Quy định mới về kê đơn thuốc

Gây khó cho bệnh nhân và bác sĩ?

07:18 | 11/03/2018

238 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ ngày 1-3-2018, khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi tên, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của bố hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ. Đây là quy định mới của Bộ Y tế trước nạn lạm dụng kháng sinh hiện nay.  

Còn nhiều băn khoăn

Thông tư 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có hiệu lực từ ngày 1-3-2018 nêu rõ: Yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh; ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú. Đặc biệt, đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

gay kho cho benh nhan va bac si
Điều trị cho bệnh nhi

Với quy định này, ngay cả người trong giới như bác sĩ nhi cũng cho rằng khó thực hiện. Điều quan trọng nhất, hiệu quả mà quy định muốn đạt được là xiết chặt trong khâu sử dụng kháng sinh chưa chắc đã như mong muốn.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương băn khoăn: Quy định này khó khả thi, vì trường hợp có gia đình cung cấp số chứng minh nhân dân không chính xác, sau đó không thanh toán chi phí khám chữa bệnh rất dễ xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, quy định này không có ý nghĩa nhiều, bởi nếu điều trị ngoại trú bệnh nhân sẽ chi trả tiền mua thuốc tại hiệu thuốc, trẻ dưới 6 tuổi thì quy định hiện hành là 100% trẻ đều được ngân sách Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Thực tế hơn, một số bác sĩ khác lại nhìn nhận, tâm lý của các bậc cha mẹ khi đi chữa bệnh cho con là rất lo lắng và vội. Vì vậy, trường hợp bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ trẻ không mang theo chứng minh nhân dân là chuyện không thể không xảy ra. Như vậy, họ không thể cung cấp ngay số chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước như yêu cầu. Không lẽ bác sĩ cho “nợ”? Nếu bác sĩ không chấp nhận, không kê đơn thuốc thì bệnh nhi sẽ như thế nào?

Vừa làm vừa bổ sung, hoàn thiện

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Th.S Cao Hưng Thái phân tích, trong Thông tư 52/2017/BYT, quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú cần được hiểu là: Ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo chứng minh thư nhân dân để khi kê đơn, các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Những quy định này sẽ bảo đảm 3 ý nghĩa của đơn thuốc: Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; người bệnh tính được chi phí khám, chữa bệnh; mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.

Th.S Cao Hưng Thái phân tích thêm: Việc ghi thêm số chứng minh nhân dân trên đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi cũng mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người thầy thuốc, nhưng đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra rất phổ biến hiện nay.

Th.S Cao Hưng Thái khẳng định, trước khi ban hành, Thông tư số 52/2017/BYT đã được lấy ý kiến của các bên liên quan và là thừa kế những quy định trước đây. Trong quá trình thực hiện thông tư, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có những đánh giá, khảo sát để kịp thời bổ sung và hoàn thiện những bất cập nếu có.

Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước sử dụng kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Có tới 88% thuốc kháng sinh tại thành thị, 91% thuốc kháng sinh ở nông thôn được bán ra không kê đơn.

Nguyễn Bách