Giấc mơ lớn của người Iraq…

15:50 | 16/10/2012

637 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Báo cáo “Triển vọng năng lượng Iraq” mới công bố của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự đoán rằng năng lực khai thác dầu mỏ của Iraq sẽ tăng lên gấp 5 lần vào những năm 2030.

Dầu mỏ sẽ không chỉ đóng vai trò thiết yếu đối với sự thịnh vượng của Iraq trong tương lai mà còn đưa nước này trở thành nhân tố chủ chốt góp phần vào sự ổn định và nền an ninh năng lượng toàn cầu. Baghdad còn tự tin hơn khi khẳng định nhiều lần sẽ đưa sản lượng dầu khai thác trong nước vượt qua dự đoán, nhưng với hàng thập kỷ xung đột và sự thiếu đầu tư và cơ sở hạ tầng hạn chế, có vẻ như đó là một sự lạc quan hơi sớm của người Iraq…

Trong báo cáo công bố hôm 9/10, IEA dự đoán Iraq có thể tăng gấp đôi sản lượng khai thác dầu thô hiện nay từ 3 triệu thùng/ngày lên 6,1 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và có thể đạt mức khai thác khoảng 8,3 triệu thùng/ngày vào năm 2035.

Iraq đang vội vã tăng tốc đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu dầu mỏ

Những dự đoán và cam kết từ phía Chính phủ Iraq thì còn lạc quan nhiều. Trong cuộc họp báo ngày 10/10, Phó Thủ tướng Iraq phụ trách năng lượng Hossein al-Shahristani tự tin rằng “các kết luận nghiên cứu của chúng tôi cho thấy kỳ vọng tăng sản lượng khai thác dầu mỏ lên 9-10 triệu thùng/ngày vào năm 2020 là khả thi”.  Xem ra, với trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới và sản lượng khai thác dầu mỏ hiện tại đạt 3,4 triệu thùng/ngày, con số dự báo của IEA có vẻ hơi “khiêm tốn” so với tiềm năng và quyết tâm của Baghdad!

Tuy nhiên, IEA cũng phác thảo ra một số những trở ngại để Iraq có thể đạt được mức sản lượng khai thác dầu 9-10 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Quan trọng nhất, theo IEA, Iraq phải nhanh chóng tăng đầu tư gấp 3 lần vào lĩnh vực dầu mỏ, nghĩa là từ mức 7 tỉ USD của năm 2011 lên 26 tỉ USD mỗi năm, kể từ nay đến năm 2020. (Nếu như đầu tư cho lĩnh vực này “dậm chân tại chỗ” như năm 2011 thì khai thác dầu mỏ của Iraq sẽ tăng trưởng chậm hơn dự kiến và đến năm 2020 cũng chỉ đạt “quanh quẩn” ở mức 4 triệu thùng/ngày). Thứ đến, Iraq cần phải đầu tư thêm 6 tỉ USD mỗi năm vào lĩnh vực điện năng từ nay đến năm 2035, để đảm bảo nhu cầu dùng điện cao điểm. Bên cạnh đó, Baghdad còn phải đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho hoạt động khai thác mà không làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt dân sinh. Ngoài ra, Iraq cũng cần phải xây dựng các cơ sở thu gom khí đồng hành từ các mỏ đang khai thác dùng để sản xuất điện và hỗ trợ các ngành công nghiệp, lĩnh vực sản xuất khác, thay vì đốt bỏ chúng.

Cơ sở hạ tầng trong nhiều lĩnh vực của Iraq cũng cần phải được cải thiện từ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt đến mở rộng, nâng công suất các nhà máy lọc dầu và xây dựng các cơ sở sản xuất phụ trợ để hỗ trợ ngành hóa dầu còn non trẻ và đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh. Hiện tại, phần lớn dầu xuất khẩu của Iraq đi qua eo biển Hormuz, một nút thắt chính trị đầy bất ổn và phụ thuộc vào tình hình “thời tiết” quan hệ giữa Mỹ và Iran. Thêm vào đó, xuất khẩu dầu của Iraq cũng gặp khó khi một đường ống dẫn chính, chạy từ phía Bắc Kirkuk tới cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) ở Địa Trung Hải, có công suất danh nghĩa 1,6 triệu thùng/ngày nhưng qua nhiều năm bị chiến tranh và xung đột tàn phá, đường ống này thực tế chỉ tải được 600.000 thùng dầu/ngày. Ngoài ra, kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí từ Iraq đến châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ, dù rất hữu ích và có tương lai, cũng có thể bị đình đốn lại trong năm nay do khó khăn kinh tế hiện tại của các nước Liên minh châu Âu (EU).

Xung đột trong nước cũng là một yếu tố gây cản trở rất lớn đến việc phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực dầu mỏ nói riêng của Iraq. Dầu mỏ đã là nguồn gốc gây căng thẳng xung đột ở Iraq trong gần một thế kỷ qua và là nhân tố kích động cho 3 cuộc chiến tranh ở trong nước kể từ năm 1980. Sau sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein vào năm 2003, giới quan sát đã hy vọng rằng việc tăng sản lượng dầu mỏ sẽ giúp khôi phục, tái thiết nền kinh tế tàn tạ của Iraq. Nhưng cho đến giờ, căng thẳng chính trị, bất ổn, bạo lực và tham nhũng vẫn đang hoành hành ở đất nước Trung Đông và là những “chướng ngại” mà tư vấn của IEA chỉ có thể chỉ ra mà không thể nêu giải pháp. Thỏa thuận mới gần đây, theo đó, chính phủ trung ương thanh toán đầy đủ các hợp đồng mua dầu cho các công ty dầu khí làm việc trong khu vực Kurdistan và đổi lại, khu vực tự trị tiếp tục thực hiện cam kết xuất khẩu dầu, dẫu sao, cũng là một tín hiệu sáng sủa với xuất khẩu dầu của Iraq, nhưng xem ra, lạc quan bây giờ vẫn là hơi sớm…

Linh Phương (tổng hợp)