Quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam về Phan Lợi

18:57 | 20/06/2016

7,421 lượt xem
|
Sự việc nhà báo Mai Phan Lợi (Trưởng đại diện Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội) đã sử dụng trang mạng xã hội Facebook mang tên “Diễn đàn Nhà báo trẻ” do nhà báo này quản trị để đăng tải những thông tin vô cùng phản cảm, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo và vi phạm pháp luật đang gây bức xúc dư luận. Phóng viên báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Minh, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam.
hoi nha bao vn phan loi dung dien dan nha bao tre dinh huong du luan

Ông Phan Hữu Minh.

 PV: Theo ông, hành vi cũng như phát ngôn của nhà báo Mai Phan Lợi đã vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhà báo thế nào?

Ông Phan Hữu Minh: Theo tôi, ông Mai Phan Lợi trước tiên là một nhà báo, phục vụ ở một cơ quan báo chí cụ thể đó là Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh. Điều này, nói rõ ông Mai Phan Lợi phải làm gì để phụng sự lợi ích của tờ báo cũng như công chúng báo chí. Mọi phát ngôn phải xuất phát từ việc xây dựng, chân thành, đúng pháp luật, đúng diễn đàn.

Rất tiếc, trong khi nhân dân, quân đội và gia đình đang hướng về các chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam lâm nạn trong khi làm nhiệm vụ, đáng lẽ phải chia sẻ thì ông Mai Phan Lợi lại có những suy nghĩ và ý kiến trái chiều, điều đó không phù hợp với hoạt động báo chí nói chung và vi phạm đạo đức của Người làm báo Việt Nam.

Vi phạm đạo đức ở đây được hiểu là đã xâm phạm đến lợi ích của Quốc gia, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của người làm báo. Ông Lợi cũng đã lợi dụng công cụ là Diễn đàn nhà báo trẻ để định hướng dư luận, cũng là vi phạm.

PV: Từ sự việc của nhà báo Mai Phan Lợi, cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam, đặc biệt là Ban Kiểm tra cần có những hành động nhắc nhở, định hướng ra sao đối với các nhà báo trong việc phát ngôn, tránh gây tổn hại cho quốc gia, dân tộc hay nỗi đau của mỗi gia đình?

Ông Phan Hữu Minh: Tổ chức Hội nhà báo Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các địa phương, đến các cơ quan báo chí. Hội luôn bên vực quyền lợi chính đáng của hội viên cũng như giáo dục hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hành nghề báo chí; việc thực hiện các qui định về đạo đức nghề nghiệp.

Sự việc nêu trên chúng tôi cho là đáng tiếc, là bài học để các hội viên Hội nhà báo Việt Nam rút kinh nghiệm trong ứng xử báo chí. Hội nhà báo Việt Nam đặc biệt phê bình những nhà báo nhân danh cá nhân có những phát ngôn, tác phẩm báo chí làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc kể cả với công dân.

PV: Dưới góc độ quản lý của cơ quan hội, cần có biện pháp xử lý gì đối với Liên chi hội Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh và cá nhân nhà báo Mai Phan Lợi?

Ông Phan Hữu Minh: Tôi nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản tờ báo cần có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc, đúng luật.

Theo phân cấp quản lý, chúng tôi đề nghị Liên chi hội Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cần có sinh hoạt chuyên đề về việc này; cần xem xét hình thức xử lý kỷ luật tương xứng để bảo đảm uy tín cho Hội; báo cáo lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam để xử lý.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Châu (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc