Đâu là 5 nhà khai thác dầu lớn nhất năm 2023?
Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức kỷ lục mới |
IEA: Không phải nhà khai thác dầu nào cũng có thể tồn tại đến cuối cùng |
Ảnh minh họa (Nguồn: Getty Images) |
Vào tháng 9, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong lịch sử và dự báo sản lượng sẽ tiếp tục tăng.
Các nhà khai thác dầu của Mỹ chuẩn bị giảm 1% chi tiêu cho năm 2024, trong đó các công ty khoan tư nhân cắt giảm ngân sách trung bình 4%, theo một cuộc khảo sát chi tiêu của Barclays được Bloomberg trích dẫn.
Các nhà phân tích và dự báo cho biết, mặc dù ngân sách dự kiến sẽ thấp hơn một chút trong năm tới, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng sản lượng nhờ tăng cường hiệu suất và thời gian hoạt động dài hơn. Sự gia tăng sản lượng dầu gần đây đang củng cố vị trí dẫn đầu của Mỹ trong số 5 quốc gia khai thác dầu lớn nhất thế giới.
Danh sách này cũng bao gồm các nhà khai thác OPEC+ là Ả Rập Xê-út, Nga và Iraq cũng như một nhà khai thác Bắc Mỹ khác là Canada.
Mỹ
Các hoạt động khai thác dầu tại Mỹ |
Mỹ hiện đang khai thác hơn 13 triệu thùng dầu thô mỗi ngày - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào từ trước đến nay - và đang hướng tới mức tăng liên tục trong ngắn hạn và trung hạn.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục mới hàng tháng là 13,236 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Ông Francisco Blanch, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Hàng hóa và Phái sinh Toàn cầu tại Ngân hàng Trung Ương Vương Quốc Anh (BofA), cho biết trong một cuộc gọi thảo luận về triển vọng năng lượng của ngân hàng rằng sự tăng trưởng không chỉ là câu chuyện ở Permian.
“Chúng tôi đang thấy nhiều lưu vực đá phiến trước đó còn trì trệ nhưng giờ đang trải qua sự hồi sinh”, Reuters trích lời ông Francisco Blanch.
Ngành đá phiến của Mỹ hiện đang tìm cách có được kết quả tốt hơn với nguồn lực ít hơn khi tìm cách tăng cường hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả hoạt động để chứng minh với các cổ đông rằng họ đã chuyển từ tăng trưởng bằng mọi giá sang tăng trưởng được đo lường kèm theo lợi nhuận cao hơn cho các nhà đầu tư.
EIA cho biết trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) vào tháng 12 rằng sản lượng dầu thô năm nay của Mỹ dự kiến ở mức trung bình 12,93 triệu thùng/ngày và sẽ tăng thêm lên mức trung bình 13,11 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Sản lượng tăng vọt cũng dẫn đến xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ tăng theo.
Ảnh minh họa (Nguồn: EIA) |
Ông Jim Burkhard, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường dầu mỏ của S&P Global Commodity Insights cho biết: “Mỹ không chỉ khai thác nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử, mà lượng dầu (dầu thô, sản phẩm tinh chế và chất lỏng khí tự nhiên) mà nước này xuất khẩu cũng gần bằng tổng sản lượng của Ả Rập Xê-út hoặc Nga”.
Ả Rập Xê-út
Ả Rập Xê-út, lãnh đạo của OPEC và nhóm OPEC+, là nhà khai thác dầu lớn thứ hai thế giới trong năm nay. Sản lượng dầu thô của Vương quốc này đạt trung bình khoảng 10,2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023.
Một cơ sở của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco của Ả Rập Xê-út (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, kể từ tháng 7, Ả Rập Xê-út đã thực hiện cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày, kéo sản lượng trung bình xuống 9 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm.
Việc cắt giảm của Ả Rập Xê-út, nhằm mục đích "ổn định thị trường", đã được bù đắp một phần bằng sản lượng tăng vọt từ các nhà khai thác ngoài OPEC+, nhất là Mỹ, Brazil, Canada, Guyana và Na Uy.
Nga
Nga, đối tác quan trọng của Ả Rập Xê-út trong liên minh OPEC+, được cho là đang khai thác khoảng 9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Nga đã ngừng cung cấp dữ liệu khai thác và xuất khẩu dầu của mình sau khi xung đột với Ukraine, và nói rằng họ sẽ không cung cấp thông tin chi tiết về lĩnh vực dầu mỏ của mình, vốn có thể bị phương Tây sử dụng để theo dõi và kiểm soát xuất khẩu dầu hoặc doanh thu từ dầu mỏ của Nga.
Các ống khoan hoạt động tại giàn khoan dầu tại mỏ dầu Salym Petroleum Development gần khu vực đá phiến Bazhenov ở Salym, Nga (Nguồn: Bloomberg) |
Đầu tháng này, có thông tin cho rằng Nga đã hứa với các công ty theo dõi dòng chảy của dầu và cơ quan báo cáo giá sẽ cung cấp dữ liệu về sản lượng, tồn kho và sản lượng nhiên liệu của nước này sau khi OPEC+ yêu cầu Moscow minh bạch hơn trong việc tuân thủ cắt giảm.
Tại cuộc họp mới nhất của OPEC +, Nga cho biết họ sẽ giảm sâu xuất khẩu xuống 500.000 thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024, với tháng 5 và tháng 6 năm 2023 là mức xuất khẩu tham chiếu cho việc cắt giảm, bao gồm 300.000 thùng dầu thô và 200.000 thùng các sản phẩm tinh chế.
Canada
Trong khi Nga và Ả Rập Xê-út đang cắt giảm nguồn cung ra thị trường, thì Bắc Mỹ lại tăng sản lượng - không chỉ từ Mỹ mà còn từ Canada.
Bãi cát dầu Athabasca gần Fort McMurray (Nguồn: Bloomberg) |
Năm ngoái, sản lượng dầu của Canada đạt kỷ lục 4,86 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý năng lượng Canada.
Các nhà phân tích hiện kỳ vọng sản lượng sẽ tăng vào năm 2023, 2024 và 2025 khi các công ty đang tăng cường khai thác tại các địa điểm mới và các địa điểm liên kết với dự án cũ ở vùng cát dầu của Alberta. Các nhà phân tích cho biết sản lượng dầu thô của Canada dự kiến sẽ tăng 8% vào năm 2025.
Iraq
Nhà khai thác lớn thứ hai của OPEC, Iraq, là quốc gia khai thác dầu lớn thứ năm trên thế giới trong năm nay, với sản lượng trung bình khoảng 4,3 triệu thùng/ngày, theo nguồn thứ cấp của OPEC trong báo cáo hàng tháng.
Mỏ dầu Nahr Bin Umar, phía bắc Basra, Iraq (Nguồn: Reuters) |
Trong báo cáo mới nhất vào tháng 12, OPEC thừa nhận rằng trong khi sản lượng dầu thô của nhóm giảm lần đầu tiên trong tháng 11 trong nhiều tháng, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục đạt mức cao mới.
OPEC lưu ý trong báo cáo của mình rằng "sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ cũng như sản lượng chất lỏng khí thiên nhiên (NGL) của Mỹ tiếp tục đạt đỉnh mới. Tổng sản lượng chất lỏng nhiên liệu của Mỹ đạt kỷ lục 21,6 triệu thùng/ngày trong tháng 9 do hoạt động khai thác trên đất liền và ngoài khơi liên tục vượt trội."
OPEC dự kiến nguồn cung chất lỏng nhiêu liệu của Mỹ sẽ tăng thêm 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Nhóm này cũng cho biết dự báo tăng trưởng nguồn cung chất lỏng nhiên liệu ngoài OPEC không thay đổi ở mức 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023, do Mỹ, Brazil, Kazakhstan, Na Uy, Guyana, Mexico và Trung Quốc dẫn đầu.
Sản lượng dầu tăng từ bên ngoài OPEC+ khiến nhiệm vụ quản lý giá dầu trong năm tới của nhóm trở nên khó khăn hơn so với suy nghĩ trước đây.
Đỗ Khánh
Oil Price
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Long trọng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024
-
Kiểm tra, đề xuất phương án xử lý sạt lở bờ biển gần Khu xuất sản phẩm đường bộ NMLD Dung Quất
-
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2024
-
Tăng cường đôn đốc thu ngân sách các khoản liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm