu rất nặng, nghe rõ  “thịch” một cái”.

Với những người đi địu, Gộp Ngà, Ô Kha… ở Khánh Sơn này là những địa danh nghe mãi đến quen tai. Nhuấn kể tiếp, tháng 5-2012, ở rừng Gộp Ngà, nhóm của Nhuấn và năm người nữa ở Đại Lộc (Quảng Nam) tìm được một khối kỳ nam nặng hơn 1kg, bán cho đầu nậu Tý Khá ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) được hơn 7 tỉ, mỗi người chia nhau hơn 960 triệu, người tìm thấy là Nguyễn Xuân Hoàng được phần nhiều hơn. Hơn 1 tháng sau, Hoàng âm thầm rủ theo những người thân của mình trở lại chỗ cũ, cứ theo thân cây dó mà đào, thu thêm cả trăm ký kỳ nam, riêng cái đe (gốc kỳ nam - PV) đã nặng gần 30kg. Một ký kỳ nam giá 5-6 tỉ đồng, số tiền nhóm của Hoàng thu được là không tưởng tượng nổi. Khánh Sơn không bình yên từ đó. Hàng ngàn dân địu từ khắp nơi đổ dồn về Gộp Ngà với hy vọng đổi đời. Thượng tá Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng Công an huyện Khánh Sơn kể lại rằng, khi ấy hàng trăm, hàng ngàn người đổ xô vào Gộp Ngà đào xới tìm kỳ nam, có những khoảng rừng rộng hơn 2.000m2 bị băm nát đến con kiến cũng không lọt. Công an, kiểm lâm huyện đã phải lập cả chục chốt ở đỉnh đèo, các ngả đường vào rừng, rồi vận động dân địu ra khỏi rừng. 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng sục sạo khắp rừng Gộp Ngà, một mảnh trầm cũng không thấy thêm, dân địu bỏ đi; để lại núi rừng Khánh Sơn xác xơ, nát bấy vì trầm, vì kỳ. 

Khánh Sơn - có còn tiếng đàn Chapi?

Ông Nhuấn với trầm hương vừa kiếm được

Những câu chuyện về trầm, về kỳ giữa chúng tôi cứ kéo dài mãi đến khi bóng chiều ngả lưng đèo, đến khi có tiếng đàn đâu đó bất chợt ngân lên, lúc cao vút, lúc trầm mặc trong không trung. Bà chủ quán nước bảo, “ama Tiến khảy Chapi đó, mỗi lúc buồn, lão hay khảy Chapi…”.

 Đêm xuống thâm u, sương rơi đọng giọt trên cỏ cây Tô Hạp. Tiếng lửa nổ lách tách trong nhà ama (ba, bố) Mấu Quốc Tiến. Bập bùng ngọn lửa, bóng ché rượu tapai với cần trúc cong vút hắt ngược lên vách nhà lúc nhỏ, lúc to như biết nhảy múa. Vị tapai không cay, không đắng, nhưng nồng; là thức uống thiêng của người Raglai, không thể thiếu trong lễ mừng lúa mới, nhà mới, lễ bỏ mả… của đồng bào nơi đây. Tapai làm từ những loại ngũ cốc khác nhau sẽ có hương vị khác nhau, loại ngon nhất phải được làm từ gạo nếp rẫy hoặc củ mì. Nhưng quyết định chất lượng của rượu tapai lại là men rượu. Men rượu tapai làm từ củ cây patê nằm sâu trong rừng và củ riềng. Giã nát 2 loại củ này, trộn với nhau đem phơi khô, rồi cán thành bột, trộn nước nóng, vắt thành từng nắm to như quả trứng, đem ủ 2 ngày, 2 đêm; thấy có những sợi mốc trắng nổi lên là thành men. Nói thì đơn giản như vậy, nhưng để làm được tapai cho ngon không có dễ, “bọn trẻ bây giờ có đứa nào biết làm tapai đâu”, ama Tiến bảo vậy.

Người Raglai có lối mời rượu thật khó từ chối. Hai tay nâng bát, đưa tận miệng khách, giữ vậy đến khi khách uống hết thì thôi. Người Raglai quan niệm, đến nhà là người nhà, đã quý, đã mến nhau thì tình cảm phải đầy tràn như bát rượu. Mỗi dịp mừng lúa mới, người Raglai uống rất nhiều rượu, dường như họ uống cho một năm đã qua, uống cho ngày hôm nay và uống cho những lời hứa hẹn gặp nhau trong một năm sắp tới. Khi tapai đã ngấm, những câu chuyện về Chapi, về tiếng mã la, về Akha Jucar (chuyện hát bằng văn vần), Akha Ter (chuyện kể bằng văn xuôi), về núi, về rừng… cứ từ từ ùa về, tự nhiên như hơi thở, như dòng Tô Hạp đang lầm lũi chảy về hướng Tây.  Ít ai biết rằng, đàn Chapi là phiên bản “nhà nghèo” của tiếng mã la. Ama Tiến bảo rằng, xưa kia những nhà nghèo không có tiền sắm 1 bộ mã la liền nghĩ ra cách làm Chapi với âm thanh phỏng theo tiếng mã la. Vì vậy, phải biết về mã la, về Akha Jucar, Akha Ter… để hiểu phần nào đó hồn người Raglai rồi sẽ hiểu được Chapi.

Ama Mấu Xuân Điệp bảo, bây giờ cả tháng mới thấy một dấu chân con heo rừng trên rẫy mì, chứ vài chục năm trước, hươu, nai đi lại từng đàn dưới thung, hổ, báo còn táo tợn mò cả tới chân nhà sàn, cứ mỗi sáng lên rẫy thấy cây dổi bị cụt ngọn bên đường là biết đêm gấu về... Rồi ama Điệp kể về những ngày còn trai trẻ, kể về những buổi chơi mã la dưới ánh trăng, trong ào ạt gió rừng: “Ngày trước, chẳng cần nhìn đường, cứ nghe đánh mã la ở đâu là cái chân mình tự đi tới, uống rượu, nhảy múa với lũ con gái, con trai đến khuya, thích lắm, vui lắm…”. Tôi hỏi ama Điệp: “Người chơi mã la ở đất mình còn nhiều không ama?”. Ama Điệp nói: “Cũng còn vài người, nhưng ngày một ít, chúng nó cũng không biết hát nữa. Mã la cũng còn trên chục bộ, loại 7 mặt có, loại 5 mặt cũng có, nhưng chưa quý cho lắm. Những bộ quý nhất ngày xưa đói quá có người hỏi mua nên bán mất rồi” - Rồi Ama cất tiếng hát: “Hỡi bắp trắng, con trai của mẹ, hãy để mẹ bình an / Hỡi bắp trắng, con trai của mẹ, đừng để nước đổ, nồi nghiêng…”. Từng câu hát ngân lên, tự nhiên như hơi thở, mộc mạc, chân thành như chính tấm lòng người Raglai. Nhưng đấy là người già như ama Điệp, như away (mẹ, má) Mấu Thị Thanh hát vậy thôi, chứ thanh niên Raglai bây giờ mấy người biết hát. Có câu chuyện cũ rằng, hơn chục năm trước, quãng 2003-2004, Viện Văn hóa dân gian có mở lớp thí điểm dạy sử thi cho thanh thiếu niên Raglai ở xã Thành Sơn, học hát Amã Chi Lang (nói về chàng Chi Lang đánh giặc ngoại xâm); Dam Jalo (hát về tình yêu đôi lứa); Amã Jihia (chuyện về chàng Jihia), Amã Udai Ujà (chuyện về chàng trai giúp người Chămpa đánh giặc ngoại xâm)… Hơn 10 học viên, mỗi học viên được phát cho 1 bộ cassette để ghi âm lời hát của 2 nghệ nhân Cao Thị Thanh, Cao Thị Quang về học hát theo. “Ơi đấy chàng Jihia nài nỉ mẹ/ Ơi mẹ quạt lửa nung vôi/ Gói vôi trầu cho tôi đi/ Tụi tôi đi buôn vải trắng/ Tụi tôi đi buôn xương vỏ sò…” những lời hát trong chuyện Amã Jihia cứ “mưa dầm thấm lâu” như vậy, thiếu niên Raglai nghe lâu rồi cũng nhớ. Nhưng cũng giống như chỉ học lý thuyết, ít được thực hành; khi những tiếng mã la thưa dần, không gian văn hóa, không gian núi rừng cũng chẳng còn như xưa; thêm vào đó là sự xâm lấn của karaoke, của thế giới phẳng không dây. Từ đó, những gì học được cứ nhạt dần, phai dần; chàng Jihia, chàng Chi Lang nói gì, hát gì cũng chẳng còn trong tâm trí nữa.

Khánh Sơn - có còn tiếng đàn Chapi?

Nghệ nhân Cao Thị Thanh hát sử thi trong “Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam”

Với những người già Raglai, tiếng mã la, tiếng hát sử thi như chốn nương tựa, như là thứ neo giữ niềm tin tâm linh, văn hóa và bản sắc dân tộc mình. Gần chục năm sau, những lớp dạy mã la, dạy sử thi vẫn tiếp tục được mở thêm, với hy vọng níu chút gì đó văn hóa truyền thống ở lại mảnh đất này, nhưng có vẻ tác dụng cũng chẳng được là bao. Cái chất, cái hồn Raglai cứ rơi, cứ rụng như vậy. Ai đó ví von rằng, văn hóa truyền thống như cây đại thụ đang ngày đêm bị xắn đứt rễ, tốt tươi đấy, mà héo tàn lúc nào chẳng hay. Mã la bây giờ thế, sử thi bây giờ vậy. Còn Chapi - tiếng đàn của núi rừng, của giống nòi bây giờ sao?

 Tôi hỏi ama Tiến, ở đất mình còn mấy người khảy được Chapi? - “Khánh Vĩnh còn vài người, Khánh Sơn đây cũng vài người, nhưng đều không giỏi, không hay như những người già trước đây”. - Thế biết làm Chapi còn được mấy người ạ? - “Còn mỗi ama Điệp thôi, mà ông ấy cũng già lắm rồi”. Với người Raglai, tiếng mã la đại diện cho những đêm vui, sinh hoạt cộng đồng đông người, ngất ngây men tapai trong gió đại ngàn. Còn Chapi lại chơi được ở mọi nơi, “ai nghèo cũng có cây đàn Chapi”… Vì lẽ thế, Chapi đi theo người Raglai khắp mọi ngả rừng, mọi lối suối; trong những ngày mùa rộn ràng tươi mới, hay cả những lúc một mình dưới trăng… Chapi đồng hành cùng người Raglai như thế, qua không biết bao nhiêu mùa nương…

Thế mà giờ đây, cả đại ngàn cuối dãy Trường Sơn cũng chỉ còn vài người biết khảy Chapi thôi sao? Ama Tiến nâng cây đàn Chapi lên; ghì sát đầu ống tre vào ngực, từng ngón tay ông lần bật trên những sợi dây tre, đây là dây mẹ, đây là dây cha, dây con lớn và dây con út. Khi thoăn thoắt, dữ dội như con suối mùa lũ, khi nhẹ nhàng như ánh trăng trải vàng trên những nương ngô… Tiếng đàn không ngân dài, nghe bùng bục, nhưng vang xa, như thể tâm sự ngàn đời của người Raglai ào ạt ùa về. Chapi là tiếng của nứa, của tre, của ngàn năm văn hóa Raglai; tiếng của Yàng hiển linh, của rừng thiêng mầu nhiệm. Rồi ông hát, tiếng hát của đại ngàn, tiếng hát cho mơ ước thóc lúa đầy bồ, gà vịt đầy sân, trâu bò đầy núi và sự yên bình của buôn làng. Tiếng hát ấy không còn khỏe nhưng buồn, da diết đến kỳ lạ. Nỗi buồn Chapi đó, ama Tiến bảo vậy. Tiếng đàn đã dứt, tiếng hát cũng ngừng, nhưng cứ như còn vang vọng mãi, chung chiêng dội vào núi rừng, dội đến tâm khảm người nghe.

Khánh Sơn - có còn tiếng đàn Chapi?

Ama Mấu Quốc Tiền đang khảy đàn Chapi, cây đàn độc đáo của dân tộc Raglai

Ama Tiến bảo, làm đàn Chapi không khó, nhưng chỉnh dây sao cho thật giống tiếng mã la, thật giống tiếng suối reo, tiếng gió đại ngàn… thì khó đấy, không phải ai cũng làm được. Thời của ama Tiến, khi cái chân biết theo cha vào rừng, biết theo mẹ lên rẫy là thấm tiếng Chapi lắm rồi. Ông nội ama Tiến bảo rằng, làm đứa con trai Raglai, nhất thiết phải biết khảy Chapi, biết làm Chapi, có thế cái chân lên rừng mới vững, cái bụng mới sáng mà sống với nhau. “Ấy là thời của các ama nghĩ thế thôi, chứ thanh niên Raglai bây giờ, mấy đứa thích”, tôi nghe ama Tiến nói mà nhói lòng.

Ama Tiến không biết đấy thôi, với chúng tôi, những người vượt đường xa muôn nẻo để về với đất này, thì còn được nghe tiếng Chapi, được nghe tiếng mã la, nghe Akha Jucar, Akha Ter là điều may mắn không dễ có rồi. Chỉ buồn một nỗi, vài năm nữa, khi thế hệ của các ama về với Yàng thì không biết cái hồn văn hóa Raglai có còn nơi núi rừng Khánh Sơn này không, hay theo các ama về với đất, với rừng! Chắc là khó, khi dân địu cứ ngày ngày cày xới, băm nát núi rừng Khánh Sơn vì gỗ, vì trầm, vì kỳ nam; khi mà thanh niên Raglai bây giờ thích hát karaoke hơn hát sử thi, thích ngồi lướt facebook hơn là ngồi khảy Chapi…

Đêm đại ngàn buồn mênh mang, tôi bảo ama Tiến khảy Chapi tiếp cho cái bụng bớt buồn. Ông lắc đầu, buồn lắm, rồi lại nhớ ngày xưa, khảy làm gì… Rồi ông ngồi nhìn xa xăm ra phía dòng Tô Hạp đang mải miết chảy về hướng Tây, đăm chiêu về một cõi tâm linh, về một hồn văn hóa đang sợ đứt gốc. Nhưng rồi chiều lòng khách, ông lại lấy Chapi ra khảy, thanh âm lúc cao, lúc thấp, như có cả tiếng suối reo, cả tiếng gió đại ngàn, như có cả tiếng vọng văn hóa Raglai dội từ ngàn đời. Nhưng chẳng hiểu sao, nghe lâu tôi lại thấy nỗi buồn day dứt ập về khó tả…

Thanh Hiếu