Phân định rõ thẩm quyền, kiện toàn mô hình chính quyền địa phương hai cấp
Sáng 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. |
Trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã). Trong đó, luật sửa đổi tập trung vào việc phân định rõ thẩm quyền giữa hai cấp chính quyền; tinh gọn tổ chức bộ máy; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu quả trong hoạt động hành chính; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.
Một trong những nguyên tắc quan trọng được quán triệt là đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương theo tinh thần: “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Điều này nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong điều hành, quản lý, khai thác và huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển địa phương.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, kế thừa các nguyên tắc tổ chức của Luật hiện hành và tập trung sửa đổi 4 nhóm vấn đề lớn:
Phân định đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp: Cấp tỉnh bao gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo). Cả hai cấp đều tổ chức HĐND và UBND nhằm đảm bảo bộ máy thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Riêng các đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt tiếp tục do Quốc hội quyết định thành lập.
Phân quyền, phân cấp và ủy quyền rõ ràng giữa hai cấp chính quyền: Chính quyền cấp tỉnh sẽ được tăng cường quyền tự chủ trong ban hành cơ chế, chính sách phát triển; trong các lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách… Cấp xã được mở rộng thẩm quyền, cho phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi quản lý địa bàn - điểm mới so với quy định hiện hành.
Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương: HĐND cấp xã được tổ chức gồm 2 Ban: Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn phù hợp với quy mô, đặc thù của đơn vị hành chính và có thể bố trí công chức chuyên trách đảm nhiệm lĩnh vực cụ thể. Số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cũng được điều chỉnh để phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính.
Giải quyết vấn đề phát sinh khi chuyển đổi mô hình từ 3 cấp xuống 2 cấp: Luật quy định rõ cơ chế chuyển tiếp, bảo đảm không gián đoạn trong hoạt động của chính quyền, cũng như không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) |
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày, khẳng định Ủy ban tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đánh giá cao việc Chính phủ trình dự thảo theo trình tự rút gọn, bảo đảm tiến độ và yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung cụ thể một số nội dung quan trọng như: Làm rõ hơn các trường hợp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền chỉ đạo trực tiếp UBND cấp xã để bảo đảm điều hành hiệu quả, nhất là tại các địa phương có quy mô dân số lớn sau sắp xếp đơn vị hành chính; Bổ sung cơ chế ủy quyền linh hoạt giữa UBND và các tổ chức, cá nhân cấp dưới nhằm tăng tính tự chủ, trách nhiệm và bảo đảm hiệu quả công vụ; Cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp để bảo đảm phân định hợp lý, tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước; Rà soát các quy định về tổ chức và hoạt động như số lượng đại biểu HĐND, số lượng Ban của HĐND cấp xã, chế độ chi ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách tại địa phương; Hoàn thiện quy định chuyển tiếp tại Điều 54 để đảm bảo không bỏ sót, không trùng lặp khi sáp nhập đơn vị hành chính và chuyển giao thẩm quyền từ cấp huyện xuống cấp xã.
Theo dự thảo, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ tác động mạnh mẽ đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân tốt hơn.
Huy Tùng
-
Phân định rõ thẩm quyền, kiện toàn mô hình chính quyền địa phương hai cấp
-
Đại sứ Đặng Minh Khôi: Chuyến thăm kế thừa lịch sử và hướng tới tương lai cho quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga
-
Tổng Bí thư Tô Lâm chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác song phương Việt Nam - Kazakhstan
-
[VIDEO] Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Kazakhstan
-
Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 dự án Luật quan trọng