Hối hả trong mùa “chạy” trường

07:00 | 26/05/2018

495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến hẹn lại lên, trước thời gian tuyển sinh đầu cấp, các bậc cha mẹ lại hối hả lo chỗ học cho con. Năm nay, với các lứa học sinh “rồng vàng” Nhâm Thìn (sinh năm 2012) vào lớp 1; “lợn vàng” Đinh Hợi (sinh năm 2007) vào lớp 6 và “dê vàng” Quý Mùi (sinh năm 2003) vào lớp 10, cuộc chạy đua vào các lớp đầu cấp càng thêm nóng.

Muôn giá “lót tay”

Có con sinh năm “rồng vàng”, chị Đoàn Thị Bình (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: Vì trái tuyến nên ngay từ đầu năm chị đã tìm hiểu để “chạy” trường cho con, nhưng đến nay vẫn chưa được và giờ đây cả gia đình đều cảm thấy mệt mỏi.

Theo chị Bình, nhà chị có hộ khẩu ở quận Hoàng Mai nhưng vì chị đang làm việc ở Cầu Giấy nên muốn cho con đi học trên địa bàn này để tiện đưa đón. Mặt khác, ngôi trường chị muốn con được theo học cũng vào hạng “có tiếng” nên việc xin học lại càng khó. Thế nên, dù đã “gõ” khá nhiều “cửa” mà chưa được việc, chị Bình tâm sự: “Giờ có cửa nào chạy được vào trường thì giá bao nhiêu tôi cũng chạy. Các cụ đã bảo đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, ngay từ lớp 1 được học trường tốt thì con mình mới có tiền đề để phát triển”.

hoi ha trong mua chay truong
Cha mẹ học sinh nộp hồ sơ tại Trường THCS Lương Thế Vinh, Hà Nội

May mắn hơn chị Bình, nhờ “nhất thân, nhì quen” chị Hoàng Kim Yến (Thanh Xuân, Hà Nội) xin cho con vào lớp 1 với “phí cảm ơn” chỉ 5 triệu đồng. Chị Yến bảo: “Mình phải lo lót từ trước chứ không thể đợi nước đến chân mới nhảy”. Chị Yến cũng không ngại tiết lộ, nhiều cha mẹ còn phải bỏ ra cả 1.000USD cho một suất học, cao ngất ngưởng nhưng không chạy nhanh cũng hết chỗ. Giá mỗi suất học dao động tùy theo độ “hot” của trường, mối quan hệ thân thiết cũng như tiềm lực tài chính của cha mẹ với các “cửa”.

Không chỉ lứa “rồng vàng” vào lớp 1, cuộc đua của lứa “lợn vàng” cũng không kém phần gay cấn. Nhiều bậc cha mẹ nhận định, cuộc đua vào lớp 6 khó hơn cả thi vào đại học khi tỷ lệ “chọi” của một số trường lên đến 1 chọi 8.

Chị Hoàng Thị Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: Vì muốn cho con theo học một trường công có tiếng mà gia đình đã có ý định chuyển nhà đến khu vực Cầu Giấy. Dù tìm hiểu cách đây 3 tháng nhưng các trường có tiếng đã hết chỗ, còn các trường tầm trung chị nhận được báo giá 50 triệu đồng, một trường khác nhỏ hơn là 25 triệu đồng.

Khi được hỏi “tại sao chịu mất nhiều tiền để cho con vào trường công lập?”, chị Lan nêu bài toán kinh tế: Trường công lập tốt thì học phí vẫn thấp so với trường tư mà con lại được đi học gần nhà. Nếu tính cả tiền lo lót và học phí trong 4 năm thì gia đình phải chi chỉ khoảng 100 triệu đồng. Còn nếu con học trường dân lập thì 4 năm nhẹ cũng phải chi hết hơn 200 triệu đồng. Vì vậy, nếu có mất 50 triệu đồng mà con vào được trường ưng ý thì gia đình cũng sẵn sàng.

Bao giờ hết “chạy” trường?

Suốt nhiều năm qua, việc chạy trường năm nào cũng được truyền thông cảnh báo nhưng dường như chưa bao giờ có dấu hiệu nguôi nóng. Chưa biết rằng, để giành được một suất học ở trường tốt cho con thì cha mẹ đã tạo điều kiện cho tương lai của con được tới đâu? Hay cha mẹ đã vô tình tạo quá nhiều áp lực cho các em khi cả xã hội rơi vào vòng xoáy chạy trường, bất kể ở trường công hay vào trường tư?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, muốn giành cho con một suất vào lớp 1 tại các trường điểm ở Hà Nội, nhiều cha mẹ phải chi với mức phổ biến 1.000-2.000USD. Việc chạy trường cũng không chỉ xảy ra ở trường công, mà ngay cả các trường tư với giá học phí cao ngất ngưởng cũng ở trong tình trạng “không nhanh thì mất”.

Chị Nguyễn Thị Bích (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Năm nay, con gái chị chuẩn bị vào lớp 1. Gia đình có hộ khẩu Hà Nội nên việc lo cho con vào một trường tiểu học công lập gần nhà là có thể, nhưng chị lại muốn cho con học ở trường tư có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Tuy nhiên, mới đây chị dẫn con đến một trường tư khá nổi tiếng để xin học mới tá hỏa vì trường đã hết chỗ. Theo chị Bích, lỗi ở gia đình vì đã không tìm hiểu kỹ, bởi ngay tuyển sinh vào lớp 1, các trường tư này đã test đủ thứ kỹ năng với học sinh từ tiếng Anh đến kỹ năng giao tiếp xã hội. Vì thế mới có chuyện trẻ chưa học lớp 1 đã có lịch học thêm kín mít.

Chia sẻ của một người mẹ (tòa soạn xin được giấu tên) cho biết: Để con vào được trường mà gia đình đã nhắm từ lâu, mặc dù mới con 5 tuổi, gia đình đã thuê gia sư cho con học ngày đêm, cả tiếng Anh lẫn kỹ năng mềm. Suốt mấy tháng nay, con vừa học mẫu giáo ở trường vừa học tăng cường tuần 4 buổi, 8 giờ tiếng Anh và đến trung tâm để tập làm quen với các kỹ năng như trả lời phỏng vấn, làm bài trắc nghiệm.

Còn giáo viên thì cũng… thống khổ không kém. Chia sẻ mới đây của một vị hiệu trưởng trên truyền thông cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ. Vị hiệu trưởng tâm sự: “Cứ đến mùa tuyển sinh là suốt ngày phải tiếp khách, nhận điện thoại rồi phải trả lời, giải thích… Cha mẹ có cố tình không hiểu thì mình lại nhận về những lời trách móc từ thẳng mặt đến bóng gió xa xôi, thật mệt mỏi!”.

Giáo viên đã vậy còn ai dám chắc những đứa trẻ dù mới sắp bước vào lớp 1 sẽ không mệt mỏi với những kế hoạch phải học để vào “trường điểm” như bố mẹ mong muốn? Và liệu các bậc cha mẹ có chắc những trường mình mất công chạy sẽ là môi trường phù hợp với con mình?

Có lẽ chuyện buồn mùa tuyển sinh sẽ không bao giờ chấm dứt khi cha mẹ học sịnh cứ mãi chạy theo cái danh của trường mà quên mất rằng, dù học ở đâu thì sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường mới giúp trẻ có một kết quả học tập tốt.

Cô Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, chia sẻ: “Cách nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” cùng với những lo lắng quá mức dẫn đến thực trạng không ít bậc cha mẹ mất tiền oan nhưng con vẫn không có chỗ học như mong muốn. Không biết vì sao nhiều người truyền tai nhau rằng, các thầy cô của Trường Lương Thế Vinh đều có suất ngoại giao? Tôi khẳng định điều này là không có”.

Huyền Anh